- Tiếp tục phần trao đổi với Tuần Việt Nam nhân “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, tất cả vấn đề hiện nay là do chúng ta, do cơ cấu kinh tế chứ không phải do tác động của hội nhập.  

Kỳ 1Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Đến nay Trung Quốc đã phá giá hơn 4% giá trị đồng NDT so với đồng đô la, trong khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá có hơn 1% thôi, và dự kiến cũng không thể nới quá nhiều nữa. Rõ ràng hàng Việt Nam không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc? 

Như nói ở trên, tôi lo lắng về tác động đến tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không thể chạy đua được theo con đường này vì hoàn cảnh của mình khác. Mình mà gây xáo động vĩ mô lúc này thì rất bất lợi, mình đã có mấy bài học đau đớn rồi. Năm 2007 để CPI bùng lên, đến năm 2009 vọt lên 18% là bài học không ngọt ngào gì. 

Quan điểm của tôi là chia sẻ việc Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, nhưng giữ vững không có nghĩa là đông kết mà giữ vững phải linh hoạt. Mà Chính phủ cũng nói rõ điều này. Tôi tin Chính phủ đang theo dõi sát sao hệ thống ngân hàng. 

Tiềm lực của họ khác, của mình khác, ta có hơn 60 tỉ đô la dự trữ ăn thua gì, thành ra mình không thể làm như họ được đâu. 

Chính phủ nên tập trung vào những giải pháp nào để ổn định vĩ mô? Tiền tệ, cân đối thu chi, bán doanh nghiệp nhà nước...? 

Nếu tôi làm được thế tôi được giải thưởng Nobel rồi. Nhưng nhớ lại hồi chống lạm phát những năm 80, lúc đó chúng ta mất cân đối vĩ mô khủng khiếp lắm. Lúc đó chúng tôi  tranh luận rất dữ, làm sao giải quyết được lạm phát lên đến 780%. Có hai luồng quan điểm: một là phải đẩy sản xuất lên, đẩy tiêu dùng lên, đẩy xuất khẩu lên... Nhưng thường trong cuộc đời, đẩy lên thì khó lắm, dìm xuống thì dễ hơn nên phải xem chỗ nào dìm?

Có mấy cân đối: sản xuất – tiêu dùng; thu – chi ngân sách; tiền – hàng; xuất – nhập khẩu. Thay vì đẩy lên vế này: tăng thu, tăng sản xuất, tăng xuất khẩu,… rất khó khăn thì ta dìm nó xuống: dìm tiêu dùng xuống, dìm chi ngân sách xuống, dìm nhập khẩu xuống, và nhất là dìm cung tiền xuống. Lúc bấy giờ có người cực đoan nói là phải phá máy in tiền đi. Câu này của Lê Nin thôi chứ cũng không phải của ông ấy đâu. Cuối cùng cách này thành công. 4 tăng lúc đầu thì không thành công, 4 giảm thì thành công. Đó là bài học của những năm 80.

Bây giờ tình hình của mình oách hơn nhiều, ổn định hơn nhiều, nhưng xu hướng chung tôi nghĩ là phải dìm nó xuống. Chi ngân sách chúng ta còn quá cao, chi thường xuyên còn quá cao, dù bội chi đã dìm xuống còn trên 3% rồi, nhưng rõ ràng cũng chưa đạt mức cần thiết. Quan điểm của tôi là phải giảm chi tiêu đi và phải theo dõi rất chặt chẽ để điều hành vĩ mô. Với giá (đồng NDT) thế này thì nhập khẩu sẽ tăng lên. Làm sao chúng ta thay thế được nhập khẩu, tăng nguồn lực trong nước, mình nói mãi nhưng chưa làm được nhiều.

Văn kiện Đại hội 12 có điểm mới là khẳng định đi đôi với xuất khẩu phải chú trọng thị trường trong nước. Vậy mà mấy năm rồi vế thứ hai chưa có chuyển biến đáng kể. Nếu không dùng cơ hội này để đẩy thị trường trong nước lên thì cứ bị động mãi.   

{keywords}
 

Chúng ta vẫn tiếp tục hai FTA rất quan trọng là EVFTA và CPTPP trong bối cảnh thế giới đang co lại, đóng cửa. Quan điểm của ông về điều này như thế nào? 

Tôi là người dính dáng vào câu chuyện này khá sâu, từ những FTA đầu tiên và tôi cũng nói trước các nhà báo, là tôi cũng tự kiểm điểm, mình cũng chưa hiểu thấu đáo lắm và chưa dự báo được hết những tác động thuận và không thuận của nó. Đôi khi mình đặt kỳ vọng quá lớn, nhưng biến kỳ vọng thành tiền tươi thóc thật thì không làm đến nơi đến chốn và không biết cách để tự bảo vệ mình. Người ta có trăm nghìn thứ công cụ để tự vệ, ta chẳng có gì. Cái chính là mình.

EVFTA cũng là một niềm hi vọng, CPTPP cũng là một niềm hi vọng, nhưng tôi không có căn cứ gì để chắc chắn như đinh đóng cột là năm nay hay sang năm sẽ ký, hay nó sẽ đi vào đời sống kinh tế của Việt Nam hay Châu Âu. Hay CPTPP ký rồi, phê chuẩn nữa thôi, mà 60% (thành viên) phê chuẩn mới có hiệu lực thì vẫn phải chờ xem. Nhưng đừng xem nó như cái gì đó giúp giải quyết hết mọi vấn đề của mình. Còn chuyện nữa là chúng ta tận dụng thế nào từ hai FTA đó vì đã có 13 FTA rồi. Hơn nữa, nội lực của mình có vấn đề lắm. 

Chúng ta có nhiều vấn đề lắm, như thu thuế phải tăng thu nội địa lên vì không còn thuế xuất nhập khẩu. Đến nay thì thu nội địa lên tới 84% tổng thu, và còn phải tăng lên nữa, làm người dân kêu ca. Câu hỏi là Việt Nam có hội nhập quá lớn không với 16 FTA? 

Vấn đề là hội nhập quá lớn như thế ta thu được giá trị gia tăng bao nhiêu. Cái đó mới quyết định. Nếu hội nhập ít mà giá trị gia tăng thu về nhiều, thì khác với hội nhập sâu nhưng giá trị gia tăng thu về ít. Nguồn gốc câu chuyện là thế, không phải tận thu (thuế) theo kiểu vơ vét, mà thu được giá trị gia tăng cơ. Cái đó mới quyết định.

Theo tôi, không nên đổ hết cho hội nhập, mà chính là phải đổ hết cho mình đã không tận dụng hết được những cơ hội từ hội nhập. Vấn đề cơ bản nằm ở chỗ đó, chứ không phải hội nhập ít thì mình bảo vệ được mình đâu.

Theo tôi, cũng phải thông cảm với bên tài chính. (Lẽ ra) hội nhập đã thúc đẩy sản xuất lên thì nguồn thu nội địa tăng lên, nhưng khốn khổ ở chỗ, mình mở cửa thì phần nội địa ít, phần FDI hưởng nhiều, nên đâm ra cái vào túi mình không nhiều. Ta sửa là sửa chỗ đó, chứ không phải rút ra khỏi các FTA. Không thể có chuyện đó. Vấn đề là nên tận dụng các FTA như thế nào để tăng phần vào túi Việt Nam. Các chính sách phải xây dựng theo hướng đó. 

Liên quan đến “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung, liệu Việt Nam có trở thành nơi gia công hàng Trung Quốc để xuất khẩu ra bên ngoài? Đó có thể là nguy cơ không? 

Tôi không muốn dùng từ nguy cơ vì quá nặng nề. Trong thế giới tùy thuộc lẫn nhau thế này thì nước chảy chỗ trũng thôi, chỗ nào có lợi nhất thì người ta làm và mình cũng phải thế thôi. Chứ bây giờ cảnh giác đến mức đóng hết cửa là yên tâm nhất. Vấn đề là phải cảnh giác giữa cái được - cái mất. 

Còn bài đó là bài thường thấy. Chưa có “chiến tranh” thương mại người ta đã làm rồi. Nhật Bản cũng làm thế, Hàn Quốc cũng làm thế, mình nên nhìn nhận bình thường. Cuộc chơi quốc tế, người ta đều làm thế cả. Vấn đề là nước chủ nhà khôn đến chừng mực nào, khéo đến chừng mực nào để đừng gây hệ lụy cho mình và lấy lại mối lợi nhiều nhất có thể. Còn không ai ngồi im cả đâu, mà mình cũng không nên ngồi yên. 

Cám ơn ông Vũ Khoan đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Tư Giang

Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’

Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’

Cuộc chiến thương mại đã kích hoạt giữa Mỹ - Trung, hai thị trường thương mại lớn của hàng hóa Việt Nam. Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở phía trước?

Ông Vũ Khoan: "Tôi vẫn nhớ cảm giác bị cô lập và sức ép nặng nề”

Ông Vũ Khoan: "Tôi vẫn nhớ cảm giác bị cô lập và sức ép nặng nề”

"Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào.”

Việt Nam trong CPTPP: Đừng ngồi chờ Nhà nước giải thích

Việt Nam trong CPTPP: Đừng ngồi chờ Nhà nước giải thích

90% doanh nghiệp bày tỏ nhu cầu đầu tiên là cần hiểu cam kết trong hiệp định CPTPP hay TPP 11 là gì, song, Trưởng đoàn đàm phán khuyến cáo, đừng ngồi chờ Nhà nước giải thích.

Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’

Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’

CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...