- Các ý định của ông Trump, cũng có thể nói là các kế hoạch của nước Mỹ thông qua văn bản NSS là tích cực nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có một vài “cái bẫy” có thể sẽ ngăn trở chính sách này.

Kỳ 1: Ông Trump và những mắc mứu ở Biển Đông

Đầu tiên, ông Trump vốn là người mâu thuẫn. Các suy nghĩ của ông giống như một con lắc xoay vần, khiến các lãnh đạo khu vực dễ bị “chóng mặt”.

Thứ hai, một số chính sách của ông Trump vẫn chưa gắn kết với nhau. Ông muốn chống lại sự nổi lên của Trung Quốc, đặc biệt về thương mại, nhưng ông lại bỏ rơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nước trong khu vực. Trong khi TPP được xem là một nỗ lực để có thể kiềm chế được Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Trump muốn các thỏa thuận thương mại song phương như một sự thay thế, nhưng ông đang chậm trễ trong việc tiến hành thương lượng các thỏa thuận như vậy. Trong khi đó Trung Quốc đã mau mắn thực thi các thỏa thuận thương mại song phương của mình bên cạnh một thỏa thuận khu vực – 16 thỏa thuận song phương với 24 quốc gia! Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ trong hệ thống vận tải trên bộ và trên biển mang tên Một Vành đai, Một con đường, nối Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

{keywords}
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson ở Biển Đông hồi tháng 3.201. Ảnh: US Navy

Thứ ba, việc Trung Quốc và Nga gây sức ép chưa đủ mạnh với Bình Nhưỡng thông qua các trừng phạt của LHQ và các trừng phạt khác đang buộc Mỹ phải tập trung vào Bán đảo Triều Tiên hơn là vấn đề ở Biển Đông.

Thứ tư, Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng sự hiện diện tại Thái Bình Dương, đó là chưa nói tới các vùng biển quanh Nhật Bản. Trung Quốc đã phát triển một máy bay lội nước cỡ lớn có thể sử dụng để cung ứng cho các quần đảo mà họ đòi chủ quyền. Nga cũng khởi hành nhiều máy bay quân sự tại Thái Bình Dương từ các căn cứ ở Indonesia. Ông Trump khó có thể theo kịp 2 quốc gia này, tại đây.

Thứ năm, từ thời Tổng thống Obama, Philippines đã ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp cả lợi ích của chính mình: Philippines đã chọn cách không đòi chủ quyền đối với các đảo mà Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) đã phán quyết là của họ, chứ không phải của Trung Quốc. Mặc dù, ông Trump đã đối xử tốt với Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertem, đã giúp ông Duterte đánh bại các phần tử Hồi giáo khủng bố nổi dậy trong nước. Nhưng như thế có lẽ vẫn chưa đủ.

Thứ sáu, ông Trump đã tăng được ngân sách cho quốc phòng, nhưng cũng chưa đủ để bù lại những thiệt hại nảy sinh khi người tiền nhiệm Obama quyết định đơn phương giải giáp. Bên cạnh đó, ông Trump còn phải đối mặt với những trở ngại từ những nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội, luôn phản đối tăng chi tiêu cho quốc phòng, trừ phi các chương trình trong nước cũng được nhận thêm ngân sách. Việc chi tiêu cho quân đội trong tương lai sẽ có thể khó khăn khi Quốc hội vừa thông qua một đạo luật giảm mạnh thuế đối với tập đoàn và cá nhân. Điều này có nghĩa là nợ của Mỹ sẽ gia tăng đến những mức chưa từng thấy khi thu thuế sụt giảm và chi tiêu chính phủ tăng lên.

Thứ bảy, việc Đảng Cộng hòa chia rẽ sâu sắc vì ông Trump – các chính sách của ông, tính cách và hành động của ông – và Đảng Dân chủ phản đối mọi điều ông làm. Hiện tại, những người Cộng hòa đang kiểm soát hai viện Quốc hội, nhưng đôi khi những người Cộng hòa lại không ưa ông Trump có thể sẽ làm cho dự luật nào đó của ông không được thông qua. Năm 2018, các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Quốc hội sẽ diễn ra, và người Dân chủ sẽ có cơ hội giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện. Nếu họ thành công, ông Trump sẽ phải đối mặt với 2 năm không có khả năng thực hiện các mục tiêu chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hãy nhớ rằng trường hợp tương tự đã xảy ra với Tổng thống Obama trong những năm cuối nhiệm kỳ.

Thêm một điều nữa cũng cần ghi nhận, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận được hưởng sự ủng hộ tương đương với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Trung Quốc. Và ông Tập đã đầu tư rất nhiều cho việc cải cách và hiện đại hóa quân đội, cũng như xây dựng các quan hệ đối tác trên toàn cầu.

Song cho tới giờ, không ai có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra tại Biển Đông dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Khu vực này có thể phát triển và thịnh vượng trong hòa bình mà trước đây chưa từng thấy và có thể vẫn sẽ bế tắc trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Thời gian sẽ cho chúng ta thấy câu trả lời sát thực nhất.

Terry F. Buss

Trong hơn 30 năm qua, Tiến sĩ Terry F. Buss đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong cả các thể chế chính trị và các trường đại học. Ông từng là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, cố vấn cho Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ; giữ chức vụ quản lý ở các trường: Đại học Quốc tế Florida (Miami), Đại học Suffolk (Boston), Đại học Akron (Ohio), Đại học Carnegie Mellon (Australia) và nhiều cơ quan nghiên cứu khác...

Ông từng tham gia các dự án nghiên cứu tại Anh, Xứ Wales, Italy, Czech, Hungary, Romania, Bulgary, Ghana, Haiti, Canada, Colombia, Jamaica, Bahamas, Malaysia, Singapore, Australia, Iraq, Nam Phi... và Việt Nam.

Terry lấy bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio.