Dư luận gần đây nóng lên hai chuyện tương đối gần gũi nhau và cũng sát sườn với rất nhiều người dân: chuyện bắt buộc phải sang tên chính chủ xe máy và đổi bằng lái từ chất liệu giấy sang bằng chất liệu nhựa PET. 

Cả hai câu chuyện đều xoay quanh một vấn đề, là nhu cầu quản lý của cơ quan chức năng, và đều loay hoay muốn “quản” mà chưa có “lý.” Cả hai câu chuyện này đều là lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, chính vì thế cơ quan chức năng cố đưa ra những chính sách, ban hành văn bản và sau đó tiếp tục cố gắng lý giải, nhưng xem ra đều chưa ổn nên còn có nhiều ý kiến nhiều chiều từ phía dư luận. Đồng thời những vấn đề khó khăn chưa giải quyết được còn có nguyên nhân từ sự hiểu chưa đúng nguyên tắc pháp luật trên bình diện toàn xã hội.

Với chuyện xe chính chủ, trong khoa học pháp lý nói chung có một khái niệm là “quyền phải đăng ký” trong đó nhiều tài sản khi được mua bán, người chủ sở hữu hiện tại phải đưa tài sản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sở hữu, lúc đó thì quyền sở hữu đó mới trọn vẹn và được bảo vệ đầy đủ từ phía Nhà nước. Điều này đúng với các tài sản như nhà cửa, ô tô, xe máy… và đặc biệt, khi xây dựng luật thì các nhà làm luật cũng sẽ phải quan tâm đến quá trình dịch chuyển quyền sở hữu (sang tên đổi chủ) đối với các tài sản đó.

{keywords}

CSGT kiểm tra hành chính. Ảnh: Sơn Bình/ Tuổi trẻ

Về nguyên tắc, việc sang tên đổi chủ với các tài sản “cần phải đăng ký” là nghĩa vụ của cả hai bên, người bán và người mua. Nếu thủ tục này chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật thì nếu trong tương lai nảy sinh những sự cố về mặt pháp lý, trách nhiệm vẫn thuộc về cả hai bên. Người đang quản lý tài sản có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu giao tài sản đó cho người không có đủ điều kiện mà vẫn điều khiển, vận hành tài sản… Nhưng chủ sở hữu tài sản có thể phải chịu trách nhiệm liên đới về mặt dân sự nếu việc vận hành tài sản đó gây ra thiệt hại cho một người nào đó. Nếu nguyên tắc này được hiểu đúng, người bán cũng sẽ phải có trách nhiệm với việc đôn đốc nhắc nhở người mua trong việc đi sang tên đổi chủ cho tài sản.

Trong khi đó ở Việt Nam ta thì dường như nhiều người hiểu sai, rằng việc đi sang tên đổi chủ là trách nhiệm và nghĩa vụ của người mua, trong khi cần hiểu chính xác là “thủ tục do người mua thực hiện” chứ nghĩa vụ vẫn phải thuộc về cả hai bên. Đây là một tư duy dân sự, bắt nguồn từ quyền sở hữu đối với tài sản, do đó nó cũng nên được quản lý bằng một tư duy dân sự. Còn nếu cố gắng dùng biện pháp hành chính, tức là phạt người đi xe không chính chủ, điều đó giống như bắt chạch trong chum, khó khả thi.

Đơn cử, khi nghe các lãnh đạo CSGT giải thích rằng nếu xử lý trường hợp xe không chính chủ, cán bộ chiến sĩ có thể áp dụng biện pháp xác minh qua… điện thoại nghe đã không khả thi rồi. “Đương sự” chỉ cần chuẩn bị sẵn một kịch bản với “người trợ giúp qua điện thoại” là có thể “thoát hiểm.” Trong khi đó chỉ cần thay đổi tư duy, quy trách nhiệm cho đầy đủ các bên liên quan đến tài sản thì người dân sẽ tự giác phải đôn đốc nhắc nhở nhau đi sang tên khi tham gia các giao dịch dân sự mà không cần phải sửa luật hay ban hành thêm luật.

Chuyện đổi bằng lái xe PET cũng vậy– bằng lái xe dù bằng gì thì người chủ của nó cũng mất công sức đi học, đi thi, đóng lệ phí thi và cả tấm bằng đó cũng phải đóng tiền phí in ấn, đóng dấu… Có nghĩa nó chính là tài sản của người được cấp bằng. Bằng một mệnh lệnh hành chính, cơ quan quản lý nhà nước bắt các chủ sở hữu bằng lái phải đi đổi sang một giấy phép hoàn toàn tương đương về nội dung nhưng chỉ khác về chất liệu làm ra nó.

Trường hợp này, cơ quan ban hành chính sách thực hiện chức năng quản lý nhưng lại vi phạm quyền dân sự, là quyền sở hữu. Chính vì lẽ đó mà nó sẽ vấp phải sự phản đối của dư luận và chính Bộ tư pháp cũng phải lên tiếng về căn cứ pháp lý của nó. Điều này cũng cho chúng ta thấy rằng, quản lý hành chính Nhà nước không thuần túy là việc ban hành một chính sách, ra một quyết định… mà nó phải được căn cứ trên các Luật khác, đặc biệt là những gì liên quan đến người dân phải rà soát, đối chiếu xem mệnh lệnh hành chính ban hành có vi phạm những nguyên tắc về quyền dân sự của người dân hay không.

Hãy đặt giả thiết, nếu Bộ giao thông vận tải Việt Nam có thỏa thuận về việc sử dụng chung “có đi có lại” với cơ quan chức năng tương đương của các quốc gia khác, và tấm bằng PET in song ngữ Việt – Anh sẽ cho phép các lái xe sử dụng được ở nhiều quốc gia khác mà không phải đi chuyển đổi sang bằng nước sở tại, thì việc lôi kéo người dân tự nguyện đi đổi bằng lái sẽ dễ dàng hơn nhiều. Việc này ở xứ ta cũng đã có đề cập, nhưng kết quả của nó chưa rõ ràng nên cũng không mấy hấp dẫn…

Thời gian qua, chúng ta đã có những cố gắng lớn trong việc khuyến khích người dân tự nguyện thực hiện quyền và nghĩa vụ, như giảm thuế trước bạ cho xe cũ khi sang tên đổi chủ, mà các chuyên gia về luật đều công nhận đây là một tư duy tiến bộ. Tuy nhiên để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, cần phải có những tư duy tiến bộ hơn nữa, đặc biệt là việc xây dựng một tư duy dân sự làm xuất phát điểm, thì những quyết định hành chính sẽ thiết thực và hiệu quả hơn nhiều.      

Phúc Lai