- Nhà nước và nhân dân có được lợi từ các dự án BT trong suốt nhiều năm qua? Đó là một câu hỏi khó có câu trả lời toàn diện.

LTS: Liệu nguồn lực đất đai và công sản có được huy động đúng cách để giúp phát triển cơ sở hạ tầng? Đâu là những vấn đề đáng quan tâm trong hệ thống luật pháp để huy động nguồn lực này, nhất là từ góc nhìn với hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao? Tuần Việt Nam xem xét ở khía cạnh này.

Tháng Sáu vừa qua là khoảng thời gian bội thu các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) với Thủ đô Hà Nội, một trong trong những cực phát triển kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra vào trung tuần tháng Sáu, giấy chứng nhận đầu tư đã được trao cho chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (dài 1,65 km nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) với tổng trị giá vào khoảng 1.373 tỷ đồng để đổi gần 60 ha đất. 

{keywords}
Ảnh minh họa: Đường vành đai 2 (Ảnh laodongthudo)

Ngay sau đó, các quyết định phê duyệt chỉ giới hai tuyến đường, tuyến từ Khu đô thị Ecopark đi đến đường 179 và tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng cũng được trao cho các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp này cam kết bỏ ra tổng vốn đầu tư 3.433 tỷ đồng để đổi lấy 74,6 ha đất bên huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Trên, chỉ là vài nét phác họa về những dự án BT được bật đèn xanh, chỉ riêng tháng Sáu mà chưa đề cập đến những dự án khác ở thủ đô từ đầu năm nay, cũng như các dự án BT khác được cấp phép ở các địa phương khác trên cả nước.

Kể từ khi sáng kiến “đổi đất lấy hạ tầng” được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra từ đầu những năm 1990, cơ chế này đang ngày càng phổ biến ở nhiều nơi.

Là một trong những nhà quan sát hình thức đầu tư này, ông Phạm Quang Tú của tổ chức Oxfarm nhận xét, “Các dự án án BT đang “nở rộ” ở các địa phương, đặc biệt sau khi các dự án BOT bị người dân phản đối. Một số dự án đã góp phần phát triển hạ tầng ở các địa phương…”.

Theo ông Tú, ngân sách Nhà nước tại địa phương không đủ để phát triển hạ tầng trong khi Nhà nước lại chỉ có đất đai là vốn quý. Vậy là Nhà nước hợp đồng với nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng và Nhà nước sẽ trả bằng đất đai.

Cho đến nay, các cơ quan chức năng chưa công bố thống kê chính thức nào về số các dự án BT cũng như hiệu quả của chúng trên bình diện quốc gia.

Song chỉ với Hà Nội, quy mô của các dự án BT là rất lớn. Một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về các dự án BT vào tháng 6/2017 cho thấy, với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng.

Trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án PPP và đều là BT. Con số này giảm xuống còn 24 dự án từ năm 2014, theo kết luận mới được công bố của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT-BT tại Hà Nội.

Lãnh đạo TP.HCM, vào tháng 10 năm 2017, đã yêu cầu tạm dừng tất cả dự án BT đang đàm phán để chờ quy trình mới, trừ các dự án đã có chỉ đạo của Chính phủ. Khoảng lặng đó quá ngắn khi đến tháng 4 năm nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM lại đề xuất triển khai lại 3 dự án giao thông tổng vốn dự kiến 6.637 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BT bị tạm dừng trước đó.

Chỉ riêng tại TP. HCM, theo tài liệu của Kiểm toán Nhà nước, từ tháng 4/2015 tới tháng 3/2016, Thành phố đã phê duyệt 17 dự án PPP (công tư đối tác), trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất.

Tại thời điểm tháng 6/2016, Thành phố đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư tới 9.926 nghìn tỷ đồng và trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 do ba doanh nghiệp liên quan đến bất động sản đầu tư với số vốn 5.254 nghìn tỷ đồng.

Cho đến nay, không thể thống kê được Nhà nước đã trả bao nhiêu đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT trên bình diện cả nước. Song, những nét chấm phá đó cho thấy, số lượng đất đai mang ra đổi là rất lớn.

Nhà nước có được lợi hay không? 

{keywords}
Một đoạn đường vành đai 2. Ảnh Huy Hùng

Câu hỏi đặt ra, Nhà nước và nhân dân có được lợi từ các dự án BT trong suốt nhiều năm qua? Đó là một câu hỏi khó có câu trả lời toàn diện.

Song, những báo cáo của các cơ quan chuyên ngành gần đây cho thấy một phần của câu trả lời.

Trong một tài liệu liên quan đến kết quả kiểm toán các dự án BT gần đây, Phó vụ trưởng, Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước Trương Hải Yến cho biết, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được thông qua HĐND ở các địa phương.

Do đó, nhu cầu, mục tiêu đầu tư dự án BT không rõ ràng, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách. Ngoài ra, còn có địa phương phê duyệt các dự án đầu tư theo hình thức BT đều được giao cho các nhà đầu tư đã được giao các dự án trước đó nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất vào NSNN.

Vấn đề là thiết kế luật pháp hiện nay đã không làm Nhà nước được lợi từ dự án BT. Nghị định 15, văn bản pháp luật cao nhất hiện nay liên quan đến hợp tác công tư (PPP) quy định tại khoản 2, Điều 10: “Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư“.

Điều khoản này quy định thêm, với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: a) Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; b) Đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Điều này có nghĩa, thực chất gần như toàn bộ dự án (khoảng 85%) là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

“Quy định như trên cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN“, bà Yến khẳng định.

Báo cáo của cơ quan kiểm toán cho biết thêm, có tình trạng nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu không đạt theo cam kết trong hợp đồng, hoặc ký hợp đồng nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư. Điều này dẫn đến dự án chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay ngân hàng, làm tăng giá trị dự án BT, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường bị định giá thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá. Bên cạnh đó, mỗi địa phương áp dụng một phương pháp tính giá khác nhau trong khi các phương pháp xác định giá đất theo hướng dẫn tại các Thông tư, Nghị định còn nhiều bất cập, vướng mắc, hạn chế làm “thất thoát NSNN“.

Tư Giang

Cho thuê đất 99 năm: "Đại bàng" ba đời xây ổ

Cho thuê đất 99 năm: "Đại bàng" ba đời xây ổ

Quy định thời hạn cho thuê đất kéo dài lên đến 99 năm, hoàn toàn có thể biến chủ thuê đất trở thành “lãnh chúa” trong địa hạt của mình.

Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử

Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử

Đất công sẽ lên sàn giao dịch điện tử để minh bạch việc mua bán, chuyển nhượng đất công hiện nay.

Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai

Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai

Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Đây có thể nói là một tệ nạn quốc gia, sờ đâu sai đó.

Nửa thế kỷ, những lớp học đặc biệt trong lịch sử đất nước…

Nửa thế kỷ, những lớp học đặc biệt trong lịch sử đất nước…

“Nhớ cha, nhớ mẹ nhưng vẫn day dứt một điều là đang sống trên đất Bắc và đang nhận trọn vẹn tình thương yêu chăm sóc của đồng bào miền Bắc”.

Khi đất đai bị quan tham nhũng hợp pháp

Khi đất đai bị quan tham nhũng hợp pháp

Đất đai, nhà công sản là sở hữu toàn dân đã bị những kẻ có quyền lực biến chất biến thành của tư qua những công văn đóng dấu "Mật", "Tuyệt Mật".

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Vấn đề đáng quan tâm đằng sau câu chuyện di dời ga Hà Nội là cách chúng ta quản trị tài sản và đất công ra sao ở những chỗ “tranh tối tranh sáng”.

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao.