Khi Washington quyết định tham gia các cuộc thương lượng về TPP, sự quan tâm của Bắc Kinh lớn dần.
Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) đa phương nhằm tự do hóa các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của TPP đã khiến Trung Quốc có chút lo ngại.
Ban đầu, thỏa thuận này được ký giữa bốn nước (Brunei, Chile, New Zealand và Singapore) vào ngày 3/6/2005, và có hiệu lực từ ngày 28/3/2006. Đến năm 2008, thêm 5 nước (Australia, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam) đã bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập nhóm này. Ngày 12/11/2011, lãnh đạo của 9 nước đối tác TPP thông báo đường hướng chính của một TPP mở rộng: thúc đẩy phát minh, tăng trưởng kinh tế và phát triển, ủng hộ sự sáng tạo và duy trì công ăn việc làm giữa 9 nền kinh tế năng động của châu Á - Thái Bình Dương. Các cuộc đàm phán tiếp theo vẫn đang diễn ra, với Nhật Bản, Canada, và Mexico cũng đã cho thấy một lợi ích to lớn khi gia nhập nhóm này.
Trung Quốc tích cực thúc đẩy sự hội nhập kinh tế khu vực Đông Á, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các nền kinh tế láng giềng bên ngoài. Lịch trình của TPP được nhiều nhà hoạch định chính sách và học giả Trung Quốc coi là một sức mạnh có thể phá vỡ quá trình hội nhập kinh tế khu vực Đông Á. Hơn nữa, một số học giả và giới chính sách có tiếng nói tại Trung Quốc vẫn cho rằng lý do chính khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ chương trình của TPP là mong muốn dùng thỏa thuận này như một công cụ nhằm kiềm chế về mặt kinh tế sự nổi lên của Trung Quốc.
Nhìn vào những nguyên tắc về tài chính, kinh tế và an ninh của các cuộc thương lượng TPP, bài viết này nhằm đưa ra những đánh giá của Trung Quốc về chương trình TPP, nêu ra các chiến lược mà Bắc Kinh có thể sử dụng để đáp lại sự phát triển nhanh chóng của TPP, và thảo luận các ràng buộc cũng như hạn chế của các chiến lược FTA tương ứng của Trung Quốc, cũng như chứng tỏ các chiến lược này sẽ ảnh hưởng thế nào tới hệ thống thương mại toàn cầu về lâu dài.
Đánh giá của Trung Quốc về TPP
Trung Quốc không chú ý nhiều đến TPP khi các nước đầu tiên ký kết thỏa thuận này năm 2005. Nhưng khi Washington quyết định tham gia các cuộc thương lượng, sự quan tâm của Bắc Kinh lớn dần. Khi Mỹ công bố đề xuất chính thức về lịch trình đàm phán TPP - cho thấy lịch trình này từ một ý tưởng đã trở thành một sáng kiến chính sách quan trọng - tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Hawaii năm 2011, thì các học giả Trung Quốc đã phản ứng. Họ đưa ra một đánh giá toàn diện về ý định của Mỹ khi thúc đẩy các cuộc đàm phán TPP, cũng như tác động có thể có của thỏa thuận này đối với Trung Quốc.
Đánh giá các ý định của Mỹ
Khi lịch trình của TPP diễn tiến, một số học giả Trung Quốc cho rằng ý định chính của Mỹ đằng sau việc tham gia đàm phán đơn giản là thúc đẩy nền kinh tế trong nước thông qua tăng xuất khẩu vào châu Á - Thái Bình Dương.
Du Lan, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), cho rằng ý định thực của Mỹ là tái cấu trúc nền kinh tế nước này, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tăng trưởng kinh tế nhanh ở Đông Á, và duy trì đà phục hồi kinh tế của mình. Wu Zhenglong, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Trung Quốc, ghi nhận: "với việc tăng gấp đôi xuất khẩu trong 5 năm tới và tạo ra 2 triệu việc làm mới, Mỹ rất mong muốn mở cửa thị trường trong nước với nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hơn nữa và giảm thuế thông qua khuôn khổ TPP".
Pang Zhongying, một giáo sư tại Đại học Renmin của Trung Quốc, cũng nói: "TPP, đúng như điều mà Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại diện thương mại Mỹ thông báo với công chúng, thuần túy là để nước Mỹ đang trượt sâu vào suy thoái có thể "đổ xô" vào thị trường của một khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng thịnh vượng.
Theo nghiên cứu thực nghiệm của một số học giả Trung Quốc, nếu TPP được thương lượng thành công và được thực thi, nó có thể mang lại tác động tích cực về kinh tế đối với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế trực tiếp mà TPP mang lại có thể không đáng kể, đặc biệt là trong ngắn hạn. Điều này khiến một số học giả cho rằng ý định thực sự của Mỹ là giành các lợi ích kinh tế lâu dài gián tiếp, bao gồm tăng cường quan hệ thương mại giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Mỹ, giúp các doanh nghiệp Mỹ hưởng một môi trường FTA, và đảm bảo quy chế của Mỹ là "người ra luật chơi" trong các quy định thương mại khu vực.
Dù các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng lợi ích của họ trong TPP chủ yếu là về kinh tế, nhưng các học giả khác của Trung Quốc vẫn khá hoài nghi. Họ cho rằng động cơ chính của Mỹ, giống như các FTA mà nước này đã thiết lập với các nước khác trong lịch sử, không phải là kinh tế mà mang tính địa chính trị. Họ đưa ra một số xu hướng.
Thứ nhất, Trung Quốc nên phân tích các động cơ của Mỹ từ một góc độ chiến lược, gắn TPP với sự chuyển trọng tâm của Mỹ tới châu Á gần đây. Fu Mengzi, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương thời của Trung Quốc (CICIR), cho rằng: "TPP phản ánh thực tế là Mỹ đang thực hiện một bước tiến lớn trong chiến lược trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Thứ hai, Li Xiangyang, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện hàn lâm Các khoa học xã hội (CASS), cho rằng cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung nên được xem là một yếu tố quan trọng khi phân tích TPP, và mục đích chính trị chính của Mỹ khi gia nhập TPP là kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc ở Đông Á.
Tương tự, Yang Jiemian, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng chiến lược của Mỹ nhằm "trung hòa" và "giảm" ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều có thể được coi là một "cuộc đối đầu mềm".
Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà báo Ding Gang viết: "Mỹ không muốn bị Trung Quốc lấn sân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương... TPP bề ngoài là một thỏa thuận kinh tế, nhưng chứa một mục đích chính trị rõ ràng là kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc".
Thứ ba, một số học giả cho rằng ý định thực sự của Mỹ là cản trở quá trình hội nhập kinh tế khu vực Đông Á, nẫng tay trên của Trung Quốc và trở thành cường quốc kinh tế chế ngự khu vực này. Các chuyên gia kinh tế và quan hệ quốc tế cũng ủng hộ quan điểm này.
Trước đó, hầu hết các chương trình hợp tác Đông Á không bao gồm Mỹ. Quá trình hội nhập kinh tế hiện nay của khu vực là một khuôn khổ "10+3" (giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc). Khuôn khổ này gạt Mỹ ra ngoài bàn đàm phán, khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ với các nước Đông Á giảm đi.
Để tăng cường các quan hệ kinh tế với Đông Á, Mỹ đã tích cực thúc đẩy phong trào của khuôn khổ APEC và hy vọng các cuộc đàm phán APEC sẽ góp phần tạo ra một thỏa thuận nhằm thiết lập một FTA của châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Tuy nhiên, ý tưởng này đã không trở thành hiện thực và APEC đã dần dần biến thành một nơi trao đổi đa phương trên danh nghĩa của các Bộ trưởng Thương mại châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với việc tầm ảnh hưởng trong khu vực giảm dần, Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị gạt ra ngoài lề. Vì vậy, theo một số học giả, Mỹ đã tham gia TPP để bấu víu vào quá trình hợp tác kinh tế khu vực Đông Á và làm mới lại quan hệ cộng tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số người con đi xa hơn khi khẳng định rằng Mỹ không chỉ muốn kiềm chế Trung Quốc, mà còn muốn phá tan cả quan hệ hợp tác kinh tế khu vực Đông Á, mở đường cho Mỹ đòi lại quyền bá chủ trên toàn khu vực Đông Á.
Tác động của TPP đối với Trung Quốc
Phân tích từ ảnh hưởng về lý thuyết của TPP đối với Trung Quốc, hầu hết học giả Trung Quốc cho rằng việc thực thi thành công thỏa thuận này sẽ có tác động xấu tới Trung Quốc. Tác động tiêu cực đó bao gồm "đánh trệch hướng thương mại", khi một FTA chuyển thương mại từ một nhà xuất khẩu hiệu quả hơn sang một nhà xuất khẩu kém hiệu quả hơn. Vì một số nước thành viên TPP là nước đang phát triển, nên hoạt động xuất khẩu của họ cũng giống như của Trung Quốc, nhưng giá cả hàng hóa của họ lại thấp hơn. Điều này gây ra cạnh tranh giữa Trung Quốc với các nước đang phát triển này. Trong bối cảnh đó, TPP sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Mối đe dọa này ngày càng tăng nếu Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán TPP, vì Nhật Bản có một tỷ trọng thương mại lớn và một quan hệ thương mại cạnh tranh với Trung Quốc từ lâu. Sự tham gia của Nhật Bản khiến TPP trở nên càng nguy hiểm hơn đối với các lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
TPP cũng có thể đe dọa quy chế địa chính trị của Trung Quốc về lâu dài. Shen Minghui, một chuyên gia nghiên cứu tại CASS, cho rằng việc thực thi TPP sẽ thu hút các nước ASEAN và các đồng minh khác của Mỹ tại Đông Á theo chính sách thân Mỹ, ủng hộ sự trở lại của Mỹ ở Đông Á, khiến các nước này dần xa lánh Trung Quốc. Đây sẽ là một mối đe dọa lớn đối với chiến lược và quy chế của Trung Quốc tại khu vực Đông Á. Ông Shen cảnh báo Trung Quốc nên chú ý đến các tác động địa chính trị của TPP, và đáp lại một cách chiến lược.
Tuy nhiên, các học giả khác tin rằng Trung Quốc không cần phải lo lắng về những mối nguy hại tiềm ẩn mà TPP mang lại. Ông Huang Renwei, Phó Chủ tịch SASS, và Zhu Feng, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng TPP sẽ có tác động nhỏ lên Trung Quốc vì các nước tại châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Vì vậy, họ không thể đánh mất quan hệ thương mại đáng giá với Trung Quốc. Hơn nữa, nếu Trung Quốc có thể thúc đẩy các cơ chế hợp tác kinh tế của mình tại Đông Á, như khuôn khổ 10+3, sự phát triển kinh tế khu vực sẽ tiếp tục được thúc đẩy và đối lại với sự thống trị của TPP. Như vậy, Trung Quốc chỉ cần tiếp tục tự tin, điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế lâu dài của nước này.
Phân tích trên đây chủ yếu dựa trên giả định rằng TPP có thể được thương lượng và thực thi thành công. Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc dự báo điều đó sẽ không xảy ra, và vì thế Trung Quốc không cần phải lo lắng gì về TPP hiện nay. Mei Xinyu, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Trung Quốc về Hợp tác Kinh tế và Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng các tiêu chuẩn cao mà TPP theo đuổi và trình độ phát triển kinh tế khác nhau của các nước tham gia sẽ khiến việc thực thi thỏa thuận này rất khó khăn.
Sheng Bin, một giáo sư kinh tế của trường Đại học Nankai, cũng cho rằng tình trạng chia rẽ trong nền chính trị tại Mỹ (như giữa Quốc hội với Tổng thống, giữa hai đảng chính, và sự phản đối của các nhóm lợi ích khác nhau) là những nhân tố ngăn cản đàm phán TPP thành công.
Hơn nữa, một số học giả Trung Quốc lại gắn TPP với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ. Yuan Peng, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Phi tại CICIR, cho rằng đương kim Tổng thống Barack Obama đã sử dụng TPP để thúc đẩy chương trình tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới, như một chiến thuật để thu hút nhiều lá phiếu hơn. Nhưng ai biết được liệu Tổng thống Mỹ, hay cả công chúng Mỹ, có còn ủng hộ TPP sau cuộc bầu cử hay không?
Châu Giang theo csis
Còn tiếp