Hôm 25/10, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các trường hợp kỷ luật Đảng nói chung, trong đó có trọng điểm xử lý tại Bộ Công Thương là để cảnh báo mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng và cả pháp luật nhà nước, chứ không có “vùng cấm” và không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

{keywords}
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc.

PV: Thưa ông, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra thông báo về nội dung Kỳ họp thứ VII, trong đó có kết luận về những vấn đề tồn tại tại Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011- 2016, ông có đánh giá gì về kết luận này?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Thông báo kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các trường hợp kỷ luật Đảng nói chung, trong đó có trọng điểm xử lý tại Bộ Công Thương có liên quan đến trách nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và cá nhân đồng chí nguyên Bí thư, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và việc đó cũng được xử lý ngay sau khi có đánh giá về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12.

Điều đó khẳng định quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống biểu hiện tiêu tực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, liên quan đến việc “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” được Đảng và nhân dân ủng hộ.

Việc công bố hình thức thi hành kỷ luật cho thấy Đảng lần này làm rõ địa chỉ, rõ cơ quan đơn vị vi phạm. Ở đây không có chuyện “hạ cánh an toàn”, vi phạm nếu đã thôi công việc hoặc đã chuyển công việc khác đều phải thi hành nghiêm kỷ luật của Đảng.

Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng. Đây mới chỉ là kỷ luật Đảng, từ kỷ luật Đảng là cơ sở xử lý bên chính quyền, nhà nước.

Từ kỷ luật Đảng đi đến xử lý bằng pháp luật chứ không chỉ dừng kỷ luật Đảng.

Với những trường hợp thi hành kỷ luật Đảng sau này phải tiếp tục để điều tra làm rõ thêm xem chuyện tham nhũng làm thất thoát hàng nghìn tỷ mà Trịnh Xuân Thanh đã làm.

Tất cả phải được xem xét đầy đủ về phương diện pháp luật, nếu có những yếu tố vi phạm pháp luật hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ kỷ luật Đảng. Nếu có liên quan đến chuyện lợi ích nhóm, chống tham nhũng thì phải tiếp cận đến nơi để xử lý triệt để.

Vậy bài học của việc xử lý có tác dụng như thế nào đối với công tác quản lý cán bộ hiện nay, thưa ông?

- Ý nghĩa của việc làm này là ta phải siết chặt kỷ luật Đảng, pháp luật của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 để cảnh báo mọi cán bộ Đảng viên dù ở cấp nào thì cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng và cả pháp luật nhà nước, chứ không có vùng cấm và không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Dù đã nghỉ hưu, chuyển công tác nếu có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước thì tiếp tục được xử lý. Đó là cái nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước.

Điều đó có ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên đương chức ngày nay và những cán bộ đương chức đó phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức hành động của mình để làm sao tuân thủ đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Theo ông, vi phạm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở mức kỷ luật Đảng đã phù hợp chưa?

- Với tư cách làm về nghiên cứu và là một công dân tôi thấy kỷ luật như vậy xét tổng thể về mặt cả lý, cả tình cũng được. Nhưng để đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng như vậy là còn nhẹ. Tổ chức đảng, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương chỉ khiển trách thôi quả thật là nhẹ.

Tất nhiên đánh giá kỷ luật Đảng không phải cứ làm nặng nề mới là nghiêm minh. Quan trọng là xem xét ảnh hưởng của kỷ luật ấy nó mang lại cái gì cho Đảng và những người khác để biết mà tránh đi.

Từ câu chuyện này, theo ông công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới phải tập trung vào những nội dung nào để tránh những trường hợp xảy ra không mong muốn?

- Có 3 điều tôi nghĩ tới trong giữ vững kỷ luật Đảng, phòng chống suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Thứ nhất, phải kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị của Đảng với tự tu dưỡng, rèn luyện đảng viên. Nếu chỉ quan tâm mặt giáo dục mà không chú ý nêu cao trách nhiệm, tự tu dưỡng của từng cán bộ, đảng viên, cái tâm của mình và trách nhiệm đảng viên trước dân trước đảng thì dù có giáo dục, tác động bên ngoài bao nhiêu cũng khó chuyển biến.

Thứ hai, theo tôi phải chú ý kiểm soát quyền lực. Tôi luôn nhấn mạnh Đảng kiểm soát quyền lực không phải theo nghĩa hiểu thông thường là Luật pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát nhau.

Cái đó là lẽ đương nhiên mà một Nhà nước pháp quyền phải làm điều tôi muốn nói Đảng cầm quyền thì Đảng phải kiểm soát quyền lực.

Đảng đã giao trách nhiệm cho đảng viên của mình nắm các trọng trách trong bộ máy nhà nước thì đồng thời Đảng, tổ chức Đảng phải giám sát từ TW, Ban Chấp hành TW phải giám sát các lãnh đạo mà mình đã phân công.

Ở dưới cấp ủy địa phương cũng như thế, chính tổ chức Đảng phải đứng ra giám sát. Giám sát kiểm soát quyền lực mà làm tốt thì sẽ bớt đi rất nhiều những thoái hóa, biến chất.

Điều cuối cùng, theo tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại giám sát của nhân dân, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và báo chí. Phần lớn các vụ việc đều do báo chí phát hiện.

Do đó, bây giờ làm thế nào để khơi dậy được trách nhiệm của các đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là các cơ quan báo chí nhất định công tác giám sát sẽ thực hiện tốt.

Khi giám sát mà phát hiện có dấu hiệu là phải vào cuộc ngay. Vừa qua chúng ta mới chỉ đi để giải quyết hậu quả thay vì ngăn chặn từ xa.

Chính ngăn chặn từ xa ấy nó sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi những tham nhũng tiêu cực. Ngay cả trong việc bảo vệ đất nước bây giờ là phòng từ xa chứ không phải xảy ra mới hành động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Na (thực hiện)/ theo Đại đoàn kết