Tiền cho những quỹ chi bù có thể có nếu cân đối được nhờ tiết kiệm những khoản chi thường xuyên bất hợp lý như chi xây tượng đài, chi lễ lạt, chi xe công…

Hai câu chuyện, vô vàn vấn đề:

Hai câu chuyện ở hai thái cực của những người ‘nhận’ thành quả sau hàng chục năm đóng bảo hiểm đang là đề tài nóng trên báo chí gần đây.

Chuyện thứ nhất, chị Trương Thị Lan, 55 tuổi, giáo viên mầm non tại Hà Tĩnh đã bật khóc khi cầm trên tay tờ quyết định lương hưu. 35 năm đi dạy, trong đó có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm, mức lương hưu của chị Lan là 1,3 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu này được bà Nguyễn Thị Hồng Lam, Trưởng phòng chế độ, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Tĩnh khẳng định là đúng quy định chung. Bà Lam được báo chí dẫn lời, trường hợp của chị Lan không phải cá biệt ở địa phương. Tính đến năm 2016, BHXH Hà Tĩnh đã chi trả cho 270 giáo viên mầm non với mức lương hưu tương tự.

Tương phản với mức lương hưu thấp của chị Lan và nhiều đồng nghiệp (so với mặt bằng chung của ngành viên chức, giáo viên mầm non có mức đóng và thụ hưởng thấp nhất) thì BHXH Việt Nam mới đây cũng công bố về người được hưởng lương hưu cao nhất nước với số tiền thụ hưởng lên đến 100 triệu đồng.

Người đàn ông này có 23 năm 3 tháng đóng bảo hiểm, trong đó, 18 năm làm TGĐ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Theo thông tin từ BHXH, giai đeoạn trước 1/1/2007 do luật không khống chế trần lương làm căn cứ nên người này đã được đóng BHXH trên nền lương rất cao, có giai đoạn lên đến 249 triệu đồng. Sau đó khi bị khống chế mức trần, người này đã đóng bảo hiểm dao động từ 9 đến 23 triệu đồng.

Bộ LĐTB&XH từng công bố số liệu, trong tổng số 54 triệu lao động, có khoảng 13 triệu người đang đóng BHXH.

Nguyên tắc của mọi quỹ bảo hiểm là: đóng nhiều hưởng nhiều; đóng ít hưởng ít. Vì vậy, nói cơ quan bảo hiểm làm đúng quy trình là đúng. Nhưng đằng sau quy trình này đang có vô khối vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Mà nếu giải quyết được, cho dù quy trình vẫn vậy, nhưng thu nhập lúc về hưu của người đóng quỹ chắc chắn sẽ có cơ hội tăng.

Những vấn đề của Quỹ BHXH

- Nguy cơ vỡ quỹ và vòng xoáy luẩn quẩn:

Theo nhận định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ BHXH Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021, buộc phải lấy kết dư chi trả và sẽ cạn vốn vào năm 2034, dẫn đến khả năng vỡ quỹ. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cảnh báo tương tự. Bản thân cơ quan BHXH Việt Nam sau nhiều nghiên cứu cũng thừa nhận: Quỹ sẽ mất cân đối từ thập kỷ sau.

Xét từ góc độ các yếu tố khách quan, nguyên nhân có thể dẫn đến vỡ quỹ là do tỷ lệ thu không cân đối so với mức chi của BHXH. Bộ LĐTB&XH từng công bố số liệu, trong tổng số 54 triệu lao động, có khoảng 13 triệu người đang đóng BHXH. Trong khi số người được Quỹ BHXH chi trả khoảng 6 triệu người đang hưởng lương hưu, BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng và khoảng 4-5 triệu người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn.

Một giải pháp thông thường là làm sao tăng thêm số người tham gia đóng, đồng thời kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nhưng để làm được điều đó trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. Bởi nguyên nhân căn bản nhất là người dân đang sụt giảm niềm tin vào Quỹ này.

Thực tế này thể hiện qua con số trung bình mỗi năm có khoảng 600.000 – 700.000 người nhận BHXH một lần và con số này đang và sẽ tăng trong thời gian tới khiến cho số người đóng BHXH chỉ loanh quanh mức 13 triệu, thậm chí có thể giảm trong tương lai. Trong khi đó, muốn kéo dài tuổi hưu cũng không dễ. Vì khi niềm tin bấp bênh thì khó thuyết phục người dân bỏ tiền vào quỹ.

Trong bối cảnh này, tính minh bạch và hiệu quả quản lý của Cơ quan quản lý quĩ càng minh bạch càng tốt. Người lao động đóng tiền vào quỹ cần nắm được số liệu tài chính của quỹ. Cứ công khai cho họ số tiền họ đóng vào quỹ, tổng số là bao nhiêu, hiện trạng như thế nào, và tiền trong quỹ đang đi đâu về đâu? Đang cho những ai vay? Tình trạng khoản vay thế nào, có rủi ro gì không?

(i) Chi phí vận hành và quản lý quỹ:

Hiệu quả hoạt động, chỉ xét ở tỷ lệ chi quản lý vận hành quỹ/tổng quỹ thôi cũng cần được minh bạch. Vì không có số liệu thì không thể biết, so với các quỹ hưu trí khác, hiệu quả quản lý hành chính là thế nào – cao hay thấp.

Giải pháp nào?

Hiện nay, BHXH đang có đề xuất gia tăng mức đóng (đóng BHXH trên tổng thu nhập) nhằm bảo đảm được nguồn thu, nhưng về cơ bản điều này chỉ là phương án tạm thời. Theo đó, trong ngắn hạn, quỹ sẽ được bổ sung, dù vậy không bền vững.

Để giải quyết tận gốc cần phải xem xét lại cách quản lý quỹ BHXH, trong đó, cần minh bạch hoá các thu, chi của BHXH thông qua việc công bố báo cáo tài chính hàng năm. BHXH cũng có thể áp dụng việc sử dụng tài khoản cá nhân trong hệ thống– một dạng sổ điện tử song song với sổ giấy hiện nay, cho phép người đóng biết được tình hình mức đóng của mình. Minh bạch là cách duy nhất để lại niềm tin, qua đó huy động được thêm người đóng mới; cũng như thuyết phục được người đóng kéo dài số năm đóng.

Song song với việc công khai số liệu tài chính, báo cáo kiểm toán của quỹ; BHXH cũng cần tinh giản bộ máy hành chính, gỡ bỏ đi những cồng kềnh về mặt nhân sự, giảm chi thường xuyên.

Trong khi Cơ quan quản lý quỹ ở các quốc gia khác đang hướng đến học hỏi doanh nghiệp tư nhân, để gia tăng hiệu quả, thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn hoạt động như một tổ chức hành chính – với đầy đủ những hạn chế của mô hình quan liêu. Do đó, giống như các quốc gia khác, một giải pháp mạnh tay Chính phủ có thể tính đến, đó là mở thầu cho tư nhân tham gia một số công đoạn của hoạt động quản lý. Một công đoạn đơn giản như việc thu và chi trả, nếu ‘thuê ngoài’ (contracting-out) cho các đơn vị tư nhân khác làm; chi phí chắc chắn sẽ giảm xuống. Như đã nói ở trên, phần chi phí tiết kiệm được, quay lại sẽ giúp gia tăng phần chi trả lương hưu cho người đóng.

Cuối cùng, để giảm thiểu bất cập trong việc chi trả bảo hiểm như trường hợp 1,3 triệu hay 100 triệu tiền lương hưu, trong ngắn hạn, Chính phủ cũng nên xây dựng một quỹ hỗ trợ, hoạt động song song với quỹ BHXH. Theo đó, quỹ này sẽ có sự chọn lọc hỗ trợ tương ứng với các mức lương hưu được thụ hưởng nhằm hỗ trợ các trường hợp như chị Lan. Ví dụ: nếu lương hưu nhận về hàng tháng thấp hơn 5 triệu chẳng hạn, quỹ sẽ chi thêm 1 triệu. Từ 5 triệu – 7 triệu thì quỹ sẽ bù thêm 500.000 đ.  Xin lưu ý: đây chỉ là ví dụ, thể hiện nguyên tắc lũy thoái theo đối tượng. mức cụ thể cần được tính toán dựa trên yếu tố mức sống, cũng như cân đối đến quy mô và khả năng tài trợ cho quỹ.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, hình thức quỹ chi bù (top-up) này là cách thức tốt để hỗ trợ xã hội cho các đối tượng có mức lương hưu quá thấp như trường hợp chị Lan nêu trên. Tiền cho những quỹ này có thể có, nếu cân đối được nhờ tiết kiệm được những khoản về chi thường xuyên khác bất hợp lý như chi xây tượng đài, chi lễ lạt, chi xe công… sẽ thêm được quỹ bù đắp cho người nghèo, chứ không nên để thấp như hiện nay.

Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công.

Doanh nhân hiến 5.000 lượng vàng và chuyện chữ tín, lòng tin

Doanh nhân hiến 5.000 lượng vàng và chuyện chữ tín, lòng tin

Đất nước muốn phát triển như nhiều quốc gia văn minh, làm sao nhà nước phải thực sự tin vào doanh nhân và ngược lại, doanh nhân cũng có đủ cơ sở đặt niềm tin vào nhà nước...

Sau ‘bỏ sổ hộ khẩu’ là gì?

Sau ‘bỏ sổ hộ khẩu’ là gì?

Liệu tiếp theo chúng ta có lộ trình dỡ bỏ những rào cản dẫn đến sự khác biệt về quyền lợi giữa các đối tượng thường trú và tạm trú?

Chỗ dựa cho con đường gập ghềnh

Chỗ dựa cho con đường gập ghềnh

Chuyến IL-76 của Bộ các tình trạng khẩn cấp chuyên chở hàng cứu trợ của Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Liên bang Nga cho đồng bào vùng mưa bão Miền Trung vừa đáp xuống sân bay Cam Ranh.

Tôi đã chứng kiến truyền thông Nhật ứng xử trước thiên tai

Tôi đã chứng kiến truyền thông Nhật ứng xử trước thiên tai

Trong hoàn cảnh người dân đang gánh chịu thảm họa, việc họ ngừng phát các chương trình giải trí sẽ gây thiệt hại kinh tế tức thời, nhưng hành động đó là trách nhiệm của “người trong một nước”.