Chưa hình dung kết quả cuộc cải tổ này sẽ đến đâu, nhưng có lẽ đây là thời điểm để ông Tuấn Anh thể hiện bản lĩnh người lãnh đạo một bộ được gọi là "siêu bộ" trong giai đoạn hết sức gian nan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có lẽ đang ở tình thế không thể chậm trễ hơn để cải tổ Bộ Công Thương.

Hàng loạt bê bối về công tác cán bộ và bộ máy hoạt động bất ổn, kém hiệu quả của bộ này dưới thời ông Vũ Huy Hoàng đã trở thành một gánh nặng "di sản". Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với lãnh đạo bộ này cũng đã chỉ ra những bất cập về bộ máy tổ chức. Trên diễn đàn QH vừa rồi, hàng loạt câu hỏi của các vị Đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu ông Tuấn Anh cần rốt ráo cải tổ.

Phiên chất vấn mới kết thúc cuối tuần trước, ngay lập tức ông Trần Tuấn Anh đã sớm công bố trên mạng nội bộ một đề án mới về công tác tối quan trọng. Theo yêu cầu ông, các đơn vị thuộc bộ đều phải có trách nhiệm góp ý, thậm chí phản biện để đi tới thống nhất chủ trương cải tổ mạnh mẽ bộ máy hoạt động theo tinh thần chung xây dựng Chính phủ: Hành động - Kiến tạo, Hiệu quả và Liêm chính.

{keywords}

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Anh

Có thể nói Bộ Công Thương hiện nay là một cơ quan "siêu bộ", được sáp nhập từ bộ Công nghiệp với bộ Thương mại vào năm 2006 (Quốc hội khoá 12). Trước nữa, bộ này cũng nổi tiếng với nhiều cuộc nhập - tách. Chẳng hạn, bộ Công nghiệp được hình thành từ 3 bộ: Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng và Năng lượng; bộ Thương mại được hình thành từ 2 bộ Ngoại thương và Nội thương. Trước đó các bộ này cũng nhiều lần có sự sáp nhập khác từ các bộ Thương nghiệp và Du lịch; Vật tư; Kinh tế Đối ngoại...

Trong một thời gian dài, Bộ Công thương (với tên gọi khác nhau) đã để lại những dấu ấn tích cực đậm dấu ấn tích cực của những bộ trưởng trong từng nhiệm kỳ như Phan Anh, Đỗ Mười, Vũ Tuân, Đinh Đức Thiện, Đặng Vũ Chư, Lê Văn Triết, Hoàng Trung Hải, Vũ Khoan, Trương Đình Tuyển, v.v...

Và cũng từng có một trường hợp bộ trưởng dính vòng lao lý. Tuy nhiên đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào tận nơi ông thụ án để thăm và trao tặng Huân chương do những đóng góp đặc biệt quan trọng của ông đối với đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam. Mới đây, thêm một lãnh đạo bộ này đã bị kiểm điểm nặng nề do có những sai phạm nghiêm trọng trong bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, phê duyệt các dự án kinh tế. Những vết đen mà người tiền nhiệm đã gây ra đang là những thử thách đòi hỏi ông Trần Tuấn Anh thể hiện bản lĩnh cứng rắn, quyết đoán, dám làm.

Theo kế hoạch được công khai, ông Tuấn Anh đã kêu gọi tranh luận, phản biện để tìm ra đáp số đúng cho tiến trình cải tổ bộ máy, theo hướng từ 35 đầu mối cục, vụ, viện và tương đương xuống còn 28 đơn vị.

Điều này nếu thực hiện được cũng đồng nghĩa sẽ có hàng chục lãnh đạo cấp đó không còn ở cương vị cũ. Sự đồng thuận chắc hẳn sẽ không dễ, bởi quá trình này sẽ động chạm quyền lợi của không ít người.

Giờ còn quá sớm để biết kết quả cuộc cải tổ này như thế nào, có theo đúng định hướng kiến tạo phát triển được không, nhưng chắc chắn một điều, đây là cơ hội vàng để ông Trần Tuấn Anh ghi điểm.

...

Bộ Công Thương sẽ có sự cải cách hành chính rất lớn trong việc tinh giảm từ 35 đầu mối xuống chỉ còn 28 đầu mối. Trong đó, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và 2 vụ; Vụ Thị trường thương mại Miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), nay nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TPHCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương;

Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành 2 Vụ Châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về 2 Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp ) nhập thành một viện.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ Thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.

 

Quốc Phong