- Phát biểu tại Phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ đã tạo ấn tượng tốt khi ông viện dẫn tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” – một trong những cuốn sách kinh tế bán chạy nhất trong thập kỷ qua – để nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế với phát triển kinh tế.
“Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo (họ nêu) là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường” Thủ tướng chia sẻ.
Vậy phải hiểu vai trò của “thể chế” như hai tác giả Acemoglu và Robinson đề ra như thế nào, để biến Việt Nam từ một cô gái đẹp trở thành con hổ mới của châu Á như Thủ tướng kì vọng?
Trong tác phẩm Tại sao các quốc gia thất bại, hai tác giả đã chỉ ra rằng sự thịnh vượng của một quốc gia trong dài hạn được quyết định chủ yếu là bởi các thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Nếu như thể chế kinh tế ở thời điểm hiện tại quyết định hiệu quả kinh tế và sự phân bổ nguồn lực trong tương lai thì thể chế chính trị ở thời điểm hiện tại, thông qua việc phân bổ cán cân quyền lực chính trị trong xã hội, sẽ quyết định việc lựa chọn thể chế kinh tế trong tương lai. Trong thể chế, thì có hai loại chính – thể chể “dung hợp” và thể chể “chiếm đoạt”. Một đất nước muốn phát triển cần có thể chể dung hợp: về kinh tế, nền tảng là các thiết chế cần thiết để thị trường vận hành đầy đủ như sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh,...); về chính trị, nhà nước dung hợp khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ, và giúp các cá nhân thực hiện những điều họ muốn.
Ảnh: TTXVN |
Thể chế chính trị dung hợp là thể chế tôn trọng tính đa dạng và có tính tập trung. Tôn trọng tính đa dạng được thể hiện ở chỗ phân phối quyền lực rộng rãi cho mọi người trong xã hội, quyền lực được đặt vào một liên minh rộng rãi hay nhiều nhóm. Tính tập trung được thể hiện ở một nhà nước có khả năng lập pháp và duy trì trật tự để điều hành các hoạt động kinh tế, thương mại, và an ninh cơ bản.
Như vậy, thể chế chính trị theo hướng dung hợp là sự thống nhất của hai mặt đối lập: một mặt tự giảm quyền lực của mình bằng cách phân bổ quyền lực cho các thành phần khác nhau trong xã hội, mặt khác tập trung quyền lực ở những yếu tố nền tảng trong xã hội mà cần có sự tham gia của nhà nước.
Một đất nước có thể chế chính trị dung hợp sẽ dễ dàng có thể chế kinh tế dung hợp. Thể chế kinh tế dung hợp giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế, bởi nó khuyến khích phát minh đổi mới công nghệ, đầu tư vào nhân lực và huy động nhân tài và kỹ năng từ đông đảo dân chúng. Nói một cách đơn giản, sự thịnh vượng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc lựa chọn thể chế chính trị như thế nào.
Quá trình Đổi Mới của Việt Nam trong 30 năm qua đã phản ánh tương đối rõ ảnh hưởng của sự thay đổi trong thể chế chính trị và thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế. Sau Đại hội VI năm 1986, nhà nước đã điều chỉnh mạnh mẽ các thể chế kinh tế trong giai đoạn 1988-1994, nhờ đó Việt Nam đã có những thành tựu kinh tế đáng kể trong giai đoạn 1991-1996. Khủng hoảng kinh tế-tài chính châu Á 1997-1998 khiến Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thể chế kinh tế trong giai đoạn 1999-2005 để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Đại suy giảm kinh tế toàn cầu 2008-2009 một lần nữa gây sức ép buộc chúng ta phải có những cải cách kinh tế theo hướng thị trường mạnh hơn nữa. Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách tái cơ cấu kinh tế, cũng như kêu gọi cải cách thể chế kinh tế, tuy nhiên kết quả đạt được cho đến nay rất khiêm tốn. Ngoài ra, những áp lực từ các vấn đề xã hội như tình trạng bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, tâm lý không hài lòng của một bộ phận công dân, và bất ổn xã hội có xu hướng gia tăng vẫn chưa có các giải pháp thỏa đáng.
Một điều dễ nhận thấy là dù đã qua nhiều giai đoạn cải cách, thể chế của chúng ta – cả về mặt kinh tế lẫn chính trị - vẫn chưa đủ “dung hợp” để tạo ra bàn đạp thực sự cho phát triển.
Năm 2017 thể hiện quyết tâm rất lớn của chính phủ trong việc đẩy mạnh xoá bỏ các rào cản thể chế không tương thích với thị trường. Về mặt kinh tế, đó là việc đẩy mạnh việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước – lần này là với các “con gà đẻ trứng vàng”, chứ không chỉ là những doanh nghiệp làm ăn bết bát và chực chờ phá sản. Môi trường kinh doanh cũng liên tục được cải thiện, thể hiện qua việc dỡ bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh của các ngành nghề khác nhau. Nhà nước đang dần rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh, hướng tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ, không bị bóp méo bởi các nhóm lợi ích thân hữu với nhà nước.
Về mặt chính trị, song song với chiến dịch chống tham nhũng, việc đẩy mạnh những cải cách hành chính (tuyển chọn nhân lực cho cơ quan nhà nước, tinh giản biên chế, nhất thể hoá các chức danh, dự thảo luật đơn vị hành chính đặc biệt,...) đã bước đầu đem lại những cú hích tinh thần nhất định cho nền kinh tế.
Quá trình Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 cho tới nay là một minh chứng rõ nét cho mô hình lý thuyết của Acemoglu và Robinson. Sau những đổi mới về chính trị sau Đại hội Đảng VI, Việt Nam đã có những thay đổi từ từ các thể chế kinh tế theo hướng ngày càng dung hợp hơn. Sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam về cơ bản đã có một nền kinh tế thị trường ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực Đông Á và trên thế giới.
Tuy vậy, những quyết tâm bước đầu này phải đi kèm với những hành động quyết liệt và nhất quán, bất chấp những trở lực hiện tại – đặc biệt là từ những nhóm lợi ích muốn bảo vệ thể chế “chiếm đoạt” vì mục đích riêng – để đảm bảo quá trình cải cách được diễn ra liên tục. Nói như TS. Vũ Thành Tự Anh tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam, chúng ta không phải là không có những thành công nhất định, nhưng giai đoạn thành công đó thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Trong khi để vượt vũ môn và hoá rồng như các nước “Thần kỳ châu Á”, thời gian thành công phải đạt ít nhất là vài chục năm.
Nguyễn Khắc Giang