- Được khuyến khích bởi cả Kissinger và Nixon, Tổng thống Thiệu đã tái khẳng định chính sách “4 không” ngay khi Hiệp định Paris được ký: Không thừa nhận kẻ thù, không có chính phủ liên minh dưới bất kỳ vỏ bọc nào, không trung lập hóa những người thân Cộng sản ở miền Nam Việt Nam, và không nhượng đất cho người Cộng sản.
LTS: 45 năm đã qua, kể từ ngày ký Hiệp định Paris, những chứng nhân lịch sử không còn bao nhiêu. Bản vẽ ký ức về Hiệp định Paris, vì thế, bắt đầu xuất hiện những chấm mờ, trong khi câu chuyện lịch sử này vẫn còn những ý kiến trái chiều, gây nhiều tranh cãi.
Chúng tôi đã liên hệ với giáo sư Ngô Vĩnh Long, đang giảng dạy tại khoa Lịch sử, đại học Main, Hoa Kỳ, một học giả lâu năm về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á và quan hệ châu Á - Mỹ. Năm 1964 ông Ngô Vĩnh Long từng tham gia biểu tình chống chế độ Nguyễn Khánh ở Sài Gòn. Tháng 10/1964 khi sang học tại Harvard College (Hoa Kỳ), ông Ngô Vĩnh Long đã làm dậy sóng xứ cờ hoa bằng hàng loạt nỗ lực chống chiến tranh, chỉ trích mạnh mẽ việc quân đội Mỹ đẩy mạnh chiến tranh tại Việt Nam.
Ngày 14/4/1965, chỉ hơn một tháng sau khi quân Mỹ chính thức đổ bộ vào Đà Nẵng, thì một sự kiện đã diễn ra gây rúng động Washington D.C. Đó là cuộc xuống đường của khoảng 25.000 người tại thủ đô của Mỹ để phản đối việc nước này triển khai quân đội tham chiến tại Việt Nam. Và ông Long chính là thành viên nhóm tổ chức cuộc biểu tình trên.
Ông đã cùng GS Noam Chomsky và một số nhân vật khác đã đi đến nhiều đại học Mỹ trình bày về vai trò của Mỹ ở Việt Nam và cảnh báo là Mỹ sẽ đưa quân vào Việt Nam. Diễn biến này khiến chính trị gia đầy quyền lực của đảng Cộng hòa là Richard Nixon, người trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 1969, đã viết một bức thư gửi đến tờ The New York Times cho rằng cuộc biểu tình là “một chiến thắng của Việt cộng”.
Ngày 30/4/2005, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã tổ chức một sự kiện để 2 giáo sư Ngô Vĩnh Long và Chomsky nói chuyện trước 2.000 người để kể về những ngày lịch sử trên.
Hôm nay, kỷ niệm 45 năm ngày ký Hoà đàm Paris, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã chia sẻ với Tuần Việt Nam nghiên cứu của ông về giai đoạn thực thi Hiệp định Paris. Mời quý vị độc giả theo dõi.
Ông Lê Đức Thọ, đại diện đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bên phải) và ông Henry Kissinger, phái viên của Tổng thống Mỹ, cùng ký tắt vào Hiệp định Paris tại Trung tâm hội nghị quốc tế ngày 23/1/1973. Các bên tham gia đàm phán và ký kết hiệp định Paris gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đoàn miền bắc Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ làm cố vấn) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (đoàn miền nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn), Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Ảnh: AP |
Các cuộc chiến tranh thường tạo ra mọi loại thay đổi – như về tự nhiên, kinh tế, xã hội và đạo đức – và để lại một di sản phân cực. Chiến tranh càng kéo dài, thay đổi càng tồi tệ hơn và phân cực càng sâu sắc hơn. Vì vậy, các nỗ lực tái hòa giải và thích nghi phải được thúc đẩy ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra nhằm tạo nền tảng để xây dựng một đất nước.
Ký kết Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam ngày 27/1/1973, Mỹ cam kết sẽ rút khỏi Việt Nam cả về quân sự và chính trị để cho phép người dân miền Nam “tự quyết định tương lai chính trị của Nam Việt Nam thông qua các cuộc bầu cử tự do và dân chủ dưới sự giám sát của quốc tế” (Điều 9b).
Điều 4 nói rằng “Mỹ sẽ không tiếp tục can thiệp quân sự hoặc can dự vào các công việc nội bộ của Nam Việt Nam”. Và điều 9c một lần nữa nhấn mạnh “Các nước ngoài không nên áp đặt bất kỳ xu hướng chính trị nào hay cá nhân nào đối với người dân miền Nam”. Thỏa thuận trên đã chia hai phần song song và bằng nhau ở miền Nam: RVN và PRG (Chính phủ cách mạng lâm thời của RVN).
Theo điều 11, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngày 27/1, hai bên phải “ngừng mọi hành động trấn áp và phân biệt đối với các cá nhân và tổ chức từng hợp tác với bên kia” và đảm bảo “tự do về người, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do các hoạt động chính trị, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm việc, quyền sở hữu tài sản, và quyền tự do lập doanh nghiệp”.
Điều 12 nói rõ hơn: “Ngay sau ngừng bắn, hai bên ở miền Nam sẽ tiến hành các cuộc tham vấn… để thiết lập một Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần. Hội đồng sẽ vận hành trên nguyên tắc đa số. Sau khi Hội đồng đảm nhận các chức năng của mình, hai bên ở miền Nam sẽ tham vấn về thành lập các hội đồng cấp thấp hơn”. Hội đồng Quốc gia này sẽ có nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ “hòa giải và hòa hợp dân tộc và đảm bảo các quyền tự do dân chủ”. “Thành phần” thứ ba trong thỏa thuận được hiểu là “Lực lượng thứ ba”, gồm các cá nhân và tổ chức không liên kết với chính quyền RVN của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Lực lượng thứ nhất) hay chính phủ PRG (Lực lượng thứ hai).
Như vậy, Hội đồng Quốc gia được cho là đại diện của cho các lực ượng chính trị khác nhau ở miền Nam và có quyền lực cao hơn cả chính quyền Sài Gòn và chính phủ PRG trong một số lĩnh vực của đời sống chính trị ở miền Nam.
Tuy nhiên, 3 ngày trước khi ký Hiệp định Hòa bình Paris, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vẫn nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng chính sách của Mỹ là phản đối việc “áp đặt một chính phủ liên minh hoặc một chính phủ giả danh liên minh ở miền Nam”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Richard M.Nixon loại bỏ mọi vai trò của PRG trong chính phủ tương lai ở miền Nam.
Chuyên gia về Việt Nam Gareth Porter giải thích: “Trong các tuyên bố trên đài báo ngày 23/1/1973, Nixon… thông báo rằng Mỹ sẽ ‘tiếp tục thừa nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam”… Tuyên bố rằng Nixon thừa nhận RVN là ‘chính phủ hợp pháp duy nhất’ ở miền Nam chỉ làm reo giắc một cuộc chiến mới”.
Được khuyến khích bởi cả Kissinger và Nixon, Tổng thống Thiệu đã tái khẳng định chính sách “4 không” ngay khi Hiệp định Paris được ký: không thừa nhận kẻ thù, không có chính phủ liên minh dưới bất kỳ vỏ bọc nào, không trung lập hóa những người thân Cộng sản ở miền Nam Việt Nam, và không nhượng đất cho người Cộng sản.
Sau này, trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Vietnam Report số ra ngày 14/7/1973, một ấn bản bằng tiếng Anh của Hội đồng các vấn đề đối ngoại Sài Gòn do Đại sứ Mỹ tại RVN phát hành, Tổng thống Thiệu nói rằng: “Việt Cộng hiện đang cố biến các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ thành một nhà nước với một chính phủ mà họ gọi nói là giống kiểu thể chế thứ hai ở miền Nam. Họ cũng có thể hy vọng rằng khi chính phủ này được quốc tế công nhận, dư luận quốc tế sẽ buộc hai chính quyền sáp nhập vào một chính phủ liên minh. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ chỉ đồng ý với một chính phủ liên minh hời hợt, chính phủ mà sau đó sẽ tìm cách dễ dàng đàm phán với Hà Nội”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Thiệu tuyên bố: “Trước tiên, chúng ta phải cố hết sức để Việt Cộng (Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam) không thể được xây dựng thành một nhà nước, một nhà nước thứ hai ở miền Nam”. Ông nói tiếp rằng sau đó chính phủ của ông sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn cản việc thành lập một Lực lượng thứ ba, coi mọi cá nhân thuộc Lực lượng thứ ba là những người thân Cộng sản.
Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hoà trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên trung ương. Ảnh tư liệu. |
Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ viện ở Sài Gòn và một trong những người ủng hộ ông Thiệu nhất, cho biết: “Không có cái gọi là hòa hợp dân tộc và hòa giải dân tộc” với các lực lượng chính trị khác. Đây là những phản ứng công khai của RVN đối với đề xuất của ông Nguyễn Văn Hiếu rằng Hội đồng Quốc gia về hòa giải và hòa hợp dân tộc lập ra càng sớm càng tốt, khi ông dẫn dầu phái đoàn PRG đến dự phiên họp thứ 14 của Hội nghị tham vấn thực thi Hiệp định Hòa bình Paris giữa các bên ở miền Nam diễn ra ngày 28/6/1973 ở La Celle-Saint-Cloud, Pháp.
Đề xuất của ông Hiếu là “Hội đồng Quốc gia nên bao gồm 3 thành phần ngang nhau có chỗ đứng như nhau. Môi bên trong hai bên ở miền Nam nên chỉ định các phái đoàn cho các thành phần của mình trong Hội đồng. Thành phần thứ ba sẽ gồm những người thuộc các xu hướng tôn giáo và chính trị khác nhau không thuộc bên nào trong hai bên trên nhưng đều ủng hộ Hiệp định Hòa bình Paris. Cần đảm bảo rằng các xu hướng tôn giáo và chính trị nói trên được lắng nghe, rằng thành phần này phải thực sự được có đại diện và có một vai trò độc lập và hưởng một quy chế công bằng trong Hội đồng”.
Cuối tháng 4/1973, Hoàng Đức Nhã, anh họ của ông Thiệu và là cố vấn thân cận nhất, đã tuyên bố: “Nếu bạn không phải là người theo Cộng sản thì bạn là một người Dân tộc chủ nghĩa [tức ủng hộ Thiệu]; nếu bạn không phải là một người Dân tộc chủ nghĩa thì bạn là một người theo Cộng sản. Không có kiểu một thành phần thứ ba hay thứ tư nào hết”. Một lần nữa, đầu tháng 10/1973, ông Thiệu tuyên bố rằng mọi nhóm Lực lượng thứ ba đều bị coi là “phản quốc”, “do Cộng sản giật dây”.
Để hiểu rõ hơn các lý do và ý định đằng sau các tuyên bố của ông Thiệu và các quan chức dưới quyền ông, cần phải nói vài từ về Lực lượng thứ ba, hoặc “thành phần thứ ba”, và tại sao Hiệp định Hòa bình Paris lại nêu rõ rằng “ngay sau ngừng bắn, hai bên của miền Nam phải tiến hành tham vấn… để lập ra một Hội đồng Quốc gia về hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần”.
Lực lượng thứ ba
Cụm từ Lực lượng thứ ba hay Giải pháp thứ ba đã được đặt đối lập với các chế độ khác nhau ở Sài Gòn từ đầu những năm 1960.
“Thành phần thứ ba” sau đó được đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc (DRV) sử dụng từ năm 1968 cho đến khi thỏa thuận được ký nhằm thúc đẩy một chính phủ liên minh gồm 3 thành phần. Đến năm 1972 các ấn bản bằng tiếng Anh của Hà Nội đã bắt đầu sử dụng cụm từ Lực lượng thứ ba để chỉ tổng thể các nhóm ở khu vực thành thị ở miền Nam phản đối chế độ của ông Thiệu. Ví dụ tờ Vietnam Courier, một ấn phẩm hàng tháng của Bộ Ngoại giao DRV, số ra tháng 12/1972 viết rằng “tại Sài Gòn, một lực lượng thứ ba đã bắt đầu trở thành một thách thức đối với nhà độc tài nhãi nhép [Thiệu] đang tìm cách phủ nhận sự tồn tại của lực lượng này”.
Từ năm 1969 đến khi ký kết Hiệp định Hòa bình Paris, khoảng 100 nhóm Lực lượng thứ ba với quy mô lớn nhỏ khác nhau và xu hướng chính trị khác nhau đã trở thành các vùng thành thị ở miền Nam, và một vài trong số này đã không đồng tình với DRV và PRG trong một số lĩnh vực, một phần vì chính quyền Nixon leo thang chiến tranh thông qua chương trình gọi là Việt Nam hóa, gây thêm nỗi đau cho nhiều tầng lớp nhân dân miền Nam ở nông thôn và thành thị.
Ngô Vĩnh Long
Kỳ 2:Dùng người Đông Dương diệt người Đông Dương và sự giả dối có hệ thống
Kỳ 3: Sự đầu hàng vô điều kiện đã đặt dấu chấm hết
--------------------
Chú thích:
RVN = Republic of Vietnam = Chính quyền Saigon.
PRG = Provisional Revolutionary Government (of South Vietnam) = Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam.
DRV = Democratic Republic of Vietnam = Việt Nam dân chủ cộng hoà.
“Paris là địa điểm đàm phán tốt nhất có thể có với phía Việt Nam”
Nhìn lại cuộc đàm phán lịch sử 45 năm trước có thể thấy “Paris là địa điểm đàm phán tốt nhất có thể có với phía Việt Nam”.
45 năm Hội đàm Paris: Từ tầm nhìn De Gaulle tới các kênh ngầm
Các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thuộc nằm lòng những nguyên tắc vàng trong việc lựa chọn địa điểm đàm phán.