Để một quy định pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy được tác dụng giúp xã hội tốt lên thì phải đến từ cả hai khía cạnh: tính hợp lý, công bằng của quy định và cách thực thi.
Sáng nay, trên giảng đường, sinh viên của tôi đặt cho thầy hai câu hỏi: “Pháp luật có phải lúc nào cũng hợp lý? Áp dụng đúng luật có phải lúc nào cũng công bằng?”. Đây là những câu hỏi thật thiết thực từ những cô cậu học trò năm nhất vẫn còn nhiều mơ hồ về pháp luật nhưng lại chan chứa rất nhiều niềm tin về sự công bằng và hiệu lực của pháp luật với đời sống xã hội.
Những thắc mắc của học trò khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện vừa xảy ra rất được dư luận quan tâm tại Cần Thơ. Một công dân đã bị xử phạt 90 triệu đồng với hành vi đổi 100 USD tại một tiệm vàng.
Theo dõi những thông tin được công bố chính thức bởi Công an TP. Cần Thơ tại buổi họp báo chiều ngày 24/10, tôi thấy rằng quyết định xử phạt của cơ quan này là hành vi áp dụng pháp luật theo đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục. Việc quản lý hoạt động mua bán ngoại tệ là một phần của chính sách tiền tệ quốc gia và đây là một chính sách cần thiết.
Vậy tại sao dư luận lại đồng loạt lên tiếng phản đối, phần đông cho rằng quyết định xử phạt không hợp lý, thiếu công bằng. Chia sẻ trên báo chí, một số chuyên gia cũng cho biết sốc khi nghe thông tin [1].
Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đang gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa |
Xem xét kỹ tình huống, tôi nhận thấy đang tồn tại nhiều điểm bất cập tại Việt Nam liên quan đến việc ban hành và thực thi pháp luật điều chỉnh vấn đề này.
Thứ nhất, trong nhiều năm qua, tuy luôn tồn tại các quy định pháp luật quản lý hoạt động mua bán ngoại tệ, nhưng việc thực thi các quy định này không nghiêm và lỏng lẻo. Chắc chẳng ai lạ gì việc đến một tiệm vàng để bán ngoại tệ với tỷ giá tốt hơn so với tỷ giá niêm yết tại ngân hàng. Rất nhiều giao dịch đã diễn ra công khai và an toàn mà không có sự can thiệp nào của cơ quan chức năng.
Dần dần đây trở thành một thói quen. Khi tiến hành khảo sát khoảng 50 người dân lao động phổ thông, tôi nhận cùng một câu trả lời nhất quán là nếu muốn bán USD thì đến tiệm vàng. Rõ ràng, họ đều nghĩ hành động này là bình thường và hợp pháp. Hẳn rằng người vừa bị xử phạt ở Cần Thơ cũng cùng tâm thế đó khi đi đổi USD. Vậy nên, dưới góc độ người dân, hành vi xử phạt của cơ quan công an dù đúng luật vẫn khiến họ thấy bất thường, vô lý và bất công.
Họ thấy bất công vì bởi lẽ, nhiều người cùng thực hiện một hành vi nhưng chỉ áp dụng chế tài cho một vài người, trong khi hầu hết người khác trót lọt. Việc buộc một người dân thường phải xác định được cơ sở kinh doanh nào có giấy phép giao dịch ngoại tệ là làm khó người dân. Nhà nước có thể viện dẫn lý do vì mục đích thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, nhưng với người dân, đây là nhiệm vụ của nhà nước, và nằm ngoài năng lực kiểm chứng của dân thường.
Khi có cung mới có cầu, lẽ ra trách nhiệm trước tiên phải thuộc về các cơ quan hữu trách khi để cho các cơ sở kinh doanh không được cấp phép thực hiện hành vi này trong thời gian dài.
Thứ hai, quy định về quản lý hoạt động mua bán ngoại tệ cũng tồn tại những điểm bất hợp lý. Việc quy định trách nhiệm pháp lý cho người dân trong trường hợp này cũng tựa như câu chuyện mua bán hàng giả. Sẽ thật vô lý nếu quy trách nhiệm cho người tiêu dùng khi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra tràn lan. Trách nhiệm pháp lý phải thuộc về những cơ sở kinh doanh và trách nhiệm quản lý thuộc về Nhà nước. Người dân đóng thuế để Nhà nước thực hiện trách nhiệm này. Nếu có chăng, người tiêu dùng sẽ phải tự chịu trách nhiệm nếu vẫn cố tình vi phạm và thực hiện hành vi giao dịch tại những cơ sở kinh doanh nằm trong danh sách khuyến cáo cấm giao dịch do chính Nhà nước ban hành và phổ biến cho người dân.
Thứ ba, nếu có lý do để tiếp tục duy trì những quy định về trách nhiệm pháp lý của người dân trong vấn đề này thì quy định hiện hành cũng thiếu hợp lý. Nhà nước đang áp dụng cùng một khung xử phạt cho tất cả các hành vi, không phân biệt giá trị giao dịch, số lần thực hiện hay số lần tái phạm. Nghĩa là, dù bán 1 USD hay 1 triệu USD, thực hiện hành vi 1 lần hay nhiều lần đều có cùng một mức xử phạt. Rõ ràng, nếu xem hành vi này là vi phạm pháp luật thì tính chất của từng trường hợp sẽ rất khác nhau, không thể nào đánh đồng và áp dụng “đồng hạng”.
Rõ ràng, để một quy định pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy được tác dụng giúp cho xã hội tốt lên thì phải đến từ cả hai khía cạnh: tính hợp lý, công bằng của quy định và cách thực thi quy định. Nếu không, ngay cả khi “đúng pháp luật” người dân vẫn cảm thấy bất công và không đồng thuận.
Lưu Minh Sang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; c) Quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước không đúng quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh casino. Khoản 3 Điều 24, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. |
-----
[1] Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chuyên gia cũng sốc, Lao động online, 25/10/2018.
Tham nhũng vặt và 'quan cách mạng'
Tham nhũng vặt dù không gây tác hại lớn về kinh tế, nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ.
Lại trao quyền cho Bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh?
Dự thảo nghị định về giao thông bị phát hiện ban hành thêm 85 điều kiện kinh doanh và trao cho tư lệnh ngành thẩm quyền đặt điều kiện kinh doanh, trái với các quy định và quyết tâm cải cách hiện nay.
Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí
Việc cổ vũ các "hiệp sỹ" rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng...
Câu hỏi khó: Nhà nước được lợi không, dân được lợi không?
Nhà nước và nhân dân có được lợi từ các dự án BT trong suốt nhiều năm qua? Đó là một câu hỏi khó có câu trả lời toàn diện.
Đổi 100 USD phạt 90 triệu: Quyết định khám xét có trước 6 ngày bắt quả tang
6 ngày trước khi bắt quả tang vụ tiệm vàng mua 100 USD của anh thợ điện, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết định khám xét tiệm vàng.
Đổi 100 USD phạt 90 triệu: 20 viên kim cương tịch thu đang ở đâu?
UBND TP Cần Thơ đã ký quyết định phê duyệt phương án xử lý tang vật trong vụ anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD sang tiền Việt ở tiệm vàng.