- Bối cảnh chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều điểm đặc biệt. Vấn đề đối ngoại gắn liền với an ninh quốc gia sẽ được nhấn mạnh.
Năm 2013, 40 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Pháp kí “Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp” với 4 mảng cam kết: chính trị - ngoại giao; an ninh – quốc phòng; kinh tế - thương mại – đầu tư; và phát triển hợp tác địa phương, văn hóa, giáo dục, khoa học.
5 năm sau, kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác chiến lược, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron với một nghị trình chắc chắn là dày đặc với các hội kiến với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Nghị viện và các tổ chức xã hội dân sự khác như Nghiệp đoàn giới chủ (Medef), các hội đoàn người Pháp và Việt Nam ủng hộ Việt Nam từ thời kì kháng chiến, đàm phán Hiệp định Paris (1968-1973) cho tới nay, v..v.
Ưu tiên: Chính trị - quan hệ quốc tế và an ninh quốc gia?
Ngày 25/3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức thăm Pháp. Trước đó một tháng, ngày 26/2, đội tàu chiến Pháp thuộc chiến dịch Jeanne d’Arc rời cảng Toulon tới khu vực Đông Nam Á, trong đó có chặng dừng chân tại Thành phố Hồ Chí Minh từ mùng 1 đến mùng 5 tháng 6 tới.
Chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải không có tiền lệ.
Trước đây, sau 2 chuyến thăm của các Tổng thống Pháp Mitterand (1993) và Chirac (1997), Việt Nam cũng có các chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh tới Pháp vào 2000 và 2005. Điểm đặc biệt là sau hơn 10 năm mới lại có một chuyến thăm chính thức của một Tổng bí thư Việt Nam tới Pháp trong khi hai nước giữ một mối quan hệ tốt đẹp, luôn có chuyến thăm chính thức cấp độ nguyên thủ của Việt Nam tới Pháp vào năm đầu tiên của mỗi nhiệm kì Tổng thống Pháp trong thời gian này.
Bối cảnh chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều điểm đặc biệt. Vấn đề đối ngoại gắn liền với an ninh quốc gia được nhấn mạnh. Trong nước, công cuộc chống tham nhũng tiếp tục ở mức cao.
Về đối ngoại, đầu tháng ba, các nước ASEAN và Trung Quốc khởi động đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển (COC) - một vấn đề phức tạp, có thể kéo dài và dự báo là khó khăn cho Việt Nam và các nước ASEAN. Các hoạt động đối ngoại cần chuẩn bị cho những dự án dài hạn, ít nhất là tới khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN vào 2020.
Ngay trước chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã thăm Ấn Độ, một đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh quốc phòng. Thủ tướng Việt Nam cũng hoàn thành chuyến thăm Úc và New Zealand, tham gia thượng đỉnh cấp cao ASEAN – Úc và đặc biệt kí Tuyên bố chung về thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 ngày 22/08/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “vai trò của đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp”. Trong lĩnh vực Đối ngoại quốc phòng của 2018, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng cạnh tranh là xu hướng chủ đạo trong quan hệ nước lớn, vốn có ảnh hưởng đến khu vực ASEAN và riêng Biển Đông sẽ còn “những tảng băng ngầm”. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an ninh quốc gia, giải quyết xung đột trong đối ngoại của Việt Nam thực sự là một trong những ưu tiên nổi trội nhất.
Về phía Pháp, chính sách quan hệ quốc tế trong nhiệm kì của tổng thống Emmanuel Macron được nhấn mạnh với 4 ưu tiên: an ninh quốc gia, độc lập, đoàn kết quốc tế và ngoại giao ảnh hưởng. “An ninh quốc gia”, cụ thể là chống khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan là ưu tiên đầu tiên của lĩnh vực đối ngoại. “Độc lập” là truyền thống ngoại giao của Pháp.
Tuy không phải là một siêu cường và là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mĩ, Pháp luôn giữ vị trí độc lập tương đối trong những quyết định chiến lược quốc tế. Điển hình là việc tướng de Gaulle rút Pháp khỏi cơ cấu quân sự hợp nhất của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đề xuất trung lập hóa Đông Dương trong chiến tranh của Mĩ ở khu vực này.
Năm 2003, Pháp cùng với Đức phản đối cuộc chiến tranh chống Iraq và gần nhất, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố ủng hộ tự do thương mại, bảo vệ môi trường và giảm khí thải, trái ngược với những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump. “Đoàn kết quốc tế” là trách nhiệm của Pháp đóng góp trong trật tự và các thể chế quốc tế, trách nhiệm với đồng minh, trong xây dựng chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu và trong hợp tác với các nước ở khu vực xa hơn như châu Phi, châu Á, v..v. “Ngoại giao ảnh hưởng”, theo Christian Masset, cựu tổng thư kí Bộ ngoại giao Pháp, là sức mạnh mềm của Pháp thông qua các hợp tác văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, phong cách sống, v..v.
Trước chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 11/1, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và phó đô đốc Hervé De Bonnaventure, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ quốc tế và Chiến lược, Bộ Quân đội nước Cộng hòa Pháp đã đồng chủ trì Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-Pháp lần thứ hai. Ngày 24 và 25/1, Quốc vụ khanh Jean-Baptiste Lemoyne đã tới Việt Nam tham gia các hoạt động song phương, trong đó đồng chủ trì phiên họp lần thứ 5, Đối thoại kinh tế cấp cao Pháp – Việt.
Có thể thấy Việt Nam và Pháp đã chuẩn bị cho chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư trên các chủ đề chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa.
Đối tác chiến lược và ý nghĩa thực tế?
Có thể thấy ưu tiên trong đối ngoại của cả Pháp và Việt Nam là vấn đề an ninh quốc gia, độc lập dân tộc và phát triển. Tuy nhiên, mỗi nước lại phải đối mặt với các vấn đề khác nhau, hoặc nếu có điểm chung thì ưu tiên nghị trình lại khác nhau.
Trong khi đó muốn hợp tác hiệu quả thì cần có những mảng có cùng mối quan tâm, có cùng chương trình nghị sự và có những dự án hợp tác cụ thể để triển khai các chính sách của mỗi nước.
Ví dụ đối với Pháp, ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia là chống khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Đây lại không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, đối với Việt Nam, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ hiện tại là vấn đề lớn nhất, nhạy cảm nhất thì Pháp lại không phải là bên có tranh chấp liên quan, cũng không có xung đột và nhiều khả năng trong ngắn và trung hạn không có xung đột với quốc gia có những tuyên bố và hành động cứng rắn nhất trong vấn đề Biển Đông là Trung Quốc.
Vậy đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp có ý nghĩa thực tế như thế nào?
Không dễ tìm thấy các định nghĩa rõ ràng về “đối tác chiến lược” của các nước trong quan hệ quốc tế. Theo Urszula Pałłasz, cố vấn cao cấp bộ phận kế hoạch chiến lược thuộc bộ phận đối ngoại của châu u, thì khái niệm “đối tác chiến lược” xuất hiện vào 1998 trong quan hệ châu Âu – Nga rồi sau đó mở rộng ra các nước khác. Khái niệm này bao gồm 3 nền tảng: Thúc đẩy thương mại và đầu tư; đồng minh trong thúc đẩy chủ nghĩa đa cực và đẩy mạnh quan hệ quốc tế; và chia sẻ gánh nặng an ninh.
Đối với Việt Nam, tuy không có định nghĩa về đối tác chiến lược nhưng theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Phạm Bình Minh thì kết quả của việc thiết lập đối tác chiến lược này bao gồm các khía cạnh: xác lập vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, các nước láng giềng, cam kết chính trị ở các cấp cao nhất tôn trọng lựa chọn thể chế chính trị của Việt Nam; đầu tư trực tiếp và hỗ trợ phát triển (ODA) từ các nước đối tác chiến lược là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực có tầm cỡ ; góp phần hình thành biện pháp ổn định lâu dài giải quyết tranh chấp chủ quyền, và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Như vậy là ngoài điểm chung về ủng hộ mở cửa thị trường, tự do thương mại và đầu tư thì vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển hợp tác chính trị và an ninh theo hướng tương hỗ, cùng đóng góp trách nhiệm, cùng phát triển thực lực và tăng lợi ích dựa trên hợp tác.
Kỳ 2: Hợp tác với các quốc gia có cùng giá trị tự do và độc lập là cần thiết
Trần Bình (từ Paris)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm Pháp
Sáng 25/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Pháp.
Tổng bí thư sẽ thăm chính thức CH Pháp và thăm cấp Nhà nước CH Cuba
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến ngày 27/3 và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28 đến ngày 30/3.