Mở rộng hạn điền là một chủ trương đúng hướng nhằm khơi thông con đường lúa gạo Việt Nam. Nhưng cần đưa vào luật “cấm” tích tụ đất để phát canh thu tô, hoặc đầu cơ mua đất bảo toàn vốn.
Hôm 15/3/2017, tại Long Xuyên, An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một hội nghị bàn cách tháo gỡ cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Ông nhấn mạnh tới việc phải sửa đổi thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết để áp dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo.
“Cấm” phát canh thu tô
Cốt lõi vấn đề cần tháo gỡ được Thủ tướng gợi ý thuộc phạm trù thể chế. Đó là chuyện nới rộng hạn điền, tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đầu tư khoa học công nghệ, tầm nhìn lãnh đạo.
Hạn điền, hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp và “quyền tài sản” về đất là “cốt lõi” của Luật Đất đai, được đặt ra từ lâu rồi và nay nó vẫn còn nguyên tính thời sự. Tuy về thực chất không gây khó cho sản xuất và chuyển dịch quyền sử dụng đất, nhưng về mặt pháp lý, tâm lý, tác động mạnh vào nông dân, doanh nhân và sản xuất - thị trường không nhỏ.
Ở An Giang có điển hình sản xuất lớn, qui mô hàng trăm héc-ta như Tập đoàn Lộc Trời, Nhà nông Sáu Đức. Họ sản xuất lúa hàng hóa chỉ có “đầu vào” và “đầu ra mặc dù có đội ngũ cán bộ kỹ thuật hùng hậu và tuân thủ nguyên tắc “ba cùng”, nhưng các tập đoàn này đều không là chủ của sản phẩm.
Hạn điền, hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp và "quyền tài sản" về đất là cốt lõi của Luật Đất đai được đặt ra từ rất lâu rồi và nay nó vẫn còn nguyên tính thời sự. Ảnh minh họa: SGGP. |
Những hợp tác kiểu này đã được cuộc sống kiểm nghiệm và đều chưa thành công do hợp tác với nông dân lỏng lẻo.
Trang trại Sáu Đức thực chất là doanh nghiệp, có cả trăm héc-ta, nhưng “gặp hên” mượn thân nhân đứng tên dùm. Về tâm lý mà nói, cứ hồi hộp sợ bị “tranh chấp tài sản” thì làm sao ổn định tâm lý, yên tâm đầu tư hạ tầng - khoa học - công nghệ, ổn định sản xuất?
Do đó hình thức tích tụ đất như công ty Sáu Đức cần phải được pháp luật bảo vệ bằng qui định “nới hạn điền”, “nới thời hạn sử dụng” và minh bạch quyền thừa kế.
Bài học được rút ra từ thực tiễn cuộc sống là cần cho phép (thành luật) để các tập đoàn này có thể tập trung đất dưới hình thức thuê trung – dài hạn với nông dân, không được ép dân bán đất hoặc góp đất qui ra giá trị vốn (cổ phần) vào tập đoàn (hoặc HTX). Vì khi không còn đất, hoặc khi tập đoàn hoặc HTX vì lý do nào đó không còn, nông dân khi đó cũng mất điểm tựa nếu phải quay về.
Cần đưa vào luật “cấm” tích tụ đất để phát canh thu tô, hoặc đầu cơ mua đất bảo toàn vốn. Chỉ cho phép đất “trong hạn điền” của nông dân cho thuê kiếm sống, còn trên 3 ha cho thuê đều phải thu thuế lũy tiến toàn phần thu nhập cá nhân. Như vậy ta chưa động vào “quyền sở hữu đất” thì việc “sửa” này có thể làm nhanh bằng một văn bản pháp qui như “dò thử” là được. Vì chờ theo “qui trình làm luật” e sẽ quá lâu!
“Tầm nhìn” về chuyện lúa gạo
Hiệp hội Lương thực (VFA) ra đời và tồn tại do hồi đó nhu cầu quốc doanh độc quyền lúa gạo. Tổ chức này có nhiệm vụ lịch sử cụ thể, trong đó có tính “đối tác quốc tế”, nay ở ta quản lý kinh tế vĩ mô đã thay bằng kinh tế thị trường.
Nhìn lại ta sẽ thấy, “tư nhân lúa gạo” hiện nay phần nhiều đều có nguồn gốc từ quốc doanh mà ra, kể cả kinh nghiệm và nhất là vốn.
Rồi nhìn sang láng giềng, các doanh nhân Campuchia, tuy mới nhưng từ ngay khi “sinh ra” họ đã cọ sát thị trường cạnh tranh, hội nhập tự do nên trưởng thành nhanh chóng. Philippine, Malaysia... cũng đã chuyển sang áp dụng đấu thầu công khai, chống doanh nghiệp “đi đêm” trước đấu thầu lúa gạo từ lâu rồi.
Rõ ràng, không thể tiếp tục duy trì “sản lượng lúa năm sau phải cao hơn năm trước”, “mất vụ hai bù bằng vụ 3”, “phải bảo đam an ninh lương thực thế giới” để khủng hoảng thừa hàng triệu tấn gạo như vừa qua mà thua thiệt do nông dân chịu. Nếu cứ chạy theo năng suất, sản lượng thì gạo sẽ không ngon trong khi tiêu chuẩn sống hiện nay người ta hướng tới sản phẩm sạch, chất lượng.
Thủ tướng vừa rồi đã nói ra một thực tế, “mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”. Bởi vậy, ông chỉ đạo, “ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện”.
Mà để có thể kiến tạo toàn diện như yêu cầu của Thủ tướng, điều trước nhất, chúng ta cần là bắt đầu gỡ những nút thắt ở chuyện “nới diện tích”, “giữ sản lượng theo cung cầu”, “sửa cơ chế” xuất khẩu gạo không theo NĐ109 và gắn vấn đề đầu tư khoa học - công nghệ theo cơ chế thị trường, bỏ cách “chia vốn xóa nghèo cán bộ khoa học”.
Khi nghe Thủ tướng nhấn mạnh “tầm nhìn” về vấn đề lúa gạo, tôi hiểu, ông nói tầm nhìn là nói con người. Có lẽ trong bối cảnh một thế hệ doanh nhân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà chưa thấy rõ lực lượng thừa kế nên Thủ tướng phải rốt ráo làm mọi cách để “doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp”.
Cùng với việc chính phủ tập trung quản lý hành chính thay vì quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính sẽ là những con đường đúng để có thể tháo gỡ triệt để các nút thắt nhằm khơi thông lại cho con đường lúa gạo Việt Nam.
Nguyễn Minh Nhị