Trong dăm ngày qua, công luận lại dậy sóng sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất về đánh thuế vào nhà từ căn nhà thứ 2 trở đi. Hầu như không có tờ báo nào không quan tâm tới câu chuyện này.
Sự thực, câu chuyện này không mới, đã được thảo luận nhiều khi Bộ Tài chính tiếp nhận một Dự án trợ giúp kỹ thuật của Liên minh châu Âu nghiên cứu về thuế tài sản từ năm 2004.
Kể từ sau ĐỔI MỚI, khung pháp luật đầu tiên về Thuế nhà đất là Pháp lệnh về Thuế nhà đất được UBTV Quốc hội thông qua vào ngày 31/7/1992, trong đó cách đánh thuế là sử dụng biểu Thuế sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực nhân với hệ số từ 1 tới 25 lần tùy theo vị trí đất.
Theo biểu thuế sử dụng đất nông nghiệp, mức thuế cao nhất là 650Kg thóc trên 1 Ha, như vậy thuế nhà đất tại nơi đắt nhất ở Việt Nam cũng chỉ tới 16,25 tạ thóc trên 1 Ha. Nhận thấy mức thuế có nhiều bất hợp lý, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về thuế nhà đất vào ngày 19/5/1994 với hệ số cao nhất là 32 lần, tư tưởng về sắc thuế này không có gì đổi mới.
Trong dăm ngày qua, công luận lại dậy sóng sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất về đánh thuế vào nhà từ căn nhà thứ 2 trở đi. |
Tiếp tục đổi mới, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp vào ngày 17/06/2010, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012, thay cho Pháp lệnh về Thuế nhà đất trước đó. Ý tưởng của sắc thuế này vẫn theo tư duy cũ từ thời kỳ bao cấp, không đánh thuế về nhà ở, chỉ đánh thuế vào sử dụng đất phi nông nghiệp với tỷ suất thuế rất thấp - 0,03% giá trị đất theo bảng giá đất của Nhà nước.
Thuế có đánh lũy tiến đối với diện tích đất sử dụng vượt hạn mức không quá 3 lần với thuế suất 0,07%; vượt quá 3 lần và đất sử dụng sai mục đích, đất không đưa vào sử dụng là 0,15%; đất lấn, chiếm là 0,2%. Về cách đánh thuế, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có bước tiến bộ hơn do tính thuế theo giá trị đất đai.
Về giá trị thuế, mức thuế thu được cũng chỉ khoảng gấp đôi so với mức thuế thu theo Pháp lệnh trước đó, tức là không có ý nghĩa gì nhiều về giá trị. Có thể lấy ví dụ cụ thể, một thửa đất 100m2 ở một vị trí có giá khoảng 30 triệu đồng trên 1 m2 theo bảng giá của Nhà nước (tương đương khoảng 100 triệu đồng trên 1 m2 theo giá thị trường) cũng chỉ phải nộp khoảng 1 triệu đồng mỗi năm, giá trị không đáng kể gì so với thu nhập cũng như chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn.
Kinh nghiệm quốc tế
Ở hầu hết các quốc gia, kể cả các nước phát triển, các nước đang phát triển hay các nước có nền kinh tế chuyển đổi đều đánh thuế vào tài sản bất động sản (BĐS) bao gồm cả đất và tài sản sản gắn liền. Thuế suất là từ 1% tới 1,5% giá trị BĐS tính theo giá thị trường. Rất nhiều nước cũng đánh thuế lũy tiến vào các BĐS dư thừa so với hạn mức trung bình trong xã hội.
Tư tưởng của sắc thuế như vậy không phải đánh vào nhà ở mà là đánh vào vị trí của nhà ở đó được thụ hưởng sự thuận lợi của hạ tầng và các tiện ích công cộng được hình thành từ đầu tư công. Nói cách khác, ai được thụ hưởng hạ tầng và tiện ích công cộng thì người đó phải chi trả tương xứng thông qua thuế BĐS. Ở các nước, thuế BĐS có thể đủ để chi phí cho nâng cấp đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - đánh giá, việc hạn chế đầu cơ BĐS, tránh bong bóng cho thị trường BĐS bằng cách thu thuế là giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần cân nhắc việc thực hiện. Ông Châu đưa ra dẫn chứng, với việc đánh thuế từ nhà thứ 2, thứ 3, tuy nhiên trên thực tế tại TPHCM có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2, trong khi đó, có người mua 1 căn nhà lên tới vài trăm mét vuông. “Vậy nên, có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích bé bị đánh thuế trong khi có người mua 1 căn nhà nhưng diện tích lớn”, ông Châu đặt câu hỏi. Vấn đề nữa, theo ông Châu, làm sao để biết 1 người chỉ sở hữu 1 nhà đất hay 2 - 3 căn nhà. “Việc này cơ quan thuế có làm được không khi cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu vẫn đang hình thành”, (Mua nhà thứ 2, thứ 3 bị đánh thuế tài sản: Khó quản lý, thiếu khả thi, Báo Lao động, 31/10/2016) |
Xem thêm bài: Nhiều người có quá nhiều BĐS nhưng không dùng đến TẠI ĐÂY
GS. Đặng Hùng Võ