- Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang không chỉ là vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi, mà về nhiều mặt, hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng.

Những số liệu mà ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong cuộc họp báo tại thành phố Hà Giang chiều ngày 17/7 là những con số biết nói.

{keywords}
Không chỉ là vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi, mà về nhiều mặt, hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: laodong

Không phải chờ đợi lâu hơn, những nghi vấn “bất thường”, “phi lý” mà báo chí gióng lên đã được làm rõ bước đầu, nhưng rất cơ bản. Hơn cả “phi lý”, “bất thường”, nó bộc lộ là một đại án gian lận kết quả thi cử. Và cũng không phải chờ đợi lâu, tội đồ đầu tiên của đại án gian lận kết quả thi cử này đã lộ diện. Đó lại là một “yếu nhân” thường thường bậc trung thành thạo công nghệ máy tính trong ngành giáo dục tỉnh Hà Giang: Ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GĐ-ĐT.

Những thông tin ban đầu mà ông Cục trưởng Mai Văn Trinh cùng vị đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A83), Bộ Công an cung cấp trong cuộc họp báo, có thể củng cố thêm nghi vấn: Liệu một mình ông Phó trưởng phòng Vũ Trọng Lương có đủ “vía” để thực hiện các khâu phạm tội từ a đến z, nếu không có ai đó giúp sức hoặc bật đèn xanh? Liệu ông ta có đủ can đảm để thực hiện hành vi phạm tội ngay trước mắt những người có trách nhiệm và di chuyển cả hòm chấm thi trắc nghiệm đi nơi khác để mở niêm phong.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong lịch sử thi cử nước nhà, từ cổ chí kim, đây là vụ gian lận liều lĩnh và đình đám nhất được phát giác. Bấy lâu nay, không hiếm vụ việc gian lận thi cử, từ khâu ra đề, coi thi đến chấm thi, khớp điểm, nhưng phổ biến vẫn là nhỏ lẻ.

Thật khó tưởng tượng, trong một kỳ thi quốc gia bậc THPT ở một tỉnh miền núi, có tới 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có điểm chênh lên hơn 20 điểm; cá biệt, có thí sinh tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm!

Những con số này nói lên điều gì?

Trước hết, nó là dấu hiệu cho thấy đạo đức và trách nhiệm công vụ trong một bộ phận công chức, viên chức thấp đến mức tận cùng. Đây lại là công chức, viên chức trong ngành giáo dục vốn mô phạm, trong mọi hoàn cảnh giấy rách vẫn giữ lấy lề, đói cho sạch, rách cho thơm, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Nó cung cấp thêm một dẫn chứng về những tiêu cực, tha hoá trong hoạt động giáo dục-đào tạo của một bộ phận xã hội, bao gồm quan chức nói chung, bậc làm cha làm mẹ và học trò. Họ cổ xuý cho thứ triết lý vụn thô bạo: Vào đời, chọn chỗ “ngồi mát ăn bát vàng”, thậm chí đè đầu cưỡi cổ thiên hạ không phải bằng con đường học tập thực chất và rèn luyện, phấn đấu gian khó, mà bằng tiền bạc, quyền lực và lối “đi tắt đón đầu” thô thiển, xấu xí.

Nhưng đó chưa phải là điều mặn chát nhất. Những thí sinh kia không xứng đáng vào các trường đại học, thậm chí không đủ điểm tốt nghiệp, qua cách phù phép nâng khống điểm, họ đã đàng hoàng bước vào các trường đại học, kể cả các trường tốp trên như Đại học y, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát... Những thí sinh này, ngay từ khâu thi cử đã là sản phẩm của trò gian lận, dối trá, liệu khi ra trường họ có thể trở thành người trung thực, tử tế? Liệu họ có không tiếp tục diễn trò gian lận, mua bán điểm chác, bằng cấp, chức tước trong chuỗi hành trình cuộc đời họ?

Nếu vụ việc không được phanh phui, sẽ có khoảng 100 thí sinh kia vào trường đại học khi không xứng đáng, cũng có nghĩa hơn 100 thí sinh khác rất xứng đáng sẽ bị loại.

Công bằng xã hội bị vùi dập. Đây là ngọn roi quất thẳng vào phần xã hội tử tế còn lại đang gắng sức vun xới cho một nền giáo dục công bằng, trung thực, liêm sỉ, coi trọng chất lượng học tập thực chất. Vụ việc này ném thêm một hòn đá nặng tựa trái núi vào hành trình cải cách, đổi mới thi cử của ngành giáo dục nước nhà vốn không mấy xuôi chèo mát mái, đang cần sự đồng thuận xã hội.

Vụ việc “phi lý Hà Giang” cũng khiến xã hội và nhà chức trách đặt nghi vấn: Có phải địa phương này chỉ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, hay tiêu cực tương tự từng diễn ra những năm trước đó, với quy mô có thể nhỏ hơn? Chính vì những năm trước từng diễn ra gian lận nhưng không bị phát hiện, nên năm nay mới mạnh tay làm liều với quy mô rộng hơn và lớn hơn? Liệu hiện tượng “phi lý Hà Giang” có là cá biệt, hay còn những “phi lý Hà Giang” khác, ở tỉnh này, thành phố kia, với quy mô, mức độ “khiêm tốn” và kín đáo hơn?

Trong tiến trình đi tới làm rõ nghi vấn gian lận kết quả thi cử ở Hà Giang, giới báo chí nước nhà-được sự góp sức của những người “thấy sự bất bình chẳng tha”-thêm một lần ghi công. Bằng cảm quan tinh tế và tư duy so sánh, phản biện nhạy bén, cùng sự thấu hiểu những bức bối của phụ huynh và học sinh, một nhóm nhà báo đã phát hiện ra những bất thường, phi lý ở phổ điểm và kịp thời gióng tiếng chuông cảnh báo. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự cầu thị, vào cuộc với tinh thần thái độ khẩn trương, tích cực, và đầy hiệu lực. Cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã thể hiện thái độ khách quan, không che chắn hay né tránh, sẵn sàng hợp tác tìm ra bản chất sự việc. Đây có thể xem là mẫu hình phản ứng nhanh nhằm xử lý sự cố thi cử kịp thời và hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ sự cố Hà Giang, dư luận xã hội tỏ ý lo lắng cho số phận của đề án đổi mới thi cử của Bộ Giáo dục-Đào tạo đang vận hành. Đúng là cần nghiêm túc nhìn nhận những điểm mờ, kẽ hở của quy chế thi và cách thức chấm thi, nếu có, để hoá giải, hạn chế, nhất là khâu theo dõi, giám sát.

Nhưng đừng vì một điểm đen xấu xí trong kỳ thi quốc gia ở Hà Giang mà vội phê phán, phủ nhận những nỗ lực cải cách, đổi mới công tác thi cử đã và đang diễn ra với nhiều điểm tích cực. Cũng không nên vội vàng quy kết, rằng chính phương pháp thi trắc nghiệm và sử dụng máy chấm trắc nghiệm là nguyên nhân tạo nên sự cố.

Thực tế thì phương pháp nào, dù tối ưu nhất cũng bộc lộ những hạn chế; phương tiện công nghệ nào hiện đại, thông minh nhất cũng do con người tạo ra và do con người sử dụng. Yếu tố con người, bao gồm người lãnh đạo và người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, luôn luôn quyết định sự thành công hay thất bại trong từng công việc.

Rồi đây, khi mọi chuyện trắng đen rõ ràng, những kẻ tha hoá, nhúng chàm trong lĩnh vực thi cử, trực tiếp hay gián tiếp, sẽ bị xử lý. Vụ việc không chỉ là gian lận, mà nên gọi đúng tên của nó: Ăn cắp. Có kẻ dùng tiền hoặc quyền lực thuê mướn, sai khiến; có kẻ trực tiếp ăn cắp; có người ngó lơ để kẻ ăn cắp tự tung tự tác... Họ không chỉ ăn cắp những điểm số mang giá trị trí tuệ được định lượng bằng tiền bạc, mà còn đánh cắp sự hồn nhiên, trung thực tuổi học trò, đánh tráo số phận cả trăm thí sinh trong một kỳ thi quốc gia.

Kỷ luật hay bỏ tù kẻ tội đồ, dù ở mức nghiêm khắc nhất, rất cần, thì vẫn là xử lý phần ngọn, xử vụ này lại nảy nòi vụ khác, chẳng vụ nào giống vụ nào. Xã hội chúng ta đang tồn tại khá nhiều những kẻ ăn cắp, trong đó có ăn cắp thành quả trí tuệ của người khác để mưu cầu danh lợi. Dù hứng chịu búa rìu dư luận, họ vẫn trơ trơ.

Như vụ ông giáo sư Nguyễn Đức Tồn, cán bộ Viện Ngôn ngữ học. Có đến hơn trăm bài báo tố ông ta đạo văn, thiếu trung thực, nhưng ông ta vẫn xem như không. Vậy thì để hạn chế những “phi lý Hà Giang” hoặc những vụ việc ăn cắp tương tự, thì cùng với việc xử lý, trừng phạt nghiêm minh “chính danh thủ phạm”, thì phải khẩn trương, kiên trì vun cái gốc đạo đức xã hội, để từng cá nhân, không chỉ biết sợ, mà còn biết xấu hổ khi nghĩ, chứ chưa hẳn đã làm, cái việc ăn cắp.

Vụ gian lận kết quả thi cử xảy ra tại tỉnh Hà Giang đang thành điểm nóng dư luận trong những ngày qua và tác động nhiều chiều lên đời sống xã hội. Khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, khẩn trương điều tra, kết luận, thì chắc chắn tính chất của nó đã hơn cả mức độ nghiêm trọng; và chắc chắn những nghi vấn liên quan đến nội dung, bản chất, quy mô vụ án sẽ sớm được sáng tỏ.

Uông Ngọc Dậu

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?

Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.

Thi cử thống khổ, sao con em ta vẫn thua xa bạn bè quốc tế?

Thi cử thống khổ, sao con em ta vẫn thua xa bạn bè quốc tế?

Nhu cầu tìm ra một cách tiếp cận mới cho tuyển sinh các lớp đầu cấp đã cấp thiết lắm rồi, vì hệ lụy lâu dài của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thế hệ trẻ.  

Đề nghị điều tra vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

Đề nghị điều tra vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giao cơ quan công an điều tra những sai phạm liên quan điểm thi THPT vừa được công bố.

Cứ 50 thí sinh thì 1 em được nâng điểm: Gian lận thi cử chưa từng có

Cứ 50 thí sinh thì 1 em được nâng điểm: Gian lận thi cử chưa từng có

Với gần 5.500 thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 và 114 em được nâng "khống" ít nhất là 1 điểm, gian lận thi cử ở Hà Giang có thể nói là chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục.