“Để trở thành đặc khu, TP.HCM cần được trao một số quyền tự quản, trước hết từ mô hình chính quyền đô thị”- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
Mặc chung cái áo chật
Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM vừa qua, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo: “TP.HCM phải trở thành đặc khu kinh tế, giống như Thượng Hải và một số TP khác với các cơ chế đặc biệt”. Ông có bình luận gì về chỉ đạo này?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Suy nghĩ của Bí thư Đinh La Thăng phù hợp với nhận định của TƯ và lãnh đạo thành phố suốt mấy chục năm qua.
Từ lâu, TP.HCM đã được xác định có vai trò đầu tàu và tạo động lực, trước hết về mặt kinh tế. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng nói: “TP.HCM cùng cả nước và vì cả nước”.
TP.HCM rộng hơn 2000 km2, trong khi Singapore chỉ có 600km2. Thế mà Singapore lại là một quốc gia với GDP gấp đôi VN. Nếu thiết kế đúng, chỉ cần TP.HCM mang lại 1/3 hay ½ GDP như của Singapore thôi thì GDP của cả VN sẽ tăng lên ngoạn mục.
Để một địa phương trở thành đầu tàu và động lực thì nó phải có những quy chế riêng. Vì vậy, trong suốt mấy thập kỷ qua, nhiều lãnh đạo TP.HCM đã kiến nghị với TƯ là làm thế nào để có những quyền hạn tương đối tự chủ trong một phạm vi nhất định nào đó. Ví dụ, thành phố sẽ được quyền chủ động trong những quyết định về đầu tư, tuyển chọn nguồn nhân lực, rồi quy hoạch và sẽ tự chịu trách nhiệm với những quyết định ấy.
Những kiến nghị đó đã nhận được phản hồi ra sao, thưa ông?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Tôi đã có một thời gian làm cán bộ công chức, rồi đại biểu HĐND thành phố, rồi bây giờ là ĐBQH, theo tôi biết nhiều kiến nghị của TP.HCM không được chấp nhận.
Chẳng hạn, tỉ lệ thu ngân sách để lại cho thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn bị điều tiết và thấp hơn nhu cầu tái đầu tư của thành phố rất nhiều, trong khi đây là nguồn thu do thành phố làm ra. Khi thành phố nói rằng tái đầu tư thì điều đó không có nghĩa là chỉ vì thành phố mà thôi, như tôi vẫn nói là vai trò đầu tàu và động lực nên đầu tư cho TP.HCM chính là đầu tư cho cả vùng phía Nam và cho cả nước. Vì vậy, riêng trong vấn đề về ngân sách và kinh phí đầu tư vẫn còn những hạn chế.
Ngoài ra, một số đề xuất khác như quyền chủ động trong việc tuyển dụng và trả lương cho nhân tài cũng không được chấp nhận.
Gần đây nhất là đề xuất về chính quyền đô thị, trọng tâm là thí điểm bỏ HĐND quận và phường. Mô hình thí điểm 5 năm qua đã chứng tỏ kết quả hoạt động hiệu quả.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. |
Bởi vì, khi không có HĐND ở các quận nội thành thì lúc đó người dân có quyền đến thẳng HĐND thành phố. Mặc dù vai trò của HĐND thành phố nặng nề hơn nhưng giải pháp này giúp cho thành phố tiết kiệm ngân sách và thậm chí bớt quan liêu đi.
Vậy mà sau 5 năm thí điểm, mô hình này lại bị bác bỏ, buộc phải quay lại bầu cử từ HĐND cấp quận. Đây rõ ràng là một điều bất hợp lý.
Có người ví von rằng TP. HCM như một cơ thể mặc chung một cái áo của 63 tỉnh thành rất chật chội, không phát huy được hết tiềm năng của mình.
Do vậy, tôi ủng hộ quan điểm của Bí thư Đinh La Thăng khi nói TP.HCM cần phải trở thành một đặc khu kinh tế. Khi là đặc khu rồi thì phải có các quyền tự quản nhất định so với các tỉnh thành khác. Nhờ những quy chế đặc thù đó thì vai trò đầu tàu của thành phố sẽ rõ ràng hơn, đủ sức kéo và dẫn dắt các tỉnh thành phía Nam và cả nước cùng phát triển.
Đặc khu phải có quyền tự quản
Vậy theo ông, để áp dụng mô hình này, TP. HCM cần những điều kiện gì ạ?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Đã gọi nó là đặc khu thì phải có quyền tự quản.
Quyền tự quản chắc chắn phải bắt đầu từ mô hình chính quyền, hay còn gọi là chính quyền đô thị như người ta đã thấy từ lâu.
Chẳng hạn, HĐND thành phố ở ngay đường Lê Thánh Tôn quận 1, rồi HĐND quận 3, quận 5 cũng ở ngay gần đó, chỉ cách có vài phút thì người ta chỉ cần đến HĐND thành phố để giải quyết việc, thậm chí gửi thư trong một ngày đã đến rồi chứ việc gì người ta phải trải qua mấy cấp làm gì.
Từ đó tôi muốn nói rằng mô hình chính quyền đô thị phải được cải tiến, sao cho gọn nhẹ, phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Với mô hình chính quyền đô thị, thành phố HCM cần được trao một số quyền hạn nhất định. Thứ nhất, quyền về ngân sách, được quyền tự chủ cao hơn về ngân sách. Thứ hai, quyền về quy hoạch, đó là quy hoạch đất đai, giao thông, văn hóa, kinh tế xã hội…và cả những quy hoạch ngành nghề của thành phố.
Ngoài ra, một số quyền tự chủ khác về mặt đối ngoại, kinh tế quốc tế như được huy động vốn, vay ODA hay kí một số hiệp đinh, hiệp ước với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới. Tất nhiên tất cả những cái đó trên cơ sở được sự phê duyệt của Trung ương.
Đó là một số điều kiện nhất định để trở thành một đặc khu kinh tế.
Phẩm chất của thị trưởng
Ông có thể mô tả người đứng đầu của mô hình này là thế nào?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Trước đây cũng có những bàn luận về vấn đề này. Người đứng đầu của một mô hình đặc khu là người đứng đầu hành pháp. Do đó, họ sẽ có một số quyền hạn mang tính chất thủ trưởng nhiều hơn, mang tính chất cá nhân nhiều hơn.
Vị trí người đó có thể gọi là một thị trưởng. Chúng ta cần những người có đạo đức, tầm nhìn và năng lực tốt để điều hành. Một mặt họ phải biết tranh thủ ý kiến của tập thể, nhưng thị trưởng ấy phải có quyền quyết định chứ không phải việc gì cũng nhất nhất phải thông qua tập thể. Tất nhiên người đó phải chịu trách nhiệm trước HĐND của thành phố và trước Chính phủ. Vì vậy nếu có sai trái thì sẽ bị đình chỉ, chấn chỉnh hoặc thậm chí cách chức.
Cho nên theo tôi với một mô hình như thế cùng với một số thay đổi về người đứng đầu như vậy thì việc đi chệch hướng là không nên lo sợ. Bởi vì chúng ta sẽ có những quy định để nó vận hành theo hành lang pháp lý đồng thời có những cơ chế để kiểm soát và giám sát.
Như ông vừa nói, người đứng đầu (như một thị trưởng) đòi hỏi phải có những phẩm chất riêng, một trong những phẩm chất đó là biết tập hợp trí tuệ và nguồn lực tinh hoa trong và ngoài khu vực?
Điểm chung cho những nhà lãnh đạo là nếu không có tham mưu, không có những đội ngũ cố vấn tốt thì sẽ khó thành công và hiệu quả. Nhưng thường người lãnh đạo có tâm lí thích được nghe những lời tham mưu hợp với suy nghĩ của mình, nếu nói trái ý hay khác đi là không vui.
Vì vậy, người lãnh đạo giỏi luôn biết cách tập hợp những người có tâm và vì lợi ích chung để phát triển. Đồng thời, lắng nghe những điều mới hay trái ý, phê phán phản đối mình về những quyết định, chủ trương của mình thì sẽ tranh thủ được hiền tài, trí thức, những nhà khoa học giỏi. Nếu lãnh đạo chỉ thích nghe những lời xuôi tai, tâng bốc, tung hô thì những người giỏi thực sự, trí thức thực sự, vốn luôn thẳng thắn và không thích nịnh bợ, sẽ không thích hợp tác với mình.
Cản ngại của tư duy cào bằng
Theo ông, với mô hình đặc khu kinh tế sẽ giúp Sài Gòn trở lại với giấc mơ Hòn Ngọc Viễn Đông, danh hiệu mà một thời người dân Sài Gòn đã mơ ước?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Điều quan trọng nhất phải có sự thống nhất trong lãnh đạo. Nói đến lãnh đạo là nói đến Ban chấp hành TƯ, Bộ chính trị, quốc hội, chính phủ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng phải có một sự thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới về một mô hình cụ thể cho TP.HCM. Mô hình này không phải nhất thời mà là một mô hình dài hạn.
Tôi nói vậy là vì có một thực tế chúng ta hay thống nhất chung chung, rất trừu tượng. Và như vậy thì ai cũng thống nhất được cả. Thống nhất TP.HCM là đô thị đặc biệt thì cho đến nay nó vẫn là đô thị đặc biệt. Nhưng khi đi vào triển khai thì lại không trao cho TP.HCM những quyền hạn hay thẩm quyền nhất định hay phê duyệt cho thành phố có sự chủ động về ngân sách, kinh phí đầu tư…từ đó xuất hiện sự không nhất trí và đồng thuận.
Tôi nhấn mạnh một ý nữa là nhìn vào thực tế, tư tưởng cào bằng, bình quân chủ nghĩa đã chi phối và cản trở sự hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.
Nói về những địa phương đặc thù là nói đến lợi thế so sánh của địa phương ấy. Như vậy, không phải một mình TP.HCM là đầu tàu. Chúng ta đang có rất nhiều đầu tàu và động lực trong cả nước. Có nơi đầu tàu về công nghệ cao, có nơi là động lực về cơ khí, có nơi lại có thế mạnh về nông nghiệp, có nơi có lợi thế đặc thù về kinh tế biển. Vì vậy, cần chọn lựa những vùng có lợi thế so sánh, từ đó đầu tư, khai thác, tạo ra một vùng kinh tế liên kết rộng lớn, bổ sung cho vai trò đầu tàu và động lực của thành phố.
Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
Lan Anh thực hiện