Một số địa phương đi đầu trong phong trào xây đựng nông thôn mới đang là những con nợ với số tiền khổng lồ.

Phong trào xây dựng nông thôn mới qua chặng đường 5 năm đầu đã mang lại một bộ mặt mới cho nhiều vùng thôn quê.

Những con đường bê tông, những ngôi nhà văn hóa, những mái chợ xây... làng quê như khoác lên mình một tấm áo mới. Nhưng đó là một bộ đồng phục mà không phải bất cứ ai khoác lên cũng có đủ tiền mua.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng nông thôn mới là hơn 15.000 tỷ đồng. Một số địa phương đi đầu trong phong trào xây đựng nông thôn mới như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình thì cũng là những con nợ hàng đầu, với số nợ lần lượt là 1.600 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng, và 1.200 tỷ đồng. 40% số xã có nợ, với con số bình quân là 4,2 tỷ đồng.

{keywords}

Phong trào xây dựng nông thôn mới qua chặng đường 5 năm đầu đã mang lại một bộ mặt mới cho nhiều vùng thôn quê.

Nông thôn mới không chỉ là cái vỏ hình thức của làng quê, mà là một giá trị mới của nông thôn Việt Nam, một cái đích để các làng quê hướng tới. Dĩ nhiên, việc trở thành những con nợ không phải là một giá trị để theo đuổi. Nhưng thực tế thì các tiêu chí nông thôn mới đang dẫn các làng quê đi về hướng đó.

Trong 19 tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới, có quá nhiều tiêu chuẩn cứng, số km đường, những công trình xây dựng bắt buộc... Việc lượng hóa giá trị tạo ra động lực cần thiết cho sự phát triển.

Song, với các điều kiện khác nhau giữa các địa phương, từ con người, địa hình, văn hóa... việc theo đuổi những giá trị đượcđịnh lượng bằng văn bản là một con đường duy ý chí, giống như buộc một người cao 1,6m phải đứng kiễng chân để ngang bằng với một người 1,7m. 40% số xã mang nợ, 40% đang phải kiễng chân để đạt chuẩn đề ra. Và hệ lụy của việc theo đuổi các tiêu chí nông thôn mới không chỉ là mỏi chân.

Các con nợ nông thôn mới sẽ làm gì để trả nợ? Phương án được nhiều địa phương đưa ra là đấu giá quỹ đất, thứ tài nguyên gần như đã cạn kiệt, và đó là cách dễ nhất đế làm biến mất không gian văn hóa của các làng quê. Đó là một kết cục khiến các tiêu chí nông thôn mới tự xung đột với nhau khiến cho chuẩn mực nông thôn mới chỉ còn là giá trị ngắn hạn.

Một phương án khác cũng được nhiều địa phương nhiệt tình áp dụng là huy động sức dân. Vì thế như báo chí đã lên tiếng, có những nơi đã phải chia bình quân khoản đóng góp cho cả trẻ sơ sinh, người già, thậm chí cả người khuyết tật. Đã có những bi kịch như người chết không được đưa tang vì chưa hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp. Các thiết chế văn hóa để được công nhận nông thôn mới đã gián tiếp phá hoại sự bình yên của các làng quê vì những khoản đóng góp.

Nông thôn mới là gì? Liệu có phải là những ngôi làng có những ngôi chợ hàng chục tỷ bỏ hoang trên khắp đất nước? Liệu có phải là những thôn bản của những người đồng bào ngơ ngác bên bức tường vôi xa lạ giữa núi rừng? Liệu có phải nơi ở của những người dân miệt mài viết đơn kêu oan vì mất đất, vì mệt mỏi bởi những khoản thu trên đầu người?

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục chứ không phải một cái đích ngắn hạn để chạy đua giữa các làng quê. Vì thế, những tiêu chí làm kiệt quệ sức dân, làm hao mòn lòng tự trọng của chính quyền địa phương cần phải được gỡ bỏ và thay thế bằng những chỉ số tạo nên sự phát triển bền vững của đời sống làng quê, bằng những chính sách kiến tạo nên cơ hội làm giàu, cơ hội sống bình yên và hạnh phúc của người dân.

Đóng khung các tiêu chí để khoác cho làng quê Việt Nam những chiếc áo đồng phục giống nhau là một sự áp đặt giá trị. Điều đó đã và đang mâu thuẫn với thông điệp mà Chính phủ đã đề ra ở nhiệm kỳ này.

Kiến tạo là kiến thiết để tạo ra những cơ hội, những giá trị mới, chứ không phải áp đặt cuộc sống của người dân trong những tiêu chí được liệt kê sẵn.

 Vân Anh