Khi ‘bầu sữa’ bị vắt kiệt

"Muốn có sữa để vắt thì phải chăm bò chứ!”, ông Chung Thành Tiến, giám đốc một doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán trầm ngâm khi nhắc đến nỗi niềm của doanh nghiệp. Lần nào gặp tôi, ông cũng nhắc lại câu ấy. Hàng chục năm làm dịch vụ kế toán, ông thấm thía được sự thành bại của doanh nghiệp mỏng manh dường nào trước “phán quyết” của một vài cán bộ nhà nước.

{keywords}
Để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, cần môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Ông Tiến đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp làm ăn tử tế, phát triển mạnh mẽ, nhưng có lúc bị dồn vào đường cùng bởi quyết định hành chính sai.

Di chuột tìm lại các hồ sơ dài dằng dặc, ông kể về câu chuyện của một doanh nghiệp ở Bình Dương: Năm 2011, Công ty T.T bán một lô đất, có xuất hóa đơn cho khách hàng. Nhưng sai sót của doanh nghiệp là không khai báo thuế. Năm 2018, doanh nghiệp phát hiện ra, lên khai với cơ quan thuế và nộp tiền thuế bị truy thu. Nhưng doanh nghiệp nhất định không chịu nộp tiền phạt chậm nộp vì họ cho rằng đã quá thời hiệu. Cục Thuế vào thanh tra, ra quyết định xử phạt. Cùng thời gian đó, Chi cục Thuế ra văn bản thu hồi hóa đơn của doanh nghiệp, đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản.

Sau khi Cục Thuế tỉnh thanh tra xong, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, doanh nghiệp đành chọn con đường khởi kiện Cục trưởng Cục Thuế ra tòa. Tháng 8/2019, tòa xử doanh nghiệp thắng kiện.

Cả năm trời phải tạm dừng hoạt động để tìm công lý, doanh nghiệp ấy giờ đây sức cũng mỏi mệt. Công lý được đòi lại, nhưng tổn thất doanh nghiệp chịu không dễ gì lấy lại.

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ít ngày trước, Thủ tướng khẳng định: “Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có bệnh thờ ơ trong việc phát triển này”.

Vô cùng ấn tượng với lời chia sẻ của Thủ tướng, một doanh nhân gọi cho tôi để cung cấp thông tin về trường hợp một doanh nghiệp mà ông được ủy quyền giải quyết vướng mắc.

Bỏ tiền đầu tư vào tỉnh nọ từ hơn chục năm nay, doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh cho ưu đãi thuế. Nhưng hơn 10 năm sau, cơ quan thuế vào thanh tra, nói rằng doanh nghiệp không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nữa, số tiền bị từ chối lên đến nhiều tỷ đồng. Doanh nghiệp kiến nghị lên tỉnh, tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, giải quyết. Trên cơ sở tham mưu của Sở, tỉnh liền ra văn bản “bác” việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Không đồng tình với kết quả đó, doanh nghiệp khiếu nại tiếp lên tỉnh và được thụ lý đơn. Tính đến hôm nay đã hơn 90 ngày kể từ thời điểm thụ lý đơn, 5 lần 7 lượt gõ cửa cơ quan nọ, ban ngành kia, doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết khiếu nại mặc dù theo Luật khiếu nại thì thời gian tối đa giải quyết đơn chỉ là 45 ngày.

Cho dù mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận sai, báo cáo tỉnh đề nghị thu hồi lại văn bản “bác” ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, nhưng quyết định cuối cùng của UBND tỉnh vẫn “im lìm”. Doanh nghiệp rối bời với cái án treo lơ lửng trên đầu.

Mới đây, ngày 22/12, có đến 27 nhà đầu tư làm điện mặt trời đã đồng ký tên, đóng dấu vào văn bản gửi Thủ tướng để phản ánh những vướng mắc của các dự án điện mặt trời đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong lá đơn chất đầy những ưu tư, họ không quên nhắc đến việc trình tự thủ tục đầu tư rườm rà, không nhất quán tại một số địa phương đã khiến tiến độ thực hiện một số dự án bị chậm trễ. Hậu quả là, nhiều doanh nghiệp nhìn mốc được hưởng giá điện ưu đãi (2.100 đồng/số với dự án vận hành trước tháng 7/2019) trôi qua với bao xót xa, tiếc nuối.

Giờ đây, khi đã bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để làm dự án, mà vẫn chưa có giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019, nhà đầu tư như ngồi trên lửa. Đau lòng, sốt ruột nhìn đống tài sản nằm đắp chiếu, họ đồng thanh kêu cứu để giá điện sớm được ban hành. Những tờ A4 chi chít con dấu và chữ ký, đỏ chót và nóng bỏng.

Cảnh báo môi trường đầu tư

Chuyện của những doanh nghiệp làm điện mặt trời, hay của doanh nghiệp đang bị “bác” ưu đãi thuế kể trên khá tương đồng với những nhận xét trong Báo cáo đánh giá về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây.

Tại báo cáo này, một vấn đề đáng quan ngại được chỉ ra, đó là khả năng dự đoán thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ luôn luôn/thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách, giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách, tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua.

“Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, báo cáo viết. Các doanh nghiệp lý giải, đó là do các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, doanh nghiệp cần những chính sách ổn định lâu dài, minh bạch, dễ dự báo, áp dụng nhất quán để yên tâm sản xuất kinh doanh.

Một con số khác, được VCCI đưa ra, đó là mặc dù có sự cải thiện, song việc phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính cũng là một vấn đề đáng quan ngại nữa đối với các doanh nghiệp khi chỉ có 57,5% doanh nghiệp cho biết họ không phải đi lại nhiều lần. Đặc biệt, đây lại là đánh giá bị giảm điểm so với năm 2016 khi có đến 63,3% doanh nghiệp có nhận định này.

“Nói cách khác, vấn đề bắt doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính lại đang có xu hướng thay đổi không tích cực”, đánh giá của VCCI gợi nhớ đến câu chuyện đội đơn khiếu nại của doanh nghiệp ở trên.

Một thước đo khác cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đó là kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2020 được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019: Việt Nam năm thứ hai liên tiếp tụt hạng. Dù Việt Nam có tăng điểm nhẹ nhưng mỗi năm vẫn bị tụt 1 bậc. Điều này cho thấy các nền kinh tế có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt hơn chúng ta. Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

Một vài câu chuyện kể trên cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh dù cải thiện ít nhiều song vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Sự thờ ơ, vô trách  nhiệm, bàng quan với sự sống còn của doanh nghiệp vẫn còn ở không ít cơ quan, ban ngành, ở không ít người có trách nhiệm.

Thay đổi được điều này, doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển được, góp sức đưa Việt Nam thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045.

Lương Bằng

Mơ lọt top đầu ASEAN, cố rất nhiều nhưng còn xa lắm

Mơ lọt top đầu ASEAN, cố rất nhiều nhưng còn xa lắm

Chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55) về cải cách môi trường kinh doanh. Muốn vào Top 4 ASEAN thì phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan.