Dưới ánh đèn vàng trong một căn phòng nhỏ tầng 2 thuộc Bộ Khoa học công nghệ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông – Đỗ Trung Tá (nay là Bộ TT&TT) trầm ngâm nhớ lại chặng đường đổi mới ngành Bưu chính Viễn thông: “Đó là một giai đoạn đẹp và rực rỡ trong lịch sử phát triển ngành Bưu chính viễn thông với một thế hệ lãnh đạo có tinh thần dấn thân, dám Đổi mới, dám chịu trách nhiệm và tâm huyết đồng hành cùng những khó khăn với đất nước”.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài đầu tiên trong mạch bài 30 năm ĐỔI MỚI: Nhìn từ ngành Bưu chính- Viễn thông.

Quyết định dũng cảm

Sau chiến tranh đất nước bước vào khủng hoảng, ngành Bưu điện lúc đó nghèo nàn, trang thiết bị kĩ thuật lạc hậu, chắp vá và thiếu thốn, đời sống cán bộ trong ngành cơ cực. Không ít anh chị em trong ngành ngày làm quần quật cho nhà nước, tối nuôi lợn, làm bánh phở kiếm tiền cho con ăn học. Năm 1985, mật độ điện thoại nước ta mới chỉ đạt 0,2 máy/100 dân, thấp hơn 7 lần so với các nước Châu Phi. Mật độ điện báo chỉ đạt 10,27 bức điện/100 dân, thấp hơn 18 lần so với Cuba. Lúc đó, người dân gọi một cuộc điện thoại từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh phải chờ hàng tiếng đồng hồ để kết nối.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể trong cuốn sách “Chuyện về người Bưu điện” về ông Đặng Văn Thân là lãnh đạo ngành khi đó đã trăn trở với suy nghĩ phải có cách nào để người trong ngành có thể sống được bằng chính những việc trong ngành. Ông Thân nhận ra thế giới đã bùng nổ cuộc cách mạng khoa học Công nghệ Viễn thông nếu ta chần chừ sẽ bị tụt hậu.

Từ đó ông Thân đã bàn bạc với Ban cán sự Đảng Tổng cục và lãnh đạo ngành chọn một con đường kiên quyết, táo bạo, tự lực, tự cường bứt khỏi cơ chế cũ, khắc phục tâm lý và thói quen ỷ lại, chờ đợi cấp trên, chờ đợi đầu tư của Ngân sách nhà nước. Con đường đó là đi thẳng lên công nghệ hiện đại, theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dạng hóa dịch vụ.

{keywords}
Ông Đỗ Trung Tá- Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông)

Vị chuyên gia đầu tiên mà ông Thân tham khảo là người Úc- ông Graham Davey. Hai người đã bàn bạc suốt đêm ở ghế đá bãi biển Đồ Sơn về công nghệ số hóa, cứ thế hai người trò chuyện suốt đêm. Sau hôm đó ông Thân càng có quyết tâm đi thẳng vào công nghệ số hóa là đúng đắn. Tuy nhiên, chọn công nghệ hiện đại đòi hỏi chúng ta phải có tiền, mà ngoại tệ thì không có. Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ, cung cấp toàn bộ thiết bị cho ta nhưng thiết bị đó lại lạc hậu. Việc thay thế bằng thiết bị hiện đại của tư bản là một quyết định dũng cảm của ngành khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại trong cuốn sách.

Đó cũng là thời điểm xuất hiện nhiều lực cản và ý kiến trái chiều trong lẫn ngoài ngành. Ông Đỗ Trung Tá kể: “Lực cản xuất hiện đúng lúc chúng ta quyết định tiếp cận công nghệ mới. Công nghệ mới lại nằm ở các nước tư bản. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta còn đang thi hành hiệp định với Liên Xô (cũ). Hiệp định sắp được thực hiện, nên chúng tôi đề nghị phần cột kèo và xe com-măng-ca (u oát), pin mặt trời vẫn nhập của Liên Xô, nhưng xin chọn mua thiết bị của nước khác. Chính vì thế chúng ta thấy trên cột kèo của Liên Xô có các thiết bị viba số của Pháp và của Siemens của Đức”.

“Thứ hai, đề xuất đi thẳng vào công nghệ hiện đại ảnh hưởng tới nhiều ngành khác đang có hợp đồng với các nước xã hội chủ nghĩa. Ví dụ như Bộ Công an đang có hợp đồng thiết bị rất lớn về thông tin vô tuyến, nên cũng phải đề nghị Chính phủ xem xét lại. Chính lúc đó, Bộ trưởng Bộ Công an Phạm Hùng đã đồng ý việc chúng ta phải đi nhanh vào công nghệ mới”.

“Còn một điều mà cả anh em trong ngành cũng lo ngại, lúc đó ngành vừa bỏ tiền mua một lô tổng đài của Đức là tổng đài cơ mà vứt đi sẽ lãng phí, dùng thì lại tốn điện, nhưng lúc đó chủ trương với chủ trương tận dụng thiết bị đồng chí Đặng Văn Thân là tặng cho Cuba vì đang trong hoàn cảnh cấm vận. Khó khăn khác là tài khoản của Bưu điện Việt Nam trong ngân hàng chỉ còn vài chục ngàn đô la đã là của hiếm, nhiều người lo ngại rằng ngành có đến 9 vạn người nhưng doanh thu rất thấp, cán bộ trong ngành lại chưa có trình độ chuyên môn về kĩ thuật số”, ông Tá chia sẻ thêm.

Trong cuốn sách “Chuyện về người Bưu điện”, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn kể, không ít người tỏ ra sợ sệt thời điểm đó, nếu mua trang thiết bị của tư bản sẽ lệ thuộc vào tư bản, sợ từ bỏ xã hội chủ nghĩa, sợ hiện đại gây lãng phí, sợ gánh nặng nợ nần con cháu mai sau phải trả. Bộ trưởng Bộ Bưu điện nước bạn đã phê phán ông Thân như thế. Nhưng ông Thân giải thích cặn kẽ về quy luật hàng hóa kinh tế chỉ thuần túy là chuyện hàng hóa kinh tế thôi. Đồng chí Bộ trưởng nước bạn lúc đó bảo: “Thôi ta cứ chờ xem kết quả vài năm nữa thế nào. Tôi thì thành thật lo cho đồng chí!” 

Ông Thân cũng lo lắm, hai bàn tay trắng mà nhà nước cũng không có tiền, đó là còn chưa kể mua công nghệ cao còn vướng phải sự cấm vận của Mỹ, tìm cách nào có tiền trong lúc còn bị cấm vận công nghệ cao của Mỹ là bài toán nan giải. Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài đã đến gặp gỡ ta nhưng mới chỉ là thăm dò. Nhưng vẫn quyết tâm kiên định với chiến lược lựa chọn công nghệ mới, ông Thân bảo họ chưa chịu đến với mình thì mình phải chủ động đến với họ, thế là ông Thân khăn gói lên đường. 

Tập đoàn bưu điện nước ngoài đầu tiên mà ông Thân chọn đến là Hàn Quốc. Vì đang trong tình trạng cấm vận nên ông không dùng hộ chiếu công vụ. Ông đi bình thường như người dân du lịch với tấm hộ chiếu phổ thông. Sang Thái Lan, ông Thân ăn chực nằm chờ để làm thị thực visa vào Hàn Quốc. Rồi ông tới Seoul với tư cách như là một doanh nhân. Qua mấy ngày đàm phán, Tập đoàn Bưu điện Hàn Quốc hứa sẽ bán cho ta công nghệ cao, lo giúp giấy xuất khẩu, tiền thì được trả chậm. Chuyến đi của anh Thân là chuyến đi bí mật vậy mà nhiều nước biết một cách rành rẽ, ngay lập tức Tập đoàn Viễn thông Alcatel của Pháp, Siemens của Đức, Marconi của Ý đều nhiệt tình hợp tác với ta.

“Vượt qua sự e ngại về việc bị xét nét đi theo tư bản, vượt qua sự sợ hãi bị quy chụp, cầu thị, chủ động mời chuyên gia phương tây để học hỏi là điều đáng trân trọng tại thời điểm đó”- ông Đỗ Trung Tá bày tỏ. Sự dũng cảm, dấn thân để đấu tranh phá bỏ công nghệ cũ kĩ lạc hậu thay vào đó là công nghệ tư bản của ông Đặng Văn Thân và nhiều lãnh đạo ngành khi đó là câu chuyện thần kì, là bệ phóng cho ngành bưu chính viễn thông, sau này là công nghệ thông tin và viễn thông phát triển rực rỡ.

Tin học là nguồn thu tương lai

Bưu điện vượt qua nguy hiểm từ đó bước vào thời kì thu hút đầu tư, tăng tốc và phát triển. Đến năm 1995, nước ta đã số hoá được toàn bộ mạng viễn thông trên tất cả các tỉnh, thành phố, các cuộc gọi đường dài liên tỉnh và quốc tế đã tự động hoàn toàn. Từ lúc chỉ có khoảng một trăm triệu thuê bao điện thoại bằng điện đàm và nhắn tin thì 10 năm sau đã có một mạng lưới viễn thông về công nghệ tương đương thậm chí là vượt một số nước trong khu vực. Cũng trong năm này, Thủ tướng ra quyết định thành lập Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT), thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) khởi động cho quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông.

Khi tư tưởng đi thẳng lên công nghệ hiện đại thành công, ông Đỗ Trung Tá tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật chung của toàn ngành tổ chức tại miền Trung tháng 7 năm 1995, Khánh Hoà là nơi ông chọn làm địa điểm tổ chức bởi thời điểm ấy, Bưu điện tỉnh Khánh Hoà là điểm sáng trong việc ứng dụng khoa học kĩ thuật, đổi mới sáng tạo công nghệ của ngành Bưu điện.

Trong hội nghị ấy, Nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) rất ấn tượng báo cáo của Trung tâm tin học Teltic, thuộc Bưu điện Khánh Hòa. Báo cáo đã nêu lên được tính đổi mới, sáng tạo ứng dụng mạng máy tính diện rộng không chỉ phục vụ quản lý điều hành sản xuất kinh doanh cho nội bộ ngành mà còn thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho cả xã hội, sử dụng giao thức truyền tin TCP/IP  của Internet.

Đến năm 1996, thấy sự bức thiết cần phát triển tin học trong ngành, theo ông tin học sẽ là nguồn thu tương lai của bưu điện, là nền tảng cuat kinh tế xã hội, ông Tá đã cho tổ chức tiếp Hội nghị tin học toàn ngành Bưu điện năm 1996, từ đó đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho việc phát triển ứng dụng, đặc biệt là phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin trong bưu chính viễn thông, giai đoạn mở cửa và hội nhập quốc tế.

Nhiều người trong ngành sau này kể lại, lúc ấy viễn thông đã mang lại nguồn thu lớn nên một số cán bộ trong nhành chưa thấy được sự cấp thiết phát triển tin học, công nghệ thông tin. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng tin học, công nghệ thông tin có sẵn rồi, tổng đài điện tử là tin học đấy thôi. Nhiều người còn nhầm lẫn giữa việc phát triển phần mềm, sáng tạo ra sản phẩm với việc mua thiết bị nước ngoài có sẵn phần mềm, ta chỉ việc sử dụng chứ không phải làm ra phần mềm cho hệ thống viễn thông.

Internet cũng vậy, trong khi nhiều đơn vị lớn trong ngành chủ trương có tiền thuê ngoài vào thiếp lập, cài đặt và xây dựng hệ thống cho nhanh thì ông Tá cho rằng cần ủng hộ, hỗ trợ cho các nhóm kỹ thuật trong ngành nghiên cứu xây dựng hệ thống để qua đó làm chủ được công nghệ, nâng cao năng lực và xa hơn nữa là sáng tạo các sản phẩm tin học, công nghệ thông tin phục vụ cho ngành và xã hội.

Đó là nguồn doanh thu quan trọng để phát triển vững chắc cho ngành trong tương lai.

Đón đọc bài 2: "Lúc đó xôn xao, nhiều người sợ ảnh hưởng an ninh quốc gia"

Lan Anh


Save