Không để một vụ việc tương tự được lặp lại và người gây hại phải chịu trách nhiệm theo pháp luật mới là ưu tiên hàng đầu lúc này, chứ không chỉ là việc chúng ta phẫn nộ, căm giận trước thủ phạm được công bố.
Ngày 30/6, Chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết tại các tỉnh miền Trung. Đây là sự kiện này đã được người dân chờ đợi từ lâu.
Tại sự kiện này, Formosa đã thừa nhận mình chính là chủ của nguồn xả thải gây ra nạn cá chết tại các tỉnh miền Trung. Lãnh đạo Formosa cũng đã xin lỗi nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường khoản tiền 11.000 tỷ đồng cho ngư dân và để khắc phục hậu quả môi trường. Như vậy quá trình điều tra kéo dài 2 tháng đã có kết quả.
Tuy nhiên, giải quyết khủng hoảng lúc này không thể chỉ dừng ở việc công bố thủ phạm và nguyên nhân. Còn rất nhiều việc trước mắt cũng như lâu dài cần giải quyết.
Formosa đã thừa nhận mình chính là chủ của nguồn xả thải gây ra nạn cá chết tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: vneconomy |
Chính phủ đã kịp thời vào cuộc. Thủ tướng và các phó Thủ tướng đã trực tiếp xuống các tỉnh bị thiệt hại để chỉ đạo và công bố các biện pháp khắc phục hậu quả, xử lý rủi ro là việc làm rất đáng hoan nghênh, phần nào giúp dư luận vững tâm hơn.
Song, việc phải mất hơn 2 tháng để các cơ quan chức năng công bố thông tin thủ phạm và nguyên nhân tuy có thể thông cảm được do tính chất phức tạp của vụ việc cũng phần nào khiến dư luận mất kiên nhẫn và hoang mang, đặc biệt là khi hậu quả của vụ việc lại có thể xuất hiện ngay trong chính cuộc sống hàng ngày của người dân.
Cuộc họp báo ngày 30/6 chỉ là một phần quan trọng trong vụ việc. Hơn lúc nào hết, việc công bố này phải đi kèm với một kế hoạch khắc phục hậu quả rõ ràng và lời hứa minh bạch thông tin nhằm trấn an người dân. Những gì diễn ra tiếp theo, bao gồm việc khắc phục hậu quả và xử lý theo pháp luật và công bằng các cá nhân, tổ chức mới càng quan trọng.
Mặt khác, sự lên án của xã hội với thủ phạm và các cá nhân có trách nhiệm là cần thiết, nhưng nếu lạm dụng thì xem như xã hội đã quên đi vấn đề cốt lõi, cấp thiết hơn là cứu biển, giúp ngư dân. Báo chí là nơi có trách nhiệm tạo ra diễn đàn tranh luận lành mạnh đó và gợi mở hướng đi cho người dân. Vai trò của báo chí và các cơ quan Nhà nước trong giai đoạn này là rất quan trọng để đảm bảo rằng một thứ “công lý đám đông” (mob justice) không xuất hiện tại Việt Nam như nhiều vụ việc đáng tiếc gần đây liên quan đến một show truyền hình nọ.
“Công lý đám đông” có thể khiến cho đám đông cảm thấy có sức mạnh vì đã đánh bại được một kẻ có quyền lực (một tập đoàn, một quan chức) nhưng nó cũng sẽ khiến cho công lý thực sự bị méo mó. Việt Nam cũng đang hướng đến một môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững, một xã hội công bằng và dân chủ thì dứt khoát tất cả mọi thứ phải làm theo đúng quy định của pháp luật và các chuẩn mực về công bằng, chứ không phải để cho đám đông quyết định.
Truyền thông cần đóng vai trò chủ đạo để phản ánh sự thật khách quan và thông tin kịp thời cho người dân để ra quyết định và tạo một diễn đàn với những luật lệ rõ ràng để công chúng tham gia. Trái lại, người dân, những người đã rất kiên nhẫn và hợp tác trong suốt quá trình vừa qua, cũng đòi hỏi từ phía Nhà nước thông tin đầy đủ, chính xác đặc biệt là trong việc theo dõi và sử dụng số tiền cam kết đền bù 500 triệu USD từ phía Formosa và quá trình làm sạch môi trường biển đã bị hủy hoại.
Dân sẽ tin và ủng hộ Nhà nước hơn nếu họ được thông tin đầy đủ và được tôn trọng. Bên cạnh một hệ thống báo chí có trách nhiệm, một xã hội kiên nhẫn và hợp tác, còn cần sự minh bạch trong việc giải quyết khủng hoảng và công bố thông tin từ phía Nhà nước để không cho một vụ việc tương tự được lặp lại và người gây hại phải chịu trách nhiệm theo pháp luật. Đó mới là ưu tiên hàng đầu lúc này, chứ không chỉ là việc chúng ta phẫn nộ, căm giận trước thủ phạm được công bố.
Lê Nguyễn Duy Hậu