- "Chính phủ nhiệm kỳ này đã chú trọng hơn tới những chính sách trọng cung, chứ không còn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên chính sách tiền tệ, tài khoá, tức những chính sách kích thích tổng cầu để tạo tăng trưởng như nhiệm kỳ trước."- ông Phạm Thế Anh.

LTS: Tăng trưởng và cải cách như thế nào để đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững, như yêu cầu của Chính phủ, là chủ đề của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân trao đổi với Tuần Việt Nam. Xin giới thiệu phần 1 cuộc trò chuyện này.

{keywords}
Các vị khách mời tham gia cuộc trò chuyện. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Thưa các vị khách mời, một số chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố, chúng ta hãy cùng nhìn lại diễn biến cả quá trình từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay. GDP tăng không như kế hoạch năm 2016 nhưng từ 2017 đến nửa đầu 2018 đã bứt lên tương đối mạnh mẽ. Năm ngoái tăng trưởng đạt 6,81%, cao nhất kể từ 2008; còn tăng trưởng nửa đầu năm nay đạt 7,08%, cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Tôi còn nhớ, ông Cung từng nhận xét rằng, cứ mỗi sau một thập kỷ thì tăng trưởng kinh tế lại giảm một điểm phần trăm, ông cũng từng dự kiến đến thập kỷ này tăng trưởng chỉ quanh 5% thôi. Xin được hỏi, ông thấy đánh giá của mình như thế nào trong tương quan GDP tăng cao như vậy?

Ông Nguyễn Đình Cung: Trong 30 năm qua, chúng ta nhìn thấy thập kỷ đầu tiên GDP tăng trung bình gần 8%, thập kỷ thứ hai GDP tăng trung bình khoảng 7%, thập kỷ thứ ba GDP giảm xuống còn hơn 6%. Như vậy, sau mỗi thập kỷ thì GDP giảm 1 điểm phần trăm. Từ xu hướng đó tôi từng dự đoán GDP có thể ở mức 5,5% trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, đó là dự báo nếu không có cải cách và thay đổi. Nhiệm kỳ này chúng ta thấy cải cách tương đối mạnh mẽ, đặc biệt trong môi trường kinh doanh, từ tự do kinh doanh đến giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tức là có những cải thiện về bên cung của nền kinh tế chứ không còn quá dựa vào gia tăng đầu tư từ ngân sách, gia tăng tín dụng hay khai thác tài nguyên.

Nhiệm kỳ này đã nhấn mạnh đến cải cách, gia tăng chất lượng nguồn cung, gia tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Vì thế, chúng ta đã có những cải thiện trong tăng trưởng vừa qua. Điều đáng chú ý nữa là bản thân Thủ tướng là người theo đuổi quyết liệt chỉ tiêu về tăng trưởng.

Ông Phạm Thế Anh: Tôi đồng ý với anh Cung. Chính phủ nhiệm kỳ này đã chú trọng hơn tới những chính sách trọng cung, chứ không còn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên chính sách tiền tệ, tài khoá, tức những chính sách kích thích tổng cầu để tạo tăng trưởng như nhiệm kỳ trước.

Thúc đẩy tăng trưởng bằng những chính sách trọng cung thì bền vững hơn, mặc dù chậm hơn. Nó thể hiện qua hàng loạt những chính sách, như anh Cung nói, về dỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của thị trường hơn, cải thiện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước,… Đó là hướng đúng đắn.

Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng năm nay khá dị thường thể hiện qua việc tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước. Vì sao vậy?

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng có điều gì đó bất thường.

Tôi không nhìn thấy gì thay đổi thực sự đột biến để dẫn tới kết quả đó, mà rõ ràng nó đang diễn ra và người ta cũng đang dự báo như thế. Đằng này, chúng ta đang trong bối cảnh bình thường và có cơ hội tăng trưởng hơn do các yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong dù những yếu tố đó mang tính ngắn hạn. Vậy mà xu hướng tăng trưởng thấp đi như thế! Quả thực tôi rất băn khoăn và tôi không tin điều như thế xảy ra. Mà nếu nó xảy ra như thế có nghĩa là năm 2018 này có một cái gì đó bất thường.

Tôi cho rằng tăng trưởng chủ yếu nhờ cải cách và cải thiện phía bên cung của nền kinh tế, dẫn tới việc là chúng ta huy động nguồn lực vào nền kinh tế nhiều hơn và sử dụng nguồn lực đó hiệu quả hơn. Những điểm này tôi cho là chúng ta chưa thể hiện hết trong thống kê.

Nếu xét về đà cải thiện về tiềm năng tăng trưởng trong nước và kết hợp với những yếu tố tương đối thuận bên ngoài, thì không có lý gì để thay đổi hẳn kịch bản tăng trưởng của 2018 như thế. Có thể thời tiết biến đổi thất thường, ảnh hưởng đến nông nghiệp nhưng nông nghiệp của chúng ta chỉ chiếm khoảng 14% GDP nên không phải là yếu tốt quyết định cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ông Phạm Thế Anh: Đúng là tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam có hiện tượng bất thường. Tăng trưởng quý II thấp hơn hẳn so với quý I, theo tôi, có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, tăng trưởng Quý I năm ngoái thấp đột ngột, nhất là khu vực nông nghiệp và công nghiệp. Vì thế, tốc độ tăng trưởng Quý I năm nay 7,45%, cao hơn hẳn trên nền tảng thấp của cùng kỳ năm ngoái cũng hiểu được.

Thứ hai, tăng trưởng Quý IV năm ngoái và Quý I năm nay phụ thuộc nhiều vào Samsung, kéo tăng trưởng lên cao bất thường. Do vậy, Quý II năm nay nếu Samsung không ra sản phẩm gì mới thì thì rõ ràng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, năm nay thời tiết khá là khắc nghiệt đang bắt đầu từ Quý III này, nào nắng nóng kéo dài tới bão lũ, nên ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp sụt giảm, kéo tăng trưởng của hai quý sau nó thấp hơn hai quý trước

{keywords}
Ông Phạm Thế Anh (trái). Ảnh: Lê Anh Dũng

World Bank, ADB và IMF có chung nhận xét, Việt Nam đang tăng trưởng là tốt. ADB còn nhấn mạnh, Việt Nam phải tăng trưởng 7,1%. Liệu họ có lạc quan quá hay không?

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng họ đánh giá thế là phù hợp. Thống kê của ta về GDP không tính được gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Người ta vẫn chỉ tính dựa vào những sản phẩm chủ yếu mà không tính được những cải thiện về chất lượng trong sử dụng nguồn lực, hiệu quả đầu tư,…của khu vực kinh tế tư nhân.

Tôi cảm nhận, khu vực kinh tế tư nhân trong nước có đăng ký trong 20 năm vừa qua đã gia tăng tương đối, dù không như kỳ vọng, nhưng đóng góp của nó vào GDP chỉ được tính là tăng một điểm phần trăm thôi. Năm 2000 nó đóng góp 7% trong GDP thì bây giờ nó đóng góp 8% trong GDP, mức tăng rất ít.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2000-2017 tài sản đầu tư của nó tăng đến 100 lần, lao động tăng khoảng 7 lần từ 1,3 triệu lên 8,5 triệu. Doanh thu cũng tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Đóng góp vào ngân sách thậm chí còn cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài. Thế mà đóng góp của khu vực này chỉ gia tăng được 1 điểm % GDP trong 20 năm, làm tôi suy nghĩ mãi.

Hiện nay có hàng chục doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô rất lớn, thậm chí lớn hơn cả các doanh nghiệp nhà nước. Vậy mà khu vực doanh nghiệp nhà nước của ta là chiếm tới 28-30% GDP, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 8% GDP của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đấy là những thứ tôi cảm nhận không bình thường.

Liên quan đến những rủi ro vĩ mô, thưa ông Phạm Thế Anh, ông tập trung vào những điểm nào nhất, lạm phát, chi tiêu ngân sách hay nợ?

Ông Phạm Thế Anh: Về những rủi do có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tôi nghĩ có mấy điểm sau.

Thứ nhất là chi tiêu công, kể cả đầu tư công, được kiểm soát tương đối tốt, giảm đi so với tỉ trọng của các khu vực khác trong nền kinh tế. Đó là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, lạm phát có thể là vấn đề, dù lạm phát đã được chú trọng kiểm soát tốt trong mấy năm vừa qua. Đến năm nay thì sức ép bắt đầu khác, khi các nước trên thế giới bắt đầu thắt chặt lại chính sách tiền tệ sau vài năm nới lỏng vì họ thấy kinh tế của họ đã bắt đầu hồi phục rồi.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu bắt đầu tăng trở lại, giá dầu thô trước đây chỉ có 40-50 USD/thùng, bây giờ lên 70-80 USD/thùng và có thể tăng hơn nữa. Điều này làm cho mặt bằng giá cả trong nước hiện nay  tăng lên.

Giá thực phẩm trong nước có sự gia tăng khá mạnh và nếu như thời tiết những tháng cuối năm không thuận lợi cũng ảnh hưởng tới giá thực phẩm, tác động đến lạm phát.

Một điểm nữa là vấn đề tỉ giá, dù tỉ giá VND so với USD tương đối là ổn định, từ đầu năm đến nay mất giá chỉ 1-2% thôi. Tuy nhiên, đồng USD đang lên giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, có những đồng tiền lên tới mười mấy phần trăm. Trong khi đó, mình neo đồng USD có nghĩa là đồng tiền Việt đang mạnh lên rất nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới.

Thưa ông Nguyễn Đình Cung, ông có thấy cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thậm chí còn có thể cao hơn mà không phải kích thích tài khóa, tiền tệ gây bất ổn vĩ mô?

Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi từng nói rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tại thời điểm này có thể ở mức 8% hoặc 8,5% chứ không phải chỉ ở mức là như chúng ta thấy hiện nay.

Nếu nâng cao được hiệu quả dụng được nguồn lực trong khu vực nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước thì có thể tăng thêm 3 điểm phần trăm của GDP.

Có thể có nhiều người nghi ngờ việc này nhưng tôi cho rằng, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng, đẩy họ ra thị trường, xóa bỏ hết những bao cấp, những đặc quyền đặc lợi, buộc họ phải theo tín hiệu của thị trường, và nâng cao năng lực quản trị thì tôi tin là tăng trưởng còn cao hơn.

Còn nữa

Tư Giang

 

Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang cố lay chuyển bộ máy"

Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang cố lay chuyển bộ máy"

Thủ tướng Phúc đã giải quyết nhanh một số vấn đề thực tiễn và cố gắng lay chuyển bộ máy của mình. Đó cũng là lời cảnh báo đối với cung cách lộng quyền.

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

“Dân biết Thủ tướng đã luôn đôn đốc, nhắc nhở và sốt ruột thế nào trước sự chuyển động chậm chạp của bộ máy của mình. Nhưng rõ ràng sức ì của bộ máy Chính phủ vẫn còn quá lớn.”

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Bỏ lệ chúc tết lãnh đạo: Khi Thủ tướng và thành viên Chính phủ làm gương

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa, yêu cầu “không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành”. Ông cũng yêu cầu “các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”, “ở các địa phương cũng vậy”.

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp với những quyết tâm hành động là tiếng pháo khai màn thúc giục bánh xe kinh tế trì trệ mấy năm qua dịch chuyển về phía trước.

‘Trái bóng” trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

‘Trái bóng” trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp cuối năm 2016 của Chính phủ cũng đã nhắc đến chuyện các bộ, ngành, địa phương "không nên đá quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng và các phó Thủ tướng".

Nghĩ về ly cà phê 8.000 của Thủ tướng

Nghĩ về ly cà phê 8.000 của Thủ tướng

Nói thế để thấy ý nghĩa không hề nhỏ của sự kiện lãnh đạo “vi hành” xuống phố, ra đồng, ghé chợ tìm hiểu việc thường ngày của dân như ăn phở, uống café sáng, trồng bán rau sạch…