Lịch sử có những khúc quanh định mệnh được tạo ra bởi góc nhìn của một triều đại. Lần lại lịch sử, chúng ta có thể thấy vận hội nước Nam đã nhiều lần bị lỡ cơ hội vươn lên. Rõ nhất là bối cảnh các nước châu Á vào thế kỷ 19 đang bị các nước công nghiệp phương Tây tràn tới.

Đã có những người tài, cấp tiến. Nguyễn Trường Tộ là một người Việt như vậy. Ông cảm nhận được thách thức của thời đại và nguy cơ mất nước bởi cơn sóng thực dân: “Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời, mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân đến, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ”. Ông đã viết nhiều bản điều trần cho Vua Tự Đức đề nghị canh tân đất nước. Nhưng Vua Tự Đức không nghe ông. Với chủ trương “bế quan tỏa cảng”, nhà Nguyễn đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Ở Nhật Bản cùng thời điểm, cũng có một… Nguyễn Trường Tộ thứ hai, nhưng được triều đình Nhật tin dùng. Đó là ông Fukuzawa Yukichi, điển hình cho phái học thuật chủ trương cách tân “tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây" (thuyết Thoát Á luận). Vì thế, nước Nhật phải mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của phương Tây để canh tân đất nước. Hoàng đế Nhật Bản nghe ông, nước Nhật thực thi cải cách mà ngày nay các học giả gọi là công cuộc “Minh Trị Duy Tân”, làm nên sự “thần kỳ Nhật Bản”. 

{keywords}
Lịch sử nhắc ta đón vận hội. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Trong dòng chảy lịch sử nước ta, đã có những lần người Việt vượt lên thách thức của thời cuộc mà tồn tại và phát triển. Đó là vào năm 1558 dưới triều Vua Lê Anh Tông, thực quyền nằm trong tay chúa Trịnh. Nguyễn Hoàng bị dồn vào thế bị Chúa Trịnh hãm hại. Nhờ có Trạng Trình khuyên câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà ông vượt đèo Ngang vào trấn thủ Thuận Hóa, mở mang con đường Nam Tiến cho nước Việt. Trước thử thách cam go của vùng đất mới vốn được mệnh danh là “Ô Châu ác địa”, các chúa Nguyễn đã có chính sách mở cửa khá thoáng, khai thông ngoại thương với nước ngoài mà phát triển kinh tế mạnh mẽ, để lại một Hội An thương cảng và ngày nay là di sản thế giới.

Đến Hội An hôm nay, du khách còn thấy nhiều di sản của thương nhân Nhật Bản như Chùa Cầu, mộ người Nhật, công trình kiến trúc, các thương điếm của người Hoa. Bằng chứng của việc Chúa Nguyễn chủ động mở cửa giao thương là bức Quốc thư có niên hiệu Quang Hưng thứ 14 (1591) của chính Chúa Nguyễn Hoàng gửi chính quyền Hideyoshi, Nhật Bản trao đổi về việc giao thương hay bức Quốc Thư của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi Mạc Phủ Tokugawa, Nhật Bản trao đổi buôn bán có niên hiệu Hoằng Định thứ 11 (1610). Trong di sản nghệ thuật Nhật Bản còn giữ được một bức tranh có tên là Giao Chỉ Quốc mậu dịch hải đồ của Mạc Phủ Tokugawa tả cảnh thuyền buôn Châu Ấn của Nhật cập cảng Hội An thế kỷ 17. Người ta còn thấy cảnh thuyền có khá nhiều mái chèo, thuyền buồm no gió chở những kiện hàng to lớn, lầu cao dựng bên bờ biển để quan sát cả một vùng biển mênh mông, cảnh người nông phu mải cày bằng trâu, người cưỡi voi.

Những thách thức và cơ hội nhiều khi đến từ biển. Vốn từ xa xưa, Biển Đông đã là nơi có những luồng giao lưu buôn bán tấp nập trên tuyến biển Đông -Tây. Từ con đường trống đồng Đông Sơn lan tỏa đi khắp Đông - Nam Á, con đường giao lưu đồ trang sức, vàng bạc qua trung tâm Óc Eo của nước Phù Nam (đồng bằng sông Cửu Long ngày nay), con đường gia vị qua các cảng thị miền trung Việt Nam đã là những đường biển nổi tiếng.

 

Vậy là, trong cái rủi lại có cái may, trong thế phải vượt đèo Ngang để sinh tồn, Nguyễn Hoàng đã vượt qua thách thức mà vươn lên “từ thuở mang gươm đi mở cõi” tạo nên sức mạnh nhờ ngoại thương, từ đó gây dựng nhà Nguyễn với chín chúa, mười ba vua và bờ cõi nước Việt trải dài đến mũi Cà Mau như ngày hôm nay.

Cùng lúc các chúa Nguyễn mở cửa ngoại thương ở “đàng trong”, thì ở “đàng ngoài”, Vua Lê và Chúa Trịnh cũng mở cửa buôn bán với các nước và có nhiều cải cách xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại dưới triều Vua Lê Thần Tông, việc thi cử được chấn hưng, người tài được sử dụng: các cuộc thi đình được tổ chức liên tiếp vào các năm 1623, 1628, 1631, 1634, 1637 và 1643 đã chọn được nhiều tiến sĩ giỏi giang, điển hình như Giang Văn Minh là một nhà ngoại giao xuất sắc.

Vào thời Vua Lê Thần Tông trị vì, việc buôn bán với nước ngoài được đẩy mạnh. Chính sử nước ta và nhật ký của các tàu buôn nước ngoài còn chép lại cảnh buôn bán tấp nập, hình thành các thương điếm ở Kẻ Chợ Thăng Long hay Phố Hiến, Hưng Yên. Người nước ngoài đến đây buôn bán nhiều, trong đó có khá đông người Hà Lan. Cái thời hoạt động ngoại thương để lại câu tục ngữ “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” chính là nói về các đô thị sầm uất, trên bến dưới thuyền này. Tàu buôn nước ngoài từ biển ngược dòng sông Hồng đã mang đến nhiều hàng hóa phương xa tạo nên sự hưng thịnh về kinh tế, góp phần giúp nước ta giữ vững được chủ quyền trước nhà Minh, nhà Thanh.

Cũng nhờ mở cửa giao thương với nước ngoài mà Vua Lê Thần Tông có mối nhân duyên với một cô gái người Hà Lan tên là Orona, con một nhà buôn đến làm ăn ở nước ta. Đấy chính là một trong sáu hoàng hậu và phi tần của Vua. Ngày nay tượng bà vẫn còn được thờ ở chùa Mật tại thành phố Thanh Hóa.

Trong lịch sử nước ta, không ít lần đất nước có nhiều cơ hội kèm theo thách thức, nhất là sự chọn lựa giao thương với bên ngoài. Từ thời Lý - Trần, Đại Việt sử ký toàn thư còn chép lại thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) đã là nơi Vua Lý Anh Tông cho phép tàu buôn của Thái-lan và Indonesia cổ đại vào buôn bán (1149). Vào thời Vua Trần Anh Tông, thuyền buôn Thái-lan cũng dâng lên triều đình vải liễn la và nhiều đồ quý (1305). Đến năm 1360, thuyền Thái-lan cũng lại cập bến hải cảng Vân Đồn. Vân Đồn thật sự đã là “đặc khu kinh tế” từ thời bấy giờ, giúp cho nước Đại Việt ta thêm phần hùng mạnh.

Nước ta có đến hơn 3.200 km đường bờ biển, tiềm lực và vận hội có nhiều mà vẫn chưa được khai thác đúng tầm, nhưng thách thức cũng rất lớn. Đi khai quật hải cảng Vân Đồn xưa, thấy tầng văn hóa dày đến hàng mét, chứng kiến một thời sầm uất bán buôn. Người Việt từng hướng biển từ rất sớm. Nắm lấy vận hội, biển sẽ giúp Việt Nam cất cánh vươn lên. Xưa cũng vậy, mà nay cũng thế.

PGS, TS Trịnh Sinh/ theo Thời nay số Xuân Mậu Tuất