- Còn rất nhiều câu hỏi về nhân vật Vũ “nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ, không dễ gì có ngay câu trả lời. Nhưng, từ câu chuyện “nước mắt Sông Hàn”, người đứng đầu Thành phố, ông Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã “đọc” ra “cốt truyện”: Đó là vấn đề quản lý đất công...
Trong vòng nửa tháng, từ cuối tháng 12/ 2017, đến đầu năm 2018 vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có hai cuộc gặp đáng nhớ.
Cuộc gặp thứ nhất, với các vị tướng nghỉ hưu, dịp kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam.
Cuộc gặp thứ hai, với cán bộ nghỉ hưu, trong Câu lạc bộ Thái Phiên, dịp đầu năm mới 2018.
Ở cả hai cuộc gặp, không hẹn mà gặp, từ các vị cán bộ, tướng lĩnh nghỉ hưu đến người đứng đầu Thành phố đều cất lên, không phải một, mà hàng loạt câu hỏi: Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ nhôm” là ai? Dựa vào sức mạnh siêu quyền lực nào mà nhân vật này tự tung tự tác, coi trời bằng vung? Tại sao chính quyền lại ưu ái ông ta, mà không phải người khác? Tại sao ông ta có thể ngang nhiên thâu tóm nhiều công sở gắn với đất công, không qua đấu giá đến thế?...
Vũ “nhôm” phải là nhân vật điều tiếng, gây bão dư luận, làm lòng dân bất an đến mức không chịu nổi, mới khiến những người một thời xông pha trận mạc, cất lên câu hỏi bức xúc đến thế!
Nhưng, đó chưa phải là những câu hỏi cuối cùng.
Người dân Đà Nẵng vốn cương trực mà hào sảng, khảng khái mà vị tha, nhưng vẫn tận cùng phần nộ và bức xúc. Một thời gian dài, nhân vật này đã thao túng quyền lực, tha hóa cán bộ, khuynh đảo thị trường bất động sản, làm méo mó môi trường đầu tư ở một thành phố vốn năng động, thân thiện và đáng sống. Cho nên, không mấy khó hiểu, khi người dân nơi đây thốt lên rằng, vừa như có một siêu bão quét qua thành phố vốn yên bình, gây nên hiện tượng nứt rạn, đổ vỡ niềm tin. Người dân gọi câu chuyện đã xảy ra là câu chuyện “nước mắt Sông Hàn”.
Nhưng, đó chưa phải là những câu hỏi cuối cùng.
Vào thời điểm lò lửa thiêu đốt tiêu cực, tham nhũng và sự tha hoá đang độ nóng, mẻ lưới công lý sắp buông, thì nhân vật có biệt danh Vũ “nhôm” tìm đến bài “chuồn”, tẩu tán tài sản, “cao chạy xa bay”. Nhưng, quả là “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”. Ông ta đi theo vết xe đổ của một nhân vật trước đó, bộc lộ bản chất kẻ đào tẩu, tên phá bĩnh.
Nếu những thông tin liên quan đến nhân vật Phan Văn Anh Vũ từ báo chí, truyền thông trong những ngày qua là chính xác, thì từ nhân vật này, rất nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra. Ngoài tư cách công dân, tư cách doanh nhân, ông ta còn tư cách người của tổ chức. Trách nhiệm của tổ chức, nơi ông ta là thành viên không thể nói là nhẹ, khi các khâu tuyển chọn, đào tạo, quản lý, giám sát đều hớ hênh, lỏng lẻo, gây mối ngờ vực lớn. Từ đây, người dân sẽ đặt câu hỏi về tính kỷ luật, sự tôn nghiêm nơi lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” vốn được Đảng và Nhân dân tin tưởng, đặt nhiều niềm tin?
Còn nhiều câu hỏi liên quan đến nhân vật Vũ “nhôm”, không dễ có câu trả lời ngay. Nhưng từ câu chuyện mang tên “nước mắt Sông Hàn”, người đứng đầu Thành phố, ông Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã “đọc” ra “cốt truyện”: Đó là vấn đề quản lý đất công. Vị Bí thư Thành ủy hơn một lần được chọn đứng ở vị trí tâm điểm hoàn lưu bão, đã thốt lên rằng: “Bao nhiêu đời rồi, tích tụ bao nhiêu lâu rồi mà hở cái là bán mất”. “May là trụ sở UBND Thành phố còn chưa bán”...Để rồi, nhận ra điều cốt lõi: “Đất công là của để dành”. “Đối với đất công, tới đây chúng ta phải dành lại”. “Làm các thiết chế văn hoá, không được phép bán”. “Người dân phải có quyền được hưởng các thiết chế văn hoá”...
Đấy mới là tư duy đúng của người lãnh đạo.
Cái tệ đất công “hở cái là bán mất”, nhoáng cái là vào tay các ông lớn trong giới kinh doanh bất động sản, không chỉ là câu chuyện của Đà Nẵng. Hầu như ở các tỉnh, thành trong cả nước, khi người lãnh đạo không thoát ra khỏi tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, thì luôn tâm thế nhiệt tình, sốt sắng, dành sẵn những khu đất công ở vị trí đắc địa, trải thảm đỏ, dâng nhà đầu tư. Không hiếm tỉnh, thành di dời cả trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, để nhà đầu tư có đất lập dự án xây biệt thự, nhà liền kề, khu thương mại, thu lợi nhuận khủng. Đất công, của để dành, tư liệu sản xuất, nguồn phúc lợi lâu dài của toàn dân, nhanh chóng thành “của anh, của tôi, của hai ta”.
Và, những Vũ “nhôm” nảy nòi từ đây.
Và, những bất an, bất hòa, những siêu bão không phải bão cũng hình thành từ đây.
Uông Ngọc Dậu