- Tuần Việt Nam đi tìm  những nguyên nhân, nhận diện bản chất ẩn sâu trong mối tương tác phức hợp nhiều yếu tố của mối quan hệ thương mại bất đối xứng Việt - Trung.

Quan hệ thương mại Việt - Trung là mối quan hệ bất đối xứng nếu không nói là Việt Nam đang yếu thế, bị chèn ép trên nhiều phương diện. Con số thâm hụt của Việt Nam 16 tỷ đô la hàng năm, lớn hơn cả thặng dư Việt Nam kiếm được từ thị trường Mỹ  và EU cộng lại; lớn hơn 10% GDP của Việt Nam chỉ là thiệt thòi trước mắt. Về lâu dài nếu không khắc phục và điều chỉnh, Việt Nam sẽ phải trả giá nặng nề hơn cho mối quan hệ bất đối xứng này đến cả thế hệ mai sau.

Tuần Việt Nam đã tổ chức bàn tròn trao đổi vấn đề này với một số  nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà tư vấn, nghiên cứu doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm ra những nguyên nhân, nhận diện bản chất ẩn sâu trong mối tương tác phức hợp nhiều yếu tố trong mối tương quan từ lịch sử và hiện tại nhằm nhận diện ra những đầu mối chính của sự việc, qua đó, tìm ra những gợi mở, giải pháp....

Phần 1: Nhận diện từ lịch sử đến hiện tại

Nhà nghiên cứu lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Nhã từ TP.HCM với tư  cách là khách mời của Tuần Việt Nam đã nêu ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định như sau:

Từ xưa các vương triều Trung Hoa vẫn thường cho rằng Việt Nam là "thuộc quốc", "chư phiên" của họ. Họ không muốn Việt Nam mạnh. Đáng ngạc nhiên là mới đây tôi có xem được một tài liệu nghiên cứu nội bộ của họ dùng cho cán bộ cấp cao của họ tham khảo, xác định rằng, Việt Nam thuộc Trung Quốc!

Thưa tiến sĩ Nguyễn Nhã, Việt Nam là nước nhỏ bên cạnh nước Trung Hoa khổng lồ, các triều đại Việt Nam xưa kia vẫn phải "triều cống"để giữ yên bờ cõi, độc lập dân tộc. Vậy còn trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước, thời phong kiến diễn ra như thế nào?

Thực ra, thời phong kiến ta luôn phải nộp cống cho họ song đó chỉ là ngoại giao. Còn lại, ta vẫn giữ được độc lập tự chủ hoàn toàn.

Về kinh tế, hàng ngàn năm qua ta không lệ thuộc kinh tế Trung Quốc. Triều đình nước ta chỉ đơn thuần nộp cống chứ giữa các bên không có giao lưu kinh tế gì cả!

{keywords}
Quan hệ thương mại giữa 2 bên phải đạt được mục tiêu cả 2 cùng có lợi chứ quan hệ mãi để biến ta thành nơi họ đẩy rủi ro cho thì nguy hiểm!

Vậy Việt Nam bắt đầu giao thương với nước ngoài từ lúc nào và diễn biến ra sao?

Tới thế kỷ 17 mới có những nhà buôn phương Tây đến nước ta. Chúa Trịnh đã cho họ đến phố Hiến buôn bán. Ở đàng trong cho thương nhân nước ngoài đến Hội An.

Thời nhà Mãn Thanh bên Trung Quốc, nhiều công thần của nhà Minh chạy qua nước ta. Nhà Nguyễn  đã dung nạp họ, cho vào Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên sinh sống. Họ sống bằng nghề buôn bán. Từ đây, người Hoa có vai trò nhất định trong nền kinh tế nước ta.

Sang thời Pháp thuộc, nhà nước cho du nhập nhà buôn vào nhiều và mở rộng buôn bán thêm ở nhiều nơi. Ở Hà Nội ra đời phố Hàng Buồm. Trong Sài Gòn có khu Chợ Lớn buôn bán rất sầm uất.

Kể từ đây ngành thương mại phát triển và mở rộng với nhiều vùng, quốc gia, trong đó có Trung Quốc.

Với tư cách là  nhà nghiên cứu lịch sử, ông ghi nhận mối quan hệ thương mại với Trung Quốc bắt đầu diễn ra mạnh mẽ thời điểm nào?

Có thể nói bắt đầu từ hội nghị Thành Đô năm 1990 sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Buôn bán giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ.

Trong mối quan hệ này, Trung Quốc lợi thế hơn Việt Nam nhiều. Họ đã mở cửa sớm, được tư bản Mỹ, phương Tây và Nhật Bản đầu tư hỗ trợ vốn, công nghệ, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc đã tận dụng tối đa thế mạnh này để chèn ép, lũng đoạn kinh tế.

Cho tới nay nguy cơ nền kinh tế  Việt Nam bị Trung Quốc lũng đoạn chi phối để không thể mạnh lên được là rõ ràng. Và, tôi cho rằng họ chưa dừng ở đây đâu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị  Dung, nguyên phó chủ nhiệm khoa kinh tế ngoại thương của trường Đại học Ngoại thương, chuyên viên tổ chức Jaika (Nhật Bản) nhận định:

Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Trung Quốc đã học rất nhanh bài bản của tư bản ở phương tây và Mỹ thế  kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để "chơi"  với ta.

Khu vực biên giới Việt Trung đầy các kho hàng Trung Quốc áp sát mà ta không thể kiểm soát. Từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau đâu đâu cũng có hàng lậu Trung Quốc, không kiểm soát nổi.

Không chỉ hàng hóa, những gì Trung Quốc cần thải ra, họ đều tống qua biên giới. Công nghệ cũ lẽ ra làm phế liệu cũng đẩy qua. Đến nỗi, gà bệnh gà già cũng đi lậu tràn qua.

Hàng lậu Trung Quốc đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính sợ... Nhiều doanh nghiệp chết tức tưởi.

Sau bao năm mở cửa cho kinh tế thị  trường, nước ta đã có thị trường hàng hóa. Nhưng đó là thị trường hàng hóa nước ngoài. Còn thị trường hàng hóa cho hàng trong nước ta còn rất yếu.

Có thể ví von như thế  này, một cô gái đẹp lấy chồng thì phải chọn chồng như thế nào. Lấy anh chồng để cùng sống cộng sinh thì được, chứ lấy phải anh chồng để nuôi báo cô thì thật là bi kịch! Tương tự, quan hệ thương mại giữa 2 bên phải đạt được mục tiêu cả 2 cùng có lợi chứ quan hệ mãi để biến ta thành nơi họ đẩy rủi ro cho thì nguy hiểm!

Thưa tiến sĩ Dung, sẽ là không đầy đủ nếu không đặt mối quan hệ  thương mại Việt- Trung trong tổng thể quốc tế hiện nay, nhất là về địa- chính trị? Theo tiến sĩ, trên thế giới còn nhiều quốc gia văn minh, tiên tiến hơn Trung Quốc. Nếu Trung Quốc "chơi" không đẹp, chèn ép ta quá, ta có thể giao thương với nước khác?

Vấn đề không đơn giản như vậy! Ta và Trung Quốc sát bên nhau, là láng giềng chung biên giới. Trung Quốc đang lớn mạnh không ngừng, là cường quốc kinh tế thế giới rồi. Quan hệ  thương mại giữa ta và họ không thể ngăn cản được trừ khi ta bế quan tỏa cảng. Ta và họ đều là thành viên WTO nữa mà.

Cách đây khoảng 10 năm, hội nghị G 7 của các cường quốc kinh tế thế giới (không có Trung Quốc) đã phân chia Việt Nam ra làm 3 khu vực đầu tư của họ. Phía Bắc là Nhật Bản, miền Trung là EU, miền Nam là Mỹ. Trung Quốc "sinh sau đẻ muộn", không chấp nhận trật tự này, đã "quậy" tưng bừng. Họ muốn khống chế biển Đông để nắm nguồn năng lượng, thoát khỏi phụ thuộc.

(Còn nữa)

Duy Chiến