- Nhìn lại Hiệp định Geneva, nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung cho rằng: Đây là trang sử bi hùng của dân tộc. Bài học lớn cho hậu thế là giữ vững độc lập - tự chủ: Chúng ta phải tự quyết định số phận của mình. 

Ngày 20/7/2009 là đúng 55 năm ký kết Hiệp định Geneva, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Sung - đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Pháp. 

Ông cũng là người đã từng tham gia Ban Liên hiệp đình chiến Chiến trường Liên khu Năm cuối năm 1954 trong quá trình thực hiện Hiệp định Geneva, sau này ông là thành viên đoàn đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger trong thời kỳ Hội nghị Paris. 

Nhìn lại Hiệp định Geneva, nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung cho rằng: “Đây là trang sử bi hùng của dân tộc”. Bài học lớn cho hậu thế là giữ vững độc lập-tự chủ: chúng ta phải tự quyết định số phận của mình”.

Nhân dịp 60 năm ký kết Hiệp định Geneva, Tuần Việt Nam xin đăng tải lại cuộc trò chuyện này, mời quý vị độc giả theo dõi.

Hiệp định Geneva là thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Thưa ông Võ Văn Sung, 55 năm đã trôi qua, từ ngày Hiệp định Geneva được ký kết, nhiều người có mong muốn tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc?

Đây là trang sử bi hùng của dân tộc! Bởi vì câu chuyện bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, mong ước hai năm sau có tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, nhưng hai năm đã biến thành 20 năm chờ đợi và tranh đấu. Bi kịch đó gắn vào từng gia đình Việt Nam cả trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng 20 năm là trang sử hào hùng nhất trong lịch sử xây dựng và giải phóng đất nước. 

Có người không hiểu, cho rằng Hiệp định Geneva là văn bản được ký kết để chia cắt đất nước Việt Nam. Để hiểu đúng, trước hết không thể tách rời bản Hiệp định với những việc khác. Nếu nhìn tổng thể cả Hội nghị Geneva và bối cảnh thời đó, thì Hiệp định là một thắng lợi của chúng ta về quân sự, chính trị và ngoại giao.

Cụ thể trong các văn kiện đã ký có 3 văn kiện quan trọng nhất là:

1. Hiệp định quân sự chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, ký giữa Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương (*). Đó là về quân sự.

2. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khẳng định đây là Hiệp định mà Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của cả ba nước Đông Dương. Theo đó, năm 1955 Campuchia và Lào sẽ tổ chức tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chính phủ được bầu ra là chính phủ của nước Campuchia độc lập và nước Lào độc lập.

Riêng với Việt Nam, là một nước được công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong lúc chờ tổng tuyển cử, tạm thời chia làm hai miền. Quy định ghi rõ ràng, tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào 20/7/1956. Trong đó có một nội dung rất quan trọng: giới tuyến quân sự không được xem là biên giới lãnh thổ hay quốc gia, mà chỉ có ý nghĩa tạm thời. Vì vậy không phải vì giới tuyến này mà hiểu nhầm rằng Hiệp định Geneva có tính chất chia cắt đất nước. Đây là một nội dung lớn quan trọng của Tuyên bố chính trị.

3. Trao đổi thư giữa thủ tướng Pierre Mendes-France và Phạm Văn Đồng về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam DCCH và CH Pháp. Trong đó nêu vấn đề quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước; về việc đặt cơ quan Tổng đại diện của Chính phủ CH Pháp tại Hà Nội và sau đó phía Pháp cử ông Sainteny sang làm Tổng đại diện.

Với những gì đạt được trên bàn đàm phán, Hiệp định Geneva cũng mở ra cho chúng ta thêm một khả năng thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình thông qua tổng tuyển cử. Lãnh đạo ta biết khả năng này không lớn, bởi vì đứng sau lưng Pháp là Mỹ sẵn sàng nhảy vào Đông Dương thế chỗ. 

Mỹ không chịu ký bản Hiệp định và ngay sau khi các bên khác ký kết, Tổng thống Mỹ Eisenhower lúc bấy giờ tuyên bố rằng nếu tổng tuyển cử thì ít nhất có 80% nhân dân Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh, có nghĩa là Mỹ không muốn có tổng tuyển cử. Vì vậy đồng chí Lê Duẩn đã ở lại miền Nam để nghiên cứu đường lối giải phóng miền Nam một khi tổng tuyển cử không thành.

Hiệp định Geneva đã đánh dấu một nửa nước được thống nhất, có thời cơ hoà bình xây dựng. Nhờ vậy, miền Bắc được củng cố để làm hậu phương lớn vững chắc chuẩn bị cho khả năng phải tiếp tục chiến đấu lâu dài giải phóng miền Nam, vì hậu phương là yếu tố thường xuyên quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiếp theo đã khẳng định điều đó.

Với kết quả như vậy, một lần nữa tôi khẳng định Hiệp định Geneva là một thắng lợi bước đầu của dân tộc ta lúc bấy giờ.

Vâng, mục tiêu của chúng ta là thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng Hiệp định Geneva chỉ giúp chúng ta giành được một nửa đất nước. Điều mà chúng tôi- những người thuộc thế hệ ngày nay, cứ thắc mắc mãi là: Với những gì đã đạt được ở Điện Biên Phủ, lẽ ra thắng lợi của chúng ta trên bàn đàm phán phải to lớn hơn rất nhiều?

Trong văn kiện quân sự, trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva, tất cả đều khẳng định: nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta muốn thống nhất đất nước sau hai năm, vậy mà kéo dài tới 20 năm.

Để trả lời câu hỏi trên, nhìn lại 55 năm qua, chúng ta hãy tự hỏi lại rằng, sức ta khi đó có thể làm được đến đâu? Trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt kéo dài, chúng ta có thể nói rằng vào thời điểm ký Hiệp định Geneva quả thật sức ta khi đó không thể làm hơn được nữa.

Tôi nhớ, trong một hội nghị, Bác Hồ đã phê phán có nhiều người chủ quan, nghĩ rằng ta đang thắng ở Điện Biên Phủ, thì ta có thể đánh tuốt luôn. Những người đó chỉ thấy thực dân Pháp, mà không thấy sau lưng Pháp là Mỹ. Nếu đánh Pháp tiếp thì ta có thể, nhưng nếu Mỹ - Pháp cùng hợp tác thì sức ta không đánh tiếp được. Pháp chịu thua Việt Minh, nhưng vẫn hy vọng giữ miền Nam. Khi đó, Mỹ cũng đã chuẩn bị điều kiện để nhảy vào cuộc.

Do vậy, ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Geneva không thuần tuý là ta làm chủ được bao nhiêu phần lãnh thổ. Điều quan trọng hơn là Hiệp định ký kết không dừng lại ở những gì chúng ta đạt được, mà nó tạo tiền đề cho chúng ta chuẩn bị bước tiếp lên chặng đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng.

“Không có gì cao hơn lợi ích dân tộc”

Nếu đằng sau Pháp là Mỹ thì đằng sau chúng ta cũng có những người bạn lớn. Một trong số những người bạn của chúng ta còn thuộc nhóm Tứ-cường kia mà?

Tất nhiên, chúng ta có chính nghĩa nên xét về đạo lý thì các đồng minh của ta là Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ phải ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta, coi đó là nghĩa vụ không thể thoái thác. Mà thật sự các bạn cũng đã giúp chúng ta rất nhiều. Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng, mỗi nước có cái chung nhưng mỗi nước bao giờ cũng có vị trí riêng, có lợi ích riêng nên việc giúp đỡ chúng ta còn phụ thuộc vào lợi ích riêng của từng nước.

Trong giai đoạn đó, các bên đều có nhu cầu ổn định hoà bình, đều mong muốn xây dựng đất nước. Chẳng hạn, Trung Quốc muốn có hòa bình ở Đông Dương, nhưng phải là một nền hòa bình có lợi nhất đối với lợi ích quốc gia của họ, vừa tạo được một khu đệm ở Đông Dương với nhiều vùng lãnh thổ riêng biệt và tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ, vừa ngăn chặn bất cứ nước nào có thể tạo lập ảnh hưởng ở khu vực này.

Trung Quốc muốn trở thành nước lớn thứ 5, nên muốn nhân dịp này chen vai thích cánh với Tứ-cường. Vì vậy, trong vấn đề Triều Tiên, do "kháng Mỹ, viện Triều" mà Trung Quốc có tiếng nói với Bắc Triều Tiên. Trong vấn đề Việt Nam, Trung Quốc có giúp Việt Nam, nhưng cuộc kháng chiến là do nhân dân Việt Nam tự tiến hành. Làm thế nào để tham gia và có vai trò góp phần thúc đẩy Việt Nam đi đến một giải pháp?

Liên Xô cũng muốn hoà hoãn với Mỹ và tất cả các nước phương Tây, trong đó tăng cường quan hệ với Pháp, nhằm tranh thủ Pháp trong các vấn đề ở châu Âu, vốn là một ưu tiên của nước này vào thời điểm đó.

Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị Geneva nhóm họp do sáng kiến và yêu cầu của các nước lớn nhằm thảo luận và tìm giải pháp cho hai cuộc chiến tranh nóng là chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Vì vậy sau trận Điện Biên Phủ, nếu ta tiếp tục đánh tới thì cả Liên Xô và Trung Quốc sẽ không giúp ta nữa.

Xuất phát từ những tính toán chiến lược như vậy, trong đàm phán về giải pháp cho Việt Nam và Đông Dương, Liên Xô và Trung Quốc một mặt đấu tranh bảo vệ lợi ích của ta, mặt khác có những thỏa hiệp và đồng thời thúc đẩy chúng ta nhân nhượng, nhằm đưa Hội nghị đạt đến kết quả họ mong muốn. Chắc chắn chúng ta mong đạt được nhiều hơn, nhưng ta phải biết nắm cơ hội và biết điểm dừng.

Vậy với những gì đã diễn ra trong lịch sử, thưa ông, khi đàm phán Hiệp định Geneva, chìa khóa của vấn đề Việt Nam nằm ở đâu?

Trong thời kỳ Hội nghị Paris, cũng có người đặt câu hỏi tương tự như trên, và tôi đã giải thích cho người ta hiểu, thực chất là chìa khóa phải nằm ở Hà Nội. Bác Hồ, rồi thông qua bài học Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris đều dạy cho chúng ta một điều là chúng ta phải làm chủ sự nghiệp và vận mệnh của mình.

Có vẻ như một số học giả đã đúng khi cho rằng, một số người bạn lớn đã vì lợi ích dân tộc của họ để ép Việt Nam phải nhân nhượng nhiều! Phải chăng đó là giới hạn của chủ nghĩa quốc tế vô sản lúc bấy giờ?

Không nên ảo tưởng vào cái gì cao hơn lợi ích của dân tộc, trừ lợi ích duy nhất mang tính trách nhiệm của toàn nhân loại, như là một nền hòa bình đích thực.

Trong quan hệ giữa các quốc gia, ai cũng vậy, giúp người khác cũng vì lợi ích của chính mình. Không có cái gì là cho không, biếu không. 

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh

Quả là một bài học thấm thía. Một bài học lớn về bang giao!

Chúng ta thường nghe nói chính nghĩa là tất thắng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Lịch sử nước ta và cả thế giới không thiếu những ví dụ khi chính nghĩa phải chờ đợi. Vì vậy tôi muốn nói thêm rằng chúng ta phải biết tạo điều kiện để chính nghĩa thắng lợi. Trong hoàn cảnh Việt Nam, điều kiện để chính nghĩa toàn thắng chính là phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, trong đó có phương pháp ngoại giao. Cái mà tôi tâm đắc qua Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris sau này là bài học về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

Ông có thể mô tả thế nào về trường phái ngoại giao của Hồ Chí Minh?

Bài học thứ nhất, vì nước ta là nước nhỏ phải đương đầu với các đế quốc hùng mạnh nhất, mà chỉ đem sức quân sự ra đấu thì không thể thắng nổi. Vì thế chúng ta phải dùng sức tổng hợp, tất cả gắn kết với nhau, quân sự - chính trị - ngoại giao. 

Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu, nhưng không thấy có nước nào vừa đánh - vừa đàm như ở nước ta. Kết hợp quân sự - ngoại giao, lấy quả đấm quân sự đi đôi với đàm phán ngoại giao, vận động chính trường quốc tế, động viên nhân dân bạn bè trên thế giới, tất sẽ dẫn đến thắng lợi. Đó là nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ. Thành quả lịch sử trong cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân ta là một trận Điện Biên Phủ trên mặt đất đưa đến Hiệp định Geneva tại bàn đàm phán và một trận Điện Biên Phủ trên không đưa đến Hiệp định Paris. Tôi gọi đó là sự trùng hợp kỳ tác lịch sử, có một không hai trên thế giới, là thể hiện chói lọi của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thứ hai, bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bác Hồ nghĩ ra cách sáng tạo trong ngoại giao, với cách làm của người biết lượng sức mình, lượng sức người. Đi bước nào chắc bước ấy. Bước trước chuẩn bị điều kiện cho bước sau. Đi từ thắng lợi từng bước đến thắng lợi hoàn toàn.

Thứ ba, Bác Hồ luôn nhắc nhở đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, tạo sức mạnh cho dân tộc. Lấy sức mạnh đó để làm nên sự nghiệp lớn. Hơn nữa trong thời đại ngày nay để đối mặt với thực tế và giành thắng lợi trong đấu tranh và xây dựng, chúng ta phải gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bằng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thứ tư, Hội nghị Geneva dạy cho chúng ta một bài học là “bạn có lợi ích của bạn”. Ta phải hiểu điều đó để luôn chủ động. Có khi đối với hai người bạn của ta, nhưng lợi ích của bạn này với bạn kia khác nhau. Vậy thì ta có thể dùng lợi ích bạn này để thuyết phục bạn kia. Nhưng có một điều phải khẳng định, bạn có lợi ích và vị trí riêng của bạn, có thể khác nhau và khác ta. Phải hiểu điều đó một cách tỉnh táo. Đó là quy luật cuộc sống, không nên vì tình cảm nhất thời, dẫn đến chủ trương hành động thái quá, gây nên chuyện không tốt. Người hiểu biết thì đại sự biến thành trung sự, trung sự biến thành tiểu sự, tiểu sự biến thành vô sự.

Và một bài học lớn là ta phải biết độc lập-tự chủ, quyết định cuối cùng phải là của chúng ta. Chúng ta phải tự quyết định số phận của mình, không được phó thác cho bất kỳ ai khác.

Vậy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong Hiệp định Geneva đã được vận dụng ra sao?

Trong Hiệp định Geneva, cái “bất biến” là Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris sau này. Còn “vạn biến” là trong lúc chưa thực hiện được mục tiêu đầy đủ, có thể nghĩ ra hàng vạn cách, kể cả để một nửa nước tạm thời chưa được giải phóng, rồi từng bước, từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp ngoại giao, trong trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

Và trong bối cảnh khu vực đang có nhiều tranh cãi như hiện nay, theo ông "ứng vạn biến" phải nên thực hiện như thế nào để chúng ta có thể bảo vệ tốt nhất độc lập, chủ quyền lãnh thổ?

Thứ nhất, phải biết chung sống hòa bình. Còn cách làm thế nào thì tùy từng ngày, từng tháng, từng năm, tùy từng động thái. Cơ bản là chung sống hòa bình. Ta không thể bê họ đi chỗ khác, cũng không thể chạy đi chỗ khác ở. Do vậy chung sống hòa bình là thượng sách.

Thứ hai, chúng ta phải có thêm bạn, thêm người ủng hộ trên thế giới.

Thứ ba, phải áp dụng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh.

Xin trân trọng cám ơn nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung đã dành thời gian trò chuyện với Tuần Việt Nam.

Thu Hà – Linh Thuỷ (thực hiện)

(*) Gọi tắt là Hiệp định đình chiến, ký giữa hai người thay mặt Tổng tư lệnh quân đội hai bên là Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ cộng hoà Tạ Quang Bửu và Thiếu tướng Pháp Delteil.