Trong tiến trình cấu tạo chính sách, các quyết định đối ngoại của Hoa Kỳ đều phải được đánh giá trên cơ sở tác động tới vấn đề đối nội. Vì thế, phải chăng động lực chính yếu của Tổng thống Trump khi đưa ra quyết định dời tòa đại sứ đến Jerusalem là nhắm đến một khối cử tri đông đảo và vững chắc cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp.

Ngày 7/5/2018, Hoa Kỳ loan báo sẽ mở tòa đại sứ mới tại Israel ở Jerusalem, một động thái làm Israel hoan hỉ và làm cho người Palestine tức giận.

Động thái này được lèo lái bởi Tổng thống Donald Trump, người mà cuối năm ngoái đã phá bỏ chính sách của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trên thế giới. Tổng thống Trump cho hay “chính quyền của ông có một đề xuất hòa bình, và việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel giúp tháo gỡ phần khó khăn nhất của sự thương thảo ngoại giao”.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đón mừng quyết định của Tổng thống Trump, nhưng quyết định này lại làm cho thế giới Ả Rập và các đồng minh phương tây của Mỹ thất vọng. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi đây là “một cái tát vào mặt” khối Ả Rập. Ông cho rằng Hoa Kỳ có thể không giữ được vị trí trung gian lương thiện trong bất kỳ cuộc hòa đàm nào với Israel.

{keywords}
Mỹ mở đại sứ quán mới ở Jerusalem.

Những lí do nào dẫn đến bước đi gây nhiều tranh cãi này của Tổng thống Donald Trump?

Trước tiên, từ lâu đã có áp lực từ các chính trị gia thân Do Thái tại Washington yêu cầu di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ đến Jerusalem. Nên nhớ trong 100 nghị sĩ tại thượng viện Hoa Kỳ, có đến trên dưới 30 nghị sĩ có gốc Do Thái, trong khi dân số gốc Do Thái chỉ chiếm chưa tới 1,5% dân số Hoa Kỳ.

Theo thống kê chính thức của Israel vào năm 2017, dân số Do Thái tại chính lãnh thổ Israel là 6,5 triệu người (chiếm 49,3% dân số Do Thái trên toàn thế giới), trong khi Hoa Kỳ có 5,3 triệu dân gốc Do Thái, chiếm 40,2% tổng số dân Do Thái trên toàn cầu. Ông Trump đã cam kết trước cử tri thân Do Thái việc di chuyển này trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016. Quyết định di chuyển này làm hài lòng khối cử tri bảo thủ và tín đồ Cơ đốc giáo, là những người đã bỏ phiếu cho ông Trump và ủng hộ việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ông Trump đã hành động chiếu theo một đạo luật năm 1995 của Quốc hội Mỹ đòi hỏi chính quyền Hoa Kỳ phải di chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem muộn nhất là vào năm 1999. Các Tổng thống tiền nhiệm như Bill Clinton và George W. Bush đều hứa hẹn sẽ thực hiện sự di chuyển này, nhưng lại trì hoãn bằng việc ký giấy triển hạn 6 tháng một lần, như đã được cho phép bởi đạo luật nói trên, vì lo sợ gây nhiều xáo trộn tại vùng đất vốn lúc nào cũng là một thùng thuốc súng sẵn sàng phát nổ.  

Nhìn về lịch sử, Jerusalem đã bị tranh giành trong cả nghìn năm bởi các cư dân của nó, bởi các quyền lực trong vùng và những kẻ xâm lăng. Nó cũng là vùng đất thiêng liêng của Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, và Hồi giáo, và mỗi tôn giáo đều có các di tích với ý nghĩa tôn giáo lớn lao ở đó.

Chính quyền Israel khẳng quyết rằng, Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu và bất khả phân chia của người Do Thái, trong khi Palestine cũng quyết đoán không kém, nói rằng Khu Đông Jerusalem phải là thủ đô của một Nhà nước Palestine trong tương lai.

Trung tâm thành cổ của Jerusalem là nơi có Khu Mộ Chúa của người Cơ đốc, cũng như có Vòm Đá của Hồi giáo. Di tích còn sót lại sau hàng nghìn năm của Do Thái là Bức Tường Than Khóc, nơi cầu nguyện và nhắc nhở dân Do Thái về nạn mất nước và nguy cơ diệt vong. Đây đều là các di tích quan trọng bậc nhất của cả ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Thành phố là địa điểm hành hương của các tín đồ Cơ đốc giáo, tôn kính nó như địa điểm mà họ tin tưởng rằng là nơi Chúa Jesus đã thuyết giáo, mất đi và phục sinh.

Vào năm 1947, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định rằng vùng đất Palestine khi đó do người Anh cai trị phải được phân chia thành một quốc gia Ả Rập và một quốc gia Do Thái.  Nhưng Liên hợp quốc đã nhìn nhận Jerusalem có một quy chế độc lập và đề nghị đặt thành phố này dưới một sự quản trị quốc tế, cùng với thành phố Bethlehem cạnh đó, như một “bộ phận tách biệt” sẽ được quản trị bởi Liên hợp quốc.

Điều đó đã không hề xảy ra, khi sự cai trị của Anh chấm dứt vào năm 1948, các lực lượng Jordan đã chiếm đóng Thành Cổ và khu Đông Jerusalem. Israel đã chiếm đoạt khu Đông Jerusalem từ Jordan trong cuộc chiến tại Trung Đông năm 1967 và đã sáp nhập nó. Thành phố Jerusalem từ đó nằm dưới quyền kiểm soát của Israel.

Năm 1980, quốc hội Israel đã thông qua một đạo luật tuyên bố toàn thể thành phố Jerusalem thống nhất là thủ đô của Do Thái, nhưng Liên hợp quốc vẫn coi Khu đông Jerusalem bị chiếm đóng phi pháp, và tình trạng pháp lý của thành phố sẽ còn gây tranh cãi cho đến khi được giải quyết bằng các cuộc thương thảo giữa Israel và Palestine.

Một điều quan trọng cần ghi nhận là phản ứng của các tín đồ Cơ đốc giáo trong nội địa Hoa Kỳ về Jerusalem.

Hàng triệu cặp mắt tín đồ Cơ đốc giáo chờ đợi để xem ông Trump có giữ lời hứa hẹn khi tranh cử về việc di chuyển đại sứ quán hay không. Mục Sư John Hagee, người sáng lập và điều hành Cornerstone Church, một nhà thờ lớn tại San Antonio, Texas, đã nói với hãng thông tấn Fox News trước khi có lời loan báo của Tổng thống Trump: “Tôi có thể bảo đảm với ông rằng 60 triệu tín đồ Cơ đốc giáo đang canh chừng lời hứa hẹn này một cách chặt chẽ bởi nếu Tổng thống Trump di chuyển tòa đại sứ đến Jerusalem, ông sẽ bước vào sự bất tử trong lịch sử". Mục Sư Hagee nói tiếp, “Ông sẽ được ghi nhớ hàng nghìn năm về hành vi can đảm của ông khi đối xử vớiIsrael giống như chúng ta vẫn đối xử với các nước khác”.  Điều này đã khích lệ ông Trump hành động để giữ lời cam kết.

Tuy nhiên, ta có thể xét đoán rằng Tổng thống Trump không thể không ước tính tới các phản ứng của công luận thế giới, các đồng minh Tây Âu, đặc biệt là của người dân Palestine và khối Ả Rập. Nguy cơ một cuộc chiến tranh tôn giáo, kể cả xung đột vũ trang đẫm máu và kéo dài bị nâng cao đến mức chưa từng có. Đây chính là điều khiến cho các Tổng thống tiền nhiệm của ông Trump chùn tay, không dám thực hiện việc di chuyển tòa đại sứ đến Jerusalem dù đã hứa hẹn khi ra tranh cử. 

Với quyết định gây nhiều tranh cãi, về mặt đối ngoại, Tổng thống Trump đã chứng tỏ với người Do Thái rằng Mỹ luôn là kẻ chống lưng vững chắc, đáng tin cậy nhất của Israel, một quốc gia vẫn được xem là cánh tay nối dài của nước Mỹ tại vùng Trung Đông, giúp Hoa Kỳ dễ dàng kiểm soát một khu vực có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất trên thế giới. Israel là nước tiếp nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ Thế Chiến II.

Tính đến nay, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Israel 134,7 tỷ đô la Mỹ (theo thời giá) trong viện trợ song phương và tài trợ phòng thủ bằng hỏa tiễn. Hầu hết tất cả viện trợ song phương cho Israel là dưới hình thức viện trợ quân sự, mặc dù trong quá khứ, Israel cũng nhận được viện trợ kinh tế đáng kể. 

Hồi tháng 9/2016, Hoa Kỳ và Israel đã ký kết một Bản ghi nhớ về viện trợ quân sự 10 năm, từ tài khóa 2019 đến 2028, theo đó Hoa Kỳ hứa hẹn cung cấp 38 tỷ đô la về viện trợ quân sự, gồm 33 tỷ viện trợ không hoàn lại trong chương trình tài trợ quân sự nước ngoài cộng với 5 tỷ chuẩn chi cho chương trình phòng thủ hỏa tiễn cho Israel. Điều này không thể tách rời khỏi quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Có một điều cần phải đặc biệt chú ý, trong tiến trình cấu tạo chính sách, các quyết định đối ngoại của Hoa Kỳ đều phải được đánh giá trên cơ sở tác động tới vấn đề đối nội. Vì thế, phải chăng động lực chính yếu của Tổng thống Trump khi đưa ra quyết định này là nhắm đến một khối cử tri đông đảo và vững chắc cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp.

Nguyễn Văn Hưởng

Tướng Hưởng dự báo: 2018 tiềm ẩn nhiều bất ổn và xung đột

Tướng Hưởng dự báo: 2018 tiềm ẩn nhiều bất ổn và xung đột

Chủ nghĩa dân tộc, dân tuý ở Mỹ và thế giới phương Tây đang mở đường cho một thế giới đầy chia rẽ, dễ dẫn tới mất an ninh ở nhiều khu vực trong năm 2018.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Đo bằng sự mờ dần của “bóng ma” chiến tranh

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Đo bằng sự mờ dần của “bóng ma” chiến tranh

Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp ở "cấp độ cực cao" trước Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra mùa hè này.

Những sai lầm tính toán địa chính trị của Bashar al-Assad

Những sai lầm tính toán địa chính trị của Bashar al-Assad

Khi một giải pháp chính trị được dàn xếp, chắc chắn bên thiệt hại lớn nhất là Syria với các nền tảng vật chất bị tàn phá và các thế hệ người Syria chìm trong bạo lực.