Mặc dù kì thi THPT quốc gia 2015 đã qua đi và việc tuyển sinh đại học đã hoàn tất nhưng việc nhìn lại nó vẫn cần thiết để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm giúp cho các kì thi sau hoàn thiện hơn.

Sau nhiều năm thử nghiệm các cải cách khác nhau đối với việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, năm nay Bộ GD-ĐT đã thực hiện hai thay đổi lớn. Thứ nhất, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH được tổ chức gộp lại với nhau. Thứ hai, học sinh nộp hồ sơ xin học ĐH sau khi đã biết điểm thi.

Đã có nhiều phân tích về ưu nhược điểm của lần đổi mới này về nhiều khía cạnh khác nhau, cả về chủ trương lẫn cách thức thực hiện nhưng bài viết muốn bàn về một số vấn đề ở  phổ điểm thi, mà nguyên nhân có lẽ một phần vì bất cập trong cách thiết kế đề thi và đáp án. Những vấn đề này có thể gây ra một số bất tiện cho việc tuyển sinh cũng như sự thiếu công bằng cho thí sinh.

Các bất thường trong phân bố điểm

Nhìn vào phổ điểm do Bộ Giáo dục công bố, một điều rất dễ nhận ra là sự tăng bất thường của số thí sinh ở một số mức điểm ở hầu hết các môn thi. Điều này có thể thấy rõ ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhẹ hơn một chút ở các môn Lịch sử, Địa lý và phần nào ở môn Toán. Phổ điểm các môn ngoại ngữ khác tiếng Anh cũng rất bất thường, tuy nhiên các môn này có rất ít thí sinh nên tạm thời có thể bỏ qua. Môn học duy nhất không có sự bất thường này là tiếng Anh.

Các mức điểm có sự bất thường này không phân bố ngẫu nhiên. Ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì đó là các mức 2,5; 3,5;… 7,5. Ở các môn Lịch sử, Địa lý hay phần nào môn Toán là các mức điểm chẵn hay lẻ 0,5.Riêng môn Toán còn có một sự bất thường khác ở vùng điểm cao (trên 7,5): số thí sinh giảm mạnh từ 7,5 xuống 7,75 rồi tăng dần đến 8,25, rồi lại giảm mạnh xuống 8,5 và tăng dần đến 9,sự biến động này khá lớn và thiếu hợp lý. Người đọc có thể kiểm chứng các đặc điểm đó trên hình sau (có thể xem phổ điểm đầy đủ ở [1] để thấy rõ hơn).

Khi số thí sinh rất lớn (đến hàng triệu) như kỳ thi này, một cách tự nhiên phân bố số lượng thí sinh sẽ tăng dần từ 0 điểm đến mức điểm nào đó (lý tưởng nhất là mức trung bình 5 điểm) rồi giảm dần đến10 điểm. Phổ điểm “tự nhiên” sẽ có dạng gần giống như phổ điểm môn Lịch sử (hình dưới bên phải) với điều kiện không có sự thăng giáng bất thường, hoặc giống như phổ điểm môn tiếng Anh (hình trên bên phải) với điều kiện đỉnh phổ tương ứng với 5 điểm thay vì 2,75. Việc đỉnh phổ lệch phải (như môn Toán) hoặc lệch trái (như môn tiếng Anh) cũng là phản ánh việc đề thi quá dễ hoặc quá khó so với số đông. Đây cũng là một đặc điểm cần lưu ý.

{keywords}
Môn Vật lí

{keywords}
Môn Tiếng Anh

 

{keywords}
Môn Lịch sử

{keywords}
Môn Toán

Những bất cập có thể nảy sinh

Sự bất thường của phổ điểm có thể làm nảy sinh một số vấn đề khi xét tuyển sinh ĐH (và ngay cả xét tốt nghiệp). Thứ nhất, khi điểm tuyển của một trường nào đó ngấp nghé các mức điểm bất thường, có thể nảy sinh sự bất tiện trong tuyển sinh, và có thể dẫn đến sự bất công cho thí sinh. Nếu trường lấy bằng với mức điểm đó, số thí sinh có thể vượt nhiều so với chỉ tiêu. Ngược lại, nếu trường lấy trên mức điểm đó, số thí sinh có thể thiếu nhiều so với chỉ tiêu.

Thứ hai, sự bất thường này có thể gây ra sự thiếu nhất quán khi xét các tổ hợp môn, nhất là khi có sự khác nhau lớn giữa các môn về hình dạng phổ điểm. Việc này có thể gây ra sự bất tiện trong tuyển sinh và bất công cho thí sinh. Chẳng hạn người ta đã từng tranh cãi về việc nên làm tròn từng môn hay làm tròn tổng điểm.

Thứ ba, sự bất thường ở môn Toán ở mức điểm trên 7,5 có thể gây ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào các trường/ngành có điểm xét tuyển cao, đặc biệt là các trường/ngành lấy hệ số 2 ở môn Toán.Vì môn này có trong nhiều tổ hợp môn xét tuyển nhất nên mọi sự bất thườngnói chung sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn các môn kia.

Tạm lý giải nguyên nhân của sự bất thường

Các bất thường này có thể được lý giải phần nào khi xem xét đề thi và đáp án các môn. Theo quy định của Bộ, điểm số tất cả các môn được làm tròn đến 0,25. Các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học có 50 câu trắc nghiệm, như vậy mỗi câu là 0,2 điểm. Theo quy định của Bộ, điểm số 0,2 làm tròn lên 0,25, 0,8 làm tròn xuống 0,75, trong khi điểm số 0,4 và 0,6 làm tròn về cùng 0,5. Việc làm tròn thiếu nhất quán và thiên lệch này đã góp phần gây ra sự bất thường nói trên của phổ điểm.

Môn Toán tuy có biểu điểm được chia nhỏ đến 0,25 nhưng dường như một số bước 0,25 quá sát nhau về mặt logic. Điều này dẫn đến việc nhiều thí sinh nếu làm được 0,25 thì cũng làm nốt được phần 0,25 tiếp theo, thành ra số thí sinh được điểm chẵn hoặc lẻ 0,5 thường nhiều hơn. Lý giải này cũng có thể áp dụng cho môn Địa lý. Môn Lịch sử thì các mức điểm không nhất quán, câu thì 0,25, câu thì 0,5, câu thì 0,75. Những điều này có thể lý giải sự bất thường ở phổ điểm các môn này. Một khả năng có thể nữa là người chấm có xu hướng làm tròn lên các mức điểm chẵn hoặc lẻ 0,5. Rất tiếc chưa thấy nguyên nhân khả dĩ nào cho sự bất thường ở các mức điểm trên 7,5 ở môn Toán. Hy vọng Bộ sẽ có lý giải cho điều này.

Riêng đề thi môn tiếng Anh gồm 2 phần, phần 1 có điểm tối đa là 8 với 64 câu trắc nghiệm, như vậy mỗi câu là 0,125 điểm (một nửa của 0,25), còn phần 2 không rõ biểu điểm như thế nào, nhưng từ đề thi cũng có thể dự đoán là điểm được chia nhỏ đến 0,125 hoặc 0,25. Việc làm tròn đến 0,25 do vậy sẽ không làm lệch phân bố điểm, thể hiện ở việc phổ điểm môn này khá đều đặn và tự nhiên.

Một số đề xuất

Các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học có thể thiết kế lại đề thi như môn tiếng Anh, tức là có 80 câu, mỗi câu 0,125 điểm, hoặc 40 câu, mỗi câu 0,25 điểm. Không biết Bộ Giáo dục có lý do nào đằng sau việc thiết kế đề thi với 50 câu ở các môn này không, nhưng chưa thấy lý do nào thực sự thuyết phục để thiết kế đề với 50 câu mà phải chấp nhận sự bất tiện nói trên. Trong trường hợp Bộ có lý do thuyết phục cho việc đó, thì một giải pháp khắc phục sự bất thường này là làm tròn điểm một cách nhất quán (hoặc tăng hoặc giảm), thay vì làm tròn thiếu nhất quán và thiên lệch về điểm 0,5 như hiện nay.

Về môn Toán và môn Địa lý, tôi nghĩ rằng nên thiết kế sao cho các mức điểm 0,25 có bước logic cách xa nhau hơn. Nếu không thể làm vậy, thì có lẽ không nên duy trì mức điểm 0,25 nữa. Môn Lịch sử cũng nên thiết kế sao cho các mức điểm tương đồng và nhất quán hơn. Vấn đề quá khó hay quá dễ của đề thi so với số đông cũng nên được xem xét một cách nghiêm túc để điều chỉnh.

Thụy Vũ

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/252572/cong-bo-du-lieu-thi-sinh-chi-tiet-den-0-25-diem.html