Phát triển HTX cho phép sử dụng tài nguyên đất đai, vốn liếng và sức lao động một cách hiệu quả nhất, mặc dù điều kiện của các hộ gia đình rất khác nhau.

 

Xung quanh câu chuyện Hợp tác xã kiểu mới, Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia độc lập về chính sách nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về vai trò và thách thức đối với hợp tác xã, được thành lập theo luật mới từ năm 2012.

Thưa tiến sĩ Đặng Kim Sơn, xung quanh câu chuyện khủng hoảng thừa thịt lợn, thừa dưa hấu như báo chí đang phản ánh, theo ông, nếu như mô hình HTX kiểu mới được vận hành thì tình trạng dư thừa khiến cả xã hội phải vận động tiêu thụ như kiểu làm phúc hiện nay sẽ được giải quyết ra sao?

Câu trả lời cho cải thiện tình hình tiêu thụ nông sản là vấn đề cũ phải dựa vào liên kết dọc nối các tác nhân khác nhau trong chuỗi giá trị nông sản. Liên kết giữa các xã viên trong hợp tác xã là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị của tổ chức sản xuất, vì vậy, xin dành vấn đề xử lý, tiêu thụ nông sản đang là vấn đề khúc mắc nhất hiện nay sang bài phỏng vấn khác.

Tôi chỉ muốn nói một điều, nếu chúng ta thực hiện thành công liên kết ngang thì khi tiến hành liên kết dọc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đến lúc đó không chỉ mở ra được cánh cửa thị trường cho nông sản việt nam, mà hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của toàn bộ hệ thống sản xuất Việt Nam cũng sẽ thay đổi, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển hơn hẳn của nông nghiệp Việt Nam. Như vậy, mấu chốt của mọi vấn đề hiện nay là giải quyết thể chế trong đó giải quyết vấn đề kinh tế hợp tác là chiếc chìa khóa đầu tiên.

Là người am hiểu về nông nghiệp-nông thôn và nông dân Việt Nam, ông có thể mô tả ngắn gọn như thế nào về vai trò hợp tác xã kiểu mới, được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trong chuỗi sản xuất nông nghiệp?

Hiện nay việc hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp có một số cái vướng nhưng cái vướng nhất là các hộ nông dân nhỏ lẻ khó liên kết được với nhau để hình thành các vùng chuyên canh. Chính vì vậy, các hoạt động tiếp theo, như khâu cung cấp vật tư đầu vào và khâu thu mua nông sản đầu ra thì các đối tượng đóng vai trò liên kết với nông dân sẽ gặp rất nhiều lúng túng.

Chẳng hạn ở khâu thu mua nông sản đầu ra, vì phải đương đầu với quá nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ, nên doanh nghiệp làm không nổi, và, vì vậy, họ phải dựa vào lực lượng thương lái trung gian đến từng hộ để thu mua cho họ. Sản xuất phân tán dẫn đến kinh doanh phân tán.

Hay trong việc cung cấp vật tư đầu vào, ngân hàng đến cho vay, hoặc khuyến nông đến hướng dẫn kỹ thuật cũng gặp nhiều lúng túng trong việc đương đầu với hàng ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ. Họ chỉ tiếp cận được một số hộ nông dân lớn thôi, nên khả năng tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, hay thông tin thị trường, với đa số các hộ nông dân nhỏ vẫn rất khó khăn.

 

{keywords}
Việc phát triển HTX cho phép sử dụng tài nguyên đất đai, vốn liếng và sức lao động một cách hiệu quả nhất, mặc dù điều kiện của các hộ gia đình rất khác nhau. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tóm lại, ở khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất nông nghiệp Việt Nam là khâu sản xuất có tới 10 triệu hộ nông dân, trong đó mỗi chuỗi sản xuất nhỏ là vài chục hộ, còn chuỗi lớn thì vài chục ngàn hộ. Chính vì vậy, các đối tượng liên kết với họ rất khó tiếp cận. Để giải quyết khó khăn về liên kết này, phải tổ chức ra các tổ, nhóm hợp tác, hoặc tốt nhất là các hợp tác xã.

Khi đã liên kết được rồi, nếu không có HTX đứng ra tổ chức, các hộ nông dân sẽ không sản xuất cùng một kế hoạch nên không làm ra được cùng một loại sản phẩm có qui mô và chất lượng đồng nhất, vì vậy không thể làm được hàng hóa có thương hiệu được. Chính vì vậy để tạo ra một chuỗi giá trị trong nông nghiệp phải hình thành được kinh tế hợp tác dưới nhiều hình thức.

Trong chủ trương mở rộng hạn điền, nông nghiệp công nghệ cao thì vai trò của Hợp tác xã sẽ như thế nào?

Hiện nay, câu chuyện mở rộng qui mô sản xuất tạo điều kiện tích tụ đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Nói đến tích tụ là đất từ nhiều chủ trở thành của một chủ, và khi đó dễ xảy ra hai mâu thuẫn.

Mâu thuẫn thứ nhất là việc tập hợp đất từ nhiều chủ sẽ đòi hỏi nhiều thủ tục, tốn kém chi phí và theo luật đất đai hiện nay lại vướng vấn đề hạn điền. Mâu thuẫn thứ hai là tích tụ ruộng đất sẽ đẩy ra nhiều lao động thừa, mặc dù chủ đất mới có thể tạo ra một số việc làm, nhưng không thu hút được tất cả lao động. Chính vì vậy, phát huy mô hình phát triển hợp tác nói chung, và HTX nói riêng, sẽ giúp cho mọi người có thể tham gia hoạt động nông nghiệp ở các mức độ khác nhau, và tùy từng điều kiện hoàn cảnh của mỗi lao động có thể bổ trí một công việc thích hợp.

Ông có ví dụ cụ thể nào để minh họa không?

Anh nào sản xuất nông nghiệp giỏi thì tiếp tục làm sản xuất nông nghiệp, anh nào không giỏi thì chuyển sang tham gia các hoạt động phi nông nghiệp của HTX. Anh nào quản lý tốt thì quản lý chung, còn những người không có khả năng quản lý thì làm việc như lao động. Thậm chí, những gia đình không có sức lao động thì vẫn thể đóng góp đất cho HTX, trở thành thành viên HTX và được hưởng quyền đóng góp tài nguyên như những thành viên khác.

Như vậy, việc phát triển HTX cho phép sử dụng tài nguyên đất đai, vốn liếng và sức lao động một cách hiệu quả nhất, mặc dù điều kiện của các hộ gia đình rất khác nhau.

 

{keywords}
Ông Đặng Kim Sơn.

Trong mô hình kiểu mới, HTX được hình thành như một doanh nghiệp với giám đốc được thuê. Liệu với trình độ hiểu biết còn hạn chế, người nông dân Việt Nam có thể lựa chọn để thuê giám đốc có trình độ bảo đảm cho HTX đi lên được không?

Muốn thành lập một HTX quản lý ở trình độ cao, đòi hỏi có nguồn nhân lực ở hai mức năng lực: Mức thứ nhất là nằm ở nhóm được bầu ra để quản lý HTX, và mức năng lực thứ hai nằm ở đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành HTX.

Nói về nhóm thứ nhất, năng lực quan trọng đầu tiên là năng lực của các sáng lập viên, những người phải vận động, tuyên truyền và giải thích để khuyến khích đủ thành viên tham gia HTX, họ thường là những người có uy tín, sản xuất giỏi, trung thực, không vụ lợi, có tình thần cộng đồng và sẵn sàng hy sinh, nói tóm lại là mang tố chất của một thủ lĩnh cộng đồng.

Khi thành lập được ban chủ nhiệm rồi, bước tiếp theo là tìm và thuê hợp đồng đối với giám đốc HTX. Việc này không khó, chỉ cần giám đốc HTX là người chuyên nghiệp, có năng lực quản lý và trung thực. Tuy nói là không khó, nhưng cũng không dễ, vì ở địa bàn nông thôn không phải sẵn có những người như vậy.

Trường hợp tiếp theo là đội ngũ cán bộ kỹ thuật điều hành, ban kiểm soát, ban tài vụ… chủ yếu họ là anh em trẻ, có học vấn và năng động. Việc này cũng không dễ ở nhiều địa phương, nhất là vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại sao bây giờ, sau 5 năm có luật mới, chỉ có khoảng 30% các hợp tác xã kiểu cũ đổi sang kiểu mới?

Lý do đầu tiên là sự hạn chế về năng lực cán bộ, yếu tố cản trở chính trong việc thành lập HTX kiểu mới. Còn thiếu những sáng lập viên đủ uy tín để vận động bà con tham gia vào xây dựng hợp tác xã để có thể tiến hành đại hội xã viên. Trong khi đó, sự hỗ trợ và đào tạo của nhà nước cho đội ngũ cán bộ vẫn còn rất hạn chế, mặc dù đã được đưa vào luật.

Thứ hai là ở các hợp tác xã ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi HTX có từ những năm “bao cấp” của thế kỷ trước, đã chịu rất nhiều hệ lụy của hợp tác xã cũ, bao gồm nợ nần, vướng mắc tranh chấp, cơ sở hạ tầng …, kéo dài đã nhiều năm mà chưa được giải quyết dứt điểm. Hay nói như dân ta là hợp tác xã cũ “chết mà không chôn được”.

Thứ ba là ở những nơi chậm chuyển đối sang HTX kiểu mới thường là những địa bàn mà sản xuất nông nghiệp không phát triển mạnh, trong khi công nghiệp và dịch vụ đã phát triển và người dân đã chuyển hướng nghề nghiệp, và không còn gắn bó với sản xuất nông nghiệp như trước nữa.

Nhiều nơi còn nghĩ rằng thành thành lập HTX kiểu mới từ đầu, còn hơn là trên nền một HTX kiểu cũ.

 

{keywords}

Trong chuỗi giá trị của những cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp rất cần hợp tác xã. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ban lãnh đạo HTX cũ có sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho ban lãnh đạo mới không?

Trong nhiều trường hợp, ngay cả xã viên cũng không muốn những thành viên ban lãnh đạo cũ, dính dáng đến nợ nần và hệ lụy cũ, được chuyển giao quyền lực cho những người mới, bởi vì họ muốn những người này phải giải quyết xong những hệ lụy cũ xong mới được chuyển giao quyền lực.

Trong những trường hợp khác, ở những HTX làm ăn được, có những cơ sở hạ tầng có thể cho thuê được, kiếm lợi được, thì ban lãnh đạo cũ cũng muốn tham quyền cố vị, không sẵn sàng chuyển giao quyền lực.

Đó là chưa nói đến việc một số địa phương cách can thiệp của chính quyền vào HTX tương đối nặng nề, thông qua hệ thống giám sát của Đảng và các đoàn thể. Họ cũng không muốn có sự tham gia của những người mới với tư duy mới mà lại không nằm trong hệ thống quản lý của họ.

Vẫn còn những thách thức giằng níu như vậy, trong khi sức ép phải chuyển sang HTX kiểu mới đang thúc giục, vậy có cách gì để giải quyết?

Thứ nhất, mọi người đều thấy rằng cần có một chính sách đúng và một quyết tâm chính trị đủ mạnh để ở những vùng còn các HTX kiểu cũ tồn tại phải được xóa sạch hết, với bao nhiêu hệ lụy, nợ nần và vướng mắc phải giải quyết cho xong.

Thứ hai với việc thành lập các HTX kiểu mới nên làm từ nhỏ đi lên, giống như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là các tổ tín dụng, tổ đường nước… Khi làm với nhau, họ chọn ra người đầu đàn, có tinh thần trách nhiệm nhất, dám hy sinh nhất. Họ cũng biết năng lực của từng anh, anh thì giỏi về kỹ thuật, anh thì giỏi về dịch vụ, anh thì giỏi về phi nông nghiệp, anh thì giỏi về quản lý… để có thể phối hợp với nhau hiệu quả nhất. Nhưng điều quan trọng nhất là tạo niềm tin với nhau, gắn bó với nhau.

Thường thì trong cùng một cộng đồng cùng dân tộc, cùng tôn giáo việc thành lập hợp tác xã rất dễ.

Thứ ba là chính quyền và các đoàn thể của nhà nước phải hết sức hỗ trợ, theo cả hai nghĩa. Một là giúp HTX khi hình thành thoát ra khỏi những vướng mắc cũ. Thứ hai khi nó hình thành thì tiếp tục trợ giúp về cơ sở vật chất cho nó, vì dụ nó cần đất thì cấp đất cho nó, nó cần khuyến nông thì giúp khuyến nông, nó cần đào tạo thì giúp đào tạo, nó cần trụ sở thì cho nó mượn hội trường để họp xã viên…

Điều quan trọng trong hỗ trợ là đừng can thiệp. Có những nơi chính quyền bắt buộc giám đốc HTX phải là đảng viên. Hay có những nơi lãnh đạo chính quyêng lại đưa người nhà vào để hưởng chính sách… Nói chung, phải thực hành nguyên tắc tự nguyện, để cho những người trong HTX làm chủ.

Có những nơi doanh nghiệp phải hỗ trợ cho HTX, ví dụ giúp cho tiêu thụ nông sản, hay giúp về kỹ thuật, công nghệ.

Nói chung trong chuỗi giá trị của những cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp rất cần hợp tác xã.

Còn tiếp

Huỳnh Phan (thực hiện) - Kim Duyên