- Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã chứng tỏ là mô hình hợp tác và hội nhập khu vực thành công nhất ở châu Á và được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong.
GMS – 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển
Tiểu vùng Mekong mở rộng là khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người.
Hợp tác GMS được khởi xướng từ năm 1992, theo sáng kiến của ADB, gồm 6 nước thành viên: Campuchia, Trung Quốc (cụ thể là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
ADB đóng vai trò là Ban Thư Ký của hợp tác GMS. Trong 25 năm qua, ADB và các đối tác đã đầu tư 21 tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực GMS để xây dựng khoảng 10.000 km đường cao tốc, 500 km đường sắt, và khoảng 2.000 đường dây chuyển tải điện. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ 66 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Trưởng phòng điều phối hoạt động và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Alfredo Perdiguero đánh giá Sáng kiến GMS là một trong những chương trình thành công nhất về hợp tác và hội nhập khu vực ở châu Á.
Ông cho biết chương trình hợp tác GSM được định hướng bởi 3 chữ C: kết nối (connectivity), cạnh tranh (competitiveness), và cộng đồng (community). Trên cơ sở đó, cơ chế GMS đã giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, thu hẹp khoảng cách phát triển trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng cường tiếng nói của các nước thành viên.
Hội nghị Quan chức cao cấp Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng diễn ra sáng 29/3 tại Hà Nội. |
Mục tiêu của GMS là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu đó, GMS hoạt động trên các nguyên tắc hợp tác và lựa chọn dự án không giống với các khuôn khổ hợp tác đa phương khác.
Thứ nhất là nguyên tắc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống người dân trong Tiểu vùng. Nếu như hợp tác trong khuôn khổ ASEAN hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dựa trên các hiệp định, hợp tác GMS chủ yếu dựa trên các dự án về kết nối giao thông và hành lang kinh tế. Các chương trình và dự án cần phản ánh sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Thứ hai là nguyên tắc mềm dẻo và tự nguyện. Các dự án có thể thu hút một số quốc gia trong tiểu vùng Mekong mở rộng và không nhất thiết phải bao gồm tất cả 6 nước. Các sáng kiến và các quyết định liên quan đến các dự án tiểu vùng được các nước liên quan thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Thứ ba, việc cải tạo hoặc khôi phục những cơ sở hạ tầng hiện có được ưu tiên cao hơn việc xây dựng các cơ sở mới.
Thứ tư, việc tài trợ cho các dự án từ nguồn Chính phủ và tư nhân đều được khuyến khích.
Thứ năm, các nước thành viên GMS cần thường xuyên gặp gỡ trao đổi để duy trì động lực thúc đẩy tiến trình hợp tác phát triển.
Thứ sáu, các dự án hợp tác không làm tổn hại lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, dù là lợi ích đã có hoặc sẽ có trong tương lai.
Về cơ bản chiến lược hợp tác dựa trên 3 trụ cột gồm Kết nối hạ tầng, Tăng cường khả năng cạnh tranh và Kết nối cộng đồng (môi trường, y tế, giáo dục). Chiến lược kết nối hạ tầng nhằm nâng cao khả năng kết nối qua phát triển bền vững hạ tầng vật chất và chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia.
Chiến lược tăng cường khả năng cạnh tranh nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh qua hỗ trợ hiệu quả vận tải hành khách và hàng hóa xuyên biên giới, hội nhập thị trường, các quy trình sản xuất, các chuỗi giá trị. Chiến lược kết nối cộng đồng là nâng cao ý thức cộng đồng qua các chương trình và dự án nhằm giải quyết những quan ngại chung về xã hội và môi trường.
Thời gian qua, hợp tác GMS được triển khai trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, đầu tư, thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường, phát triển đô thị, các khu kinh tế cửa khẩu và đa ngành khác và phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải được triển khai mạnh nhất, với sự hình thành của các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam… và các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách và hàng hoá qua biên giới tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS-CBTA).
GMS hiện đang triển khai Khung Chiến lược hợp tác mới 2012-2022 thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ tư tại Myanmar tháng 12/2011. Trên cơ sở Khung chiến lược hợp tác này, Hội nghị Bộ trưởng GMS 18 tại Nam Ninh, Trung Quốc tháng 12/2012 đã thông qua Khung Đầu tư khu vực GMS (RIF).
Hội nghị Bộ trưởng GMS 19 tại Lào tháng 12/2013 về cơ bản thông qua danh mục 200 dự án của RIF, các nước GMS đang tập trung lên danh sách các dự án ưu tiên cho thời gian tới. Do nhu cầu hỗ trợ lớn và cạnh tranh giữa các nước trong tiểu vùng ngày càng quyết liệt, phần lớn các dự án trong RIF chưa xác định nguồn tài trợ. Đây là thách thức lớn đối với GMS cũng như nhiều khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác trong thời gian tới.
Tuy được đánh giá là một trong những cơ chế thành công nhất ở Tiểu vùng, nhưng hợp tác GMS cũng đối mặt với một số thách thức như: Khó khăn trong thu hút nguồn lực cho các dự án hợp tác (RIF-II 2022 của GMS cần số vốn gần 64 tỷ USD, trong khi vốn của các nước GMS và ADB chỉ đáp ứng khoảng 50%); Chênh lệch trình độ phát triển trong GMS còn cao, không chỉ giữa các nước Mekong, mà còn giữa các nước Mekong với Trung Quốc.
Việt Nam trong Hợp tác GMS
Hội nghị thượng đỉnh GMS-6 và Hội nghị cấp cao Hợp tác Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 29-31/3, với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị GMS-6 và CLV-10 thể hiện sự đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với GMS.
Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992. Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực.
Tính đến tháng 12/2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay/trợ cấp của GMS. Trong đó, lĩnh vực giao thông chiếm 87%; phát triển đô thị (7,9%), y tế và bảo trợ xã hội (2,7%), nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên (3,7%), công nghiệp và thương mại (0,4%), thuận lợi hoá thương mại và vận tải (0,2%).
Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến và các lĩnh vực hợp tác khác nhau của hợp tác GMS, cụ thể: Hiệp định tạo thuận lợi giao thông qua biên giới (CBTA) các nước GMS; Nghiên cứu chiến lược ngành giao thông tiểu vùng; Xây dựng Khung chiến lược thúc đẩy thương mại và đầu tư; Diễn đàn Kinh doanh GMS;
Nghiên cứu và Kế hoạch tổng thể khu vực về liên kết điện năng trong GMS; Hiệp định giữa các quốc gia về thương mại điện năng khu vực, Hiệp định thương mại Điện năng khu vực; Xây dựng Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mekong; Phòng chống HIV/AIDS cho dân di cư tự do, Giáo dục Phòng chống HIV/AIDS tại các khu vực vùng biên, và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm khu vực GMS;
Nghiên cứu về xoá bỏ ma tuý trong GMS; Chương trình xây dựng năng lực cho các cán bộ GMS theo Kế hoạch Phnom Penh về Quản lý Phát triển; Các chương trình hợp tác du lịch Khung chiến lược và kế hoạch hành động nhân lực GMS;
Khung chiến lược môi trường và chương trình môi trường trọng điểm, bao gồm Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; Xoá đói giảm nghèo và quản lý môi trường tại các lưu vực vùng sâu vùng xa; Mở rộng hợp tác tiểu vùng về nông nghiệp …
Trả lời báo giới nhân dịp sang Việt Nam dự các hội nghị trên, ông Perdiguero đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kết nối giao thông thông qua cơ chế GMS tại Việt Nam, trong đó nổi bật là dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng trong chương trình hợp tác GMS, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Lào Cai từ 7 giờ xuống còn chỉ còn 3 giờ.
Ngoài ra, ông cũng đề cập đến những dự án trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Bắc – Nam (kết nối Việt Nam – Trung Quốc), Hành lang kinh tế Đông – Tây (Đà Nẵng và các thành phố của Lào, Thái Lan, Myanmar) và Hành lang kinh tế phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh – Phnom Penh - Bangkok).
Theo ông Perdiguero, Việt Nam luôn là một thành viên có nhiều sáng kiến trong tất cả lĩnh vực mà hợp tác GMS thúc đẩy. Bên cạnh đó, ông Perdiguero đánh giá Việt Nam đã dẫn đầu trong công tác thu hút sự tham gia của không chỉ của các chính phủ mà cả khu vực tư nhân vào các sáng kiến của GMS, do đó việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS lần này là cơ hội để mang lại nguồn năng lượng, những ý tưởng và nguồn tài chính cho cơ chế hợp tác liên kết khu vực này.
Qua 1/4 thế kỷ, hợp tác GMS đã giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, ứng phó với các thách thức chung của khu vực, từ đó đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế, xã hội của các nước thành viên.
Bước sang cái tuổi sung sức nhất, hợp tác GMS đang ngày đóng vai trò hiệu quả của mình trong sự phát triển của khu vực. Việt Nam cũng chứng tỏ mình là một thành viên tích cực nhất trong cơ chế hợp tác này./.
Diệu An
Sông Mekong: Vấn đề cũ, nỗi lo mới
Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam.
Mekong cạn nước và cuộc đấu pháp lý với Bắc Kinh
Những đập thuỷ điện trên dòng sông Mekong đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Giao thông VN với 5 nước tiểu vùng Mekong 'dễ như đi chợ'
Phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vận tải sẽ góp phần thúc đẩy Tiểu vùng Mekong thành khu vực thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.
Quan chức Mekong bàn chiến lược hợp tác giao thông, du lịch, môi trường
Hôm nay, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam lên đường sang thủ đô Phnom Penh, Campuchia dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 2.
Quan hệ bền vững VN-Campuchia mãi như dòng Mekong nối liền 2 nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì đón và chào mừng Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Campuchia sang thăm Việt Nam.
Mekong chặn dòng, thế mạnh Việt Nam cạn sức
Năm 2016, những cánh đồng chết khô, đàn trâu bò chết khát, nước sạch đắt như vàng,... cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn, sản xuất nông nghiệp thiệt hại trầm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn tàn phá.