Trong nền kinh tế bao cấp, tư duy quy hoạch lãng mạn chỉ làm nên mơ ước hồn nhiên, không gây tổn hại gì. Trong nền kinh tế thị trường, tư duy quy hoạch lãng mạn lại gây nên rất nhiều tác hại.

Mời xem lại bài 1: Luật quy hoạch và "những con số ghê răng"

Trong thời kỳ bao cấp, quy hoạch luôn được tư duy và lập theo tư duy chủ quan của người có thẩm quyền phê duyệt. Trong đại đa số các trường hợp, tư duy chủ quan ấy luôn gắn với mong muốn theo chủ nghĩa lãng mạn nhiều hơn là chủ nghĩa hiện thực. Tư duy như vậy dẫn dần đã hình thành chủ nghĩa quy hoạch lãng mạn. Mơ thì nhiều nhưng có chẳng được bao nhiêu.

Trên thực tế, chủ nghĩa quy hoạch lãng mạn đã đi vào văn chương. Chúng ta hãy nhớ lại bài thơ "Anh chủ nhiệm" của nhà thơ Hoàng Trung Thông có câu phản ánh khá rõ về chủ nghĩa quy hoạch lãng mạn: "Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh / Vẽ cả ngày mai thành bức tranh". Đây là bức tranh quy hoạch cho ngày mai, rất đẹp, nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được.

Chủ nghĩa quy hoạch lãng mạn này vẫn tiếp tục theo đuổi ta khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế bao cấp, tư duy quy hoạch lãng mạn chỉ làm nên mơ ước hồn nhiên mà chưa biết bao giờ có được, chỉ gây ra hụt hẫng thực tế, không gây nên tổn hại gì. Trong nền kinh tế thị trường, tư duy quy hoạch lãng mạn lại gây nên rất nhiều tác hại.

Trước hết, đó là nguyên nhân của tình trạng "quy hoạch treo" và "dự án treo" như những chướng ngại vật cho vận hành cuộc sống hàng ngày của dân trong khu bị quy hoạch, làm nghẽn lại quá trình phát triển, gây lãng phí nhiều nguồn lực xã hội. Thứ hai, đó là nguyên nhân gây ra tình trạng quy hoạch theo nhiệm kỳ khi thủ trưởng của nhiệm kỳ mới có những tư duy lãng mạn theo kiểu khác với thủ trưởng cũ. 

Thứ ba, đó là nguyên nhân làm cho quy hoạch dẫn đường cho "chạy" dự án để chi ngân sách mà không cần nghĩ tới mất bao nhiêu và được gì, làm cho các cơ quan có thẩm quyền không chịu từ bỏ quyền lực phê duyệt quy hoạch mọi thứ, gây ra tính cát cứ quyền lực của các Bộ, ngành. Thứ tư, tính lãng mạn của quy hoạch luôn tạo nên sự chuyển dịch tính "duy ý chí" từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Cuối cùng, quy hoạch lãng mạn chỉ gây nên tốn kém mà không mang lại hiệu quả gì trên thực tế.

{keywords}

Dự án ‘thành phố bên sông Hồng’ cũng được coi là một trong những quy hoạch "lãng mạn"

Quy hoạch đóng vai trò gì trong kinh tế thị trường

Vào đầu những năm 1990, một trong những lúng túng rất lớn khi bước vào kinh tế thị trường là thay đổi thế nào đối với thể chế quy hoạch, kế hoạch hóa tập trung khi mà Ủy ban kế hoạch nhà nước vẫn đóng vai trò "siêu bộ" và đầy quyền lực. Rất nhiều bài báo khoa học về vấn đề này đã được đăng tải, tranh luận trên các tạp chí khoa học quản lý. Thảo luận khoa học rất hăng hái, nhưng trên thực tế câu chuyện cố gắng níu kéo công cụ quy hoạch để điều khiển cơ chế thị trường vẫn đang diễn cả ở trung ương và địa phương. Muốn xin ngân sách để làm việc gì đó thì cơ quan có thẩm quyền vẫn hỏi một câu: "việc này đã được đưa vào quy hoạch được duyệt chưa?". Thế là cơ quan nào cũng phải tôn trọng tuyệt đối công cụ quy hoạch, kế hoạch.

Cách thức tiếp cận như vậy đã dẫn tới những con số "ghê răng" đã nói tới ở phần trên. Hơn nữa, mọi thứ dự định cho tương lai đều quy vào khâu quy hoạch và kế hoạch triển khai quy hoạch đó. Nhiều khi, chuyện xây dựng chiến lược phát triển, định hướng phát triển, xác định chỉ tiêu phát triển cũng quy tất vào quy hoạch.

Chúng ta có quy hoạch đủ loại hàng hóa nông sản như cao su, cà phê, chè, dâu tầm, cá da trơn, tôm, v.v. nhưng nông dân thấy mất giá thì chặt cây để nuôi, trồng loại khác có giá trên thị trường. Khi quy hoạch sử dụng đất đã đưa ra nguyên tắc không quy hoạch đến từng loại nông sản mà nhường cho thị trường quyết định thì bên nông nghiệp vẫn tiếp tục quy hoạch phát triển cho các loại nông sản.

Thực tế phát triển mạnh hơn quy hoạch do được giá trên thị trường làm cho các nhà quản lý lại phải điều chỉnh mở rộng quy hoạch. Quả là vô nghĩa với những loại quy hoạch như vậy.

Sự thực, trong cơ chế thị trường, quy hoạch được hiểu là công cụ tạo ra kịch bản phát triển trên lãnh thổ dựa trên cân nhắc các phương án thay đổi hiện trạng sao cho phát huy tốt nhất tiềm năng nội tại cũng như tiềm năng kết nối nhằm đạt hiệu suất và hiệu quả cao nhất mà chi phí bỏ ra ít nhất. Theo ý nghĩa này, quy hoạch là cách sắp xếp không gian mặt đất trong tương lai để cái thu được trừ đi cái phải chi phí đạt giá trị lớn nhất. Cái thu được và cái phải chi phí được tính trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và nhân văn, mà con người được đặt vào trung tâm của bài toán quy hoạch.

Do bề mặt không gian lãnh thổ là hữu hạn, nguồn lực là hữu hạn, trong khi nhu cầu phát triển luôn có xu hướng vô hạn. Vì vậy, bài toán quy hoạch chỉ tập trung vào sắp xếp những nguồn lực thuộc sở hữu chung của toàn xã hội và chi phí chung cho những công trình sử dụng chung của toàn xã hội. Tóm lại, chỉ cần quy hoạch đối với bề mặt đất, tài nguyên thiên nhiên và chi phí công để phát triển hạ tầng, tiện ích công cộng. Mọi thứ như vậy đưa vào quy hoạch phải được tính toán trên một hệ thống thống nhất, không được chia cắt thành các hệ thống riêng mang tính cát cứ quyền lực.

Có như vậy mới không xẩy ra tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch và quy hoạch chống quy hoạch. Còn lại, tất cả các yếu tố khác đều do thị trường hàng hóa quyết định, Nhà nước tác động bằng chính sách để tránh những nhược điểm của cơ chế thị trường tự do và Nhà nước không tác động bằng mệnh lệnh quy hoạch, kế hoạch.

Vấn đề quy hoạch là bài toán xây dựng kịch bản phát triển. Bất cứ một kịch bản phát triển nào cũng tạo ra lợi ích cho một vài nhóm người này và gây thiệt hại cho một vài nhóm người khác. Ví dụ như quy hoạch sử dụng đất luôn tạo ra đất để giao cho các chủ dự án đầu tư (nhóm được lợi) và làm nhiều nông dân mất đất (nhóm bị thiệt hại). Như vậy, một nguyên tắc rất quan trọng của quy hoạch là phải đánh giá được tác động để có giải pháp cân đối lại lợi ích và thiệt hại giữa các nhóm người trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích và rủi ro trong toàn xã hội. Đây là yêu cầu về tính đồng thuận xã hội trong quyết định kịch bản phát triển.

Một vấn đề cũng mang tính khá bản lề trong bài toán quy hoạch là cần một hệ thống thông tin không gian đầy đủ như một mô hình trái đất thực để phân tích không gian và tìm ra kịch bản phát triển hợp lý nhất. Thông tin bị sai hay bị thiếu đều dẫn đến kịch bản phát triển bị sai. Bài toán quy hoạch là bài toán phân tích thông tin để trợ giúp cho người có thẩm quyền ra quyết định.

(Còn nữa)

Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ