- Một trong những kỷ niệm cuối cùng mà tôi có được với ông trong nhiệm kỳ tham tán của mình là cuốn sách “Worth the fighting for” – do TNS McCain viết chung với Mark Salter.
LTS – Trong thời gian làm việc ở Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Phòng Phiên dịch (BNG) và Tham tán Chính trị Đại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (BNG) Vũ Bình có nhiều cơ hội được tiếp xúc với cố TNS John McCain. Dưới đây là vài kỷ niệm của ông.
Đại sứ Vũ Bình đứng bìa trái cùng TNS John Mc Cain và các quan chức ngoại giao và thương mại Việt Nam. |
Tôi gặp ông John McCain lần đầu tiên là vào năm 1985, khi ông vào Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau khi được trao trả tù binh năm 1973 theo một chương trình của Hãng truyền hình Mỹ CBS News với sự sắp xếp của Trung tâm báo chí (BNG).
Chương trình do cố phóng viên nổi tiếng Walter Cronkite trực tiếp làm bình luận viên. Một mục đích không công bố của ông McCain trong chuyến đi này là thúc đẩy việc giải quyết vấn đề tìm kiếm Người Mỹ mất tích và Tù binh chiến tranh (MIA/POW), một vấn đề Quốc hội Mỹ cực kỳ quan tâm và coi đó là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trước đó, đầu những năm ’80 có Hạ nghị sĩ Montgomery vào Việt Nam cũng vì mục đích này.
Ông McCain là người hết sức nổi tiếng vì xuất thân trong gia đình danh giá, cả ông và cha đều là Đô đốc Hải quân. Ông McCain tốt nghiệp Học viện Hải quân và trở thành phi công của Hải quân. Sau khi bị bắn rơi và trở thành tù binh năm 1967, việc trao trả ông đã không ít lần được hai bên tính đến trong quá trình tiếp xúc, trao đổi, trước khi có Hiệp định Paris. Chính vì vậy, chuyến đi đầu tiên của ông sang Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Mỹ và thế giới. CBS News giành được quyền thực hiện chương trình riêng này với John McCain là nhờ có Walter Kronkite trực tiếp tham gia.
Lần đó, tôi được Trung tâm Báo chí nước Ngoài cử giúp anh Nguyễn Quang Dy trong công tác sắp xếp chương trình, hướng dẫn và phiên dịch cho đoàn. Tôi ấn tượng khi cùng HNS John McCain và nhóm phóng viên CBS News tới xem xác B52 ở Vườn Bách Thảo và tham quan Hồ Trúc Bạch, nơi phi công McCain bị bắn rơi. Tôi nhận thấy HNS McCain hết sức tâm trạng. Nói chuyện với các nhà báo Mỹ về quan hệ Mỹ - Việt, ông nói “đã đến lúc phải tính đến chuyện thay đổi quan hệ giữa hai nước”.
Với tư cách hướng dẫn viên báo chí, sau lần đó tôi có nhiều dịp được diện kiến ông McCain khi ông thăm Việt Nam. Từ năm 1986 ông trở thành Thượng nghị sĩ và sau đó liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Thượng viện như Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ. Mỗi lần ông vào Việt Nam luôn có phóng viên Mỹ đi đưa tin.
Năm 1999-2000, TNS John McCain lần đầu tiên ra ứng cử Tổng thống Mỹ; đối thủ của ông trong Đảng Cộng hòa là Geoger W. Bush (con). Đầu năm 2000, mặc dù trong chiến dịch vận động tranh cử, TNS McCain đã sang Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh. Trong chuyến đi này, ông McCain phát biểu trước báo giới Mỹ tại Hanoi Hilton (Hỏa Lò) và tại TP HCM. Trong cả hai lần, ông tỏ ra bất mãn với thời gian ông bị giam cầm, có những lời không mấy tốt đẹp với những người giam giữ ông.
Chúng ta đã có phát ngôn đáp lại. Lúc đó tôi chuyển về Phòng Phiên dịch và chịu trách nhiệm dịch lời phát ngôn ấy sang tiếng Anh. Vì tiếp xúc với ông McCain nhiều lần, tôi nghĩ trong bản thân ông có cuộc đấu tranh giữa tình cảm thể hiện sự bất mãn cá nhân và lý trí thể hiện tầm nhìn muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước, nên tôi quyết định dịch hai bản khác nhau.
Ở bản đầu, lời lẽ tiếng Anh khá đối xứng với cách dùng từ trong bản tiếng Việt. Bản thứ hai, tôi sử dụng khá nhiều từ đồng nghĩa, với sắc thái nhẹ nhàng hơn nhiều mặc dù vẫn thể hiện rõ thái độ của chúng ta không đồng tình với thái độ của ông với người Việt Nam và đất nước Việt Nam, cũng như sự sai lệch của ông khi nhìn nhận về lịch sử cuộc chiến. Lúc đó, tôi nghĩ “bát nước đã đổ đi rất khó gạn lại”.
Quyển Hồi ký do TNS Mc Cain ký tặng ĐS Vũ Bình. |
Tôi báo cáo cả hai bản dịch cho Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Sau khi đọc rất kỹ hai bản dịch, vị quan chức này quyết định chọn phương án 2.
Sau này, khi sang làm tham tán chính trị, tôi thường xuyên tiếp xúc, làm việc với văn phòng TNS John McCain. Khi quan hệ đã khá gần, tôi có giải thích với họ rằng, đôi khi trong chiến tranh rất khó thực hiện những điều mà chính sách lúc đó không cho phép để nói về giai đoạn ông McCain ở “khách sạn Hilton”.
Chẳng hạn, tôi tin Mỹ không có ý định ném bom những nơi thờ tự hay bệnh viện, nhưng thực tế Bệnh viện Bạch Mai và nhiều chùa chiền, nhà thờ đã bị bom dập tan hoang. Còn chính sách nhất quán của Việt Nam là không tra tấn tù binh, nhưng chẳng may hôm hỏi cung người hỏi cung vừa được báo tin cả nhà bị trúng bom và chết hết, trong trường hợp đó, anh ta cũng khó lòng che dấu cảm xúc đau thương, và biểu hiện ra hành động. Tôi nghĩ họ có nói lại với TNS McCain, bởi vì sau đó không thấy ông nhắc tới kỷ niệm đáng buồn đó nữa.
Ông McCain có rất nhiều đóng góp trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, và thúc đẩy mối quan hệ này sau khi bình thường hóa, đặc biệt là việc thông qua Hiệp định Thương mại Song phương - một văn kiện mà ngày nay ta càng thấy ý nghĩa quan trọng.
Một trong những kỷ niệm cuối cùng mà tôi có được với ông trong nhiệm kỳ tham tán của mình là cuốn sách “Worth the fighting for” – do TNS McCain viết chung với Mark Salter, CVP của ông. Trong cuốn sách có một chương nói về quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Việt, trong đó đánh giá rất cao những đóng góp của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Lê Mai – những đại sư phụ trong nghề ngoại giao.
Tôi nói với Văn phòng của TNS McCain rằng tôi đã đọc cuốn sách này và muốn được ông đề tặng. Và đây là cuốn sách tôi đã được TNS McCain tặng (mở cho xem). Đó là một trong những kỷ vật rất đáng nhớ trong nghề ngoại giao của tôi.
Huỳnh Phan (ghi)
GS. Tom Patterson: "McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha"
John McCain là hiện thân của những gì người ta hy vọng ở một chính trị gia, nhưng hiếm có. Ông là người đã đặt nguyên tắc lên trên lòng trung thành với đảng phái, và đặt lợi ích công lên trên lợi ích cá nhân.
TNS John McCain nói về "một chuyện đáng xấu hổ!"
Vấn đề cá da trơn (catfish), tôi đã đấu tranh quyết liệt tại thượng viện. Tôi thậm chí viết các bài báo lên án. Và tôi thấy đây là vấn đề đáng xấu hổ.
John McCain kể về 2 lần gặp Tướng Giáp
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, người từng bị bắt khi tham chiến ở Việt Nam, ngày 6/10 vừa qua đã có bài viết trên tạp chí Wall Street, kể về 2 lần gặp Tướng Giáp.