Có lẽ chưa bao giờ những vấn đề cấp phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn lại nổi sóng gió như giai đoạn vừa qua. Dư luận bất bình trong sự hài hước về những trái khoáy đến ngây ngô trong cách làm của những vị có trách nhiệm cấp phép. Như một trò đùa, sự bỡn cợt bi hài hay vô lý đến độ bỏ qua những chuẩn mực thông thường của hành xử pháp lý.

Thì đấy đỉnh điểm là cái “Danh mục phổ biến các ca khúc trước năm 1975” gồm hơn 300 bài hát nhạc đỏ được cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công bố trên website của họ trong đó có bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Điêu kỳ lạ ở chi tiết đây là Quốc ca Việt Nam.

Đỉnh điểm sóng gió chính ở cái danh mục chẳng giống ai này. Không chỉ “Tiến quân ca”, nhiều ca khúc nhạc đỏ nổi tiếng đã lan tỏa sức sống bền lâu trong chiến tranh, trong hòa bình với thời gian nhiều chục năm cũng nằm trong danh sách đó. Dù đã được thanh minh đây chỉ là cập nhật danh sách những ca khúc đã được cấp phép thì công luận vẫn không ngừng lên tiếng và dư luận dậy sóng. Thứ trưởng bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái trong văn bản yêu cầu cục NTBD chấn chỉnh rút kinh nghiệm công tác cấp phép lý giải danh mục kia đã gây hiểu lầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng.

{keywords}

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Ảnh: Cục nghệ thuật biểu diễn

Xin thưa dư luận không hề hiểu lầm bởi cái “Danh mục phổ biến các ca khúc trước năm 1975” mang chính nội dung cấp phép phổ biến. Không phải ngẫu nhiên mà phó thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam đã phải chỉ đạo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chấn chỉnh năng lực quản lý của cục NTBD (văn bản số 5191/VPCP-KGVX do phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Tùng ký).

Lần ngược trở lại câu chuyện cấp phép gây sóng gió dư luận này. Tính từ quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22/3/2017 của cục NTBD về việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến trước đó (“Cánh thiệp đầu xuân” tác giả Lê Dinh-Minh Kỳ, “Rừng xưa” tác giả Lam Phương, “Chuyện buồn ngày xuân” tác giả Lam Phương, “Con đường xưa em đi” tác giả Châu Kỳ- Hồ Đình Phương và “Đừng gọi anh bằng chú” của nhạc sĩ Anh Thy nhưng được đề tên tác giả Diên An) với những lý do thiếu thuyết phục. Quyết định dừng lưu hành này gây ra những bình phẩm và phản ứng quyết liệt của công luận.

Từ quyết định gây tranh cãi đó lại phát hiện ra sự bất ngờ lớn bởi bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không có trong danh mục được phổ biến sau gần 50 năm ra đời và lưu hành một cách trọng thị và sâu sắc trong đời sống. “Nối vòng tay lớn” cùng một số ca khúc khác không có trong danh sách bị lâm vào số phận muốn được biểu diễn bắt buộc phải xin phép. Hiển nhiên dư luận không chấp nhận và sự việc được đẩy lên cao đến mức lãnh đạo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phải ra văn bản yêu cầu cục NTBD phải tổ chức kiểm điểm đối với tập thể cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát trước năm 1975. Sau đó như một sự bất khả kháng, cục NTBD phải ra quyết định số 39/QĐ-NTBD thu hồi lại quyết định 20/QĐ-NTBD.

{keywords}

Những tưởng đến đây thì cục NTBD đã phải rút ra được những kinh nghiệm xương máu về việc cấp phép để tránh được sự phản ứng của dư luận thì thật đáng khó hiểu vào trung tuần tháng 5/2017 Cục này tiếp tục gây sóng gió bằng những công bố cho phép biểu diễn với một số ca khúc đang lưu hành một cách rộng rãi mà điển hình là ca khúc nổi tiếng  40 năm nay“Còn thương rau đắng mọc sau hè” của cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Và tiếp đó như chúng ta đã biết chính là cái danh sách gây ồn ào có bài “Tiến quân ca” bất hủ kia đã gây ra những hệ lụy không chỉ cho người trong cuộc. Vì sao lại thế?

Không khó hiểu khi cục NTBD nắm quyền cấp phép trong nhiều lĩnh vực. Một người đẹp muốn tham dự một cuộc thi quốc tế nếu không được cục này cấp phép hiển nhiên pháp nhân của người đẹp đó không được công nhận bất chấp quy chuẩn cuộc thi kia thế nào. Không nói những cuộc thi lớn trong phạm vi quản lý về văn hóa, thể thao và du lịch chỉ trong những biểu diễn nghệ thuật thuần túy thì ảnh hưởng của của cục BDNT cũng là sự bao trùm lớn. Quyền cấp phép như một sự độc quyền có lẽ đã làm những người có trách nhiệm ở đây không cần rút ra những kinh nghiệm thiết thực để tiếp tục gây ra những sai sót đáng tiếc trong việc cấp phép biểu diễn.

Vẫn biết Nghị định 15 (Số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) thì các sở Văn hóa, thể thao và du lịch có thể chủ động cấp phép cho các ca khúc theo quy chế 32 và quy chế 47 về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng quyền lực trong lĩnh vực cấp phép vẫn là quá lớn đối với cục NTBD. Chính vì cái quyền này trong khi đội ngũ cán bộ quản lý hoặc năng lực yếu, hoặc cửa quyền đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ làm ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc nước nhà và làm mất uy tín cơ quan công quyền.

Cần những rà soát kịp thời từ hệ thống văn bản pháp quy để thay đổi loại trừ những bất cập và những chấn chỉnh cần thiết ở cục NTBD nhằm tránh những sự việc đáng tiếc trong lĩnh vực cấp phép trong tương lại.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến