Những người đôi khi công khai tuyên bố rằng Trung Quốc đang "ra ngoài để chén bữa trưa của chúng ta" và cáo buộc chính sách "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc là một thủ đoạn che đậy thách thức mà nước này thực sự đặt ra.
Giới truyền thông đã chú ý rất nhiều đến quan điểm của Thượng nghị sĩ Chuck Hagel về Iran, Israel và cả người đồng tính. Nhưng nhiều sự quan tâm hơn cả đổ dồn vào cách ông nhìn nhận Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của Mỹ sẽ phải đối mặt với một quyết định chiến lược quan trọng mà sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trật tự thế giới, đến cấu trúc các lực lượng quân sự của Mỹ và quy mô ngân sách quốc phòng của nước này trong nhiều thập niên tới. Quyết định đó liên quan đến cách thức đối xử với Trung Quốc hoặc như một nước mà quân đội Mỹ sớm hay muộn sẽ phải đương đầu - hay như một quốc gia mà Mỹ có thể cùng tồn tại một cách hòa bình.
Ai đó có thể nói rằng trục xoay tới châu Á của chính quyền Obama trong năm 2011 chứng tỏ quyết định ấy đã được đưa ra và một cuộc xung đột tương lai là không thể tránh khỏi. Nhưng tuyên bố của ông Obama - rằng khu vực Viễn Đông sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu khi mà sự hiện diện của Mỹ ở Cận Đông giảm bớt - để ngỏ cho khá nhiều cách diễn giải khác nhau.Thật vậy, không ít người coi đó là tín hiệu rõ ràng rằng thời gian tới Mỹ sẽ dịch chuyển các tài sản quân sự đến vùng Viễn Đông (lính thủy đánh bộ, các tàu hải quân, vân vân...) để hình thành các liên minh quân sự với các láng giềng của Trung Quốc, và tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực. Ngoài ra, một số người ở Lầu Năm Góc đang muốn mở rộng ngân sách của Không lực và Hải quân, các lực lượng đóng vai trò hỗ trợ cho Lục quân và Thủy quân lục chiến ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo một số sĩ quan và chiến lược gia thì tuyên bố đó hẳn có nghĩa là Mỹ sẽ đi đầu trong bất kỳ một chiến dịch nào ở châu Á - Thái Bình Dương.
Những người đôi khi công khai tuyên bố rằng Trung Quốc đang "ra ngoài để chén bữa trưa của chúng ta" và cáo buộc chính sách "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc là một thủ đoạn che đậy thách thức mà nước này thực sự đặt ra cho trật tự thế giới tự do. Những lần khác, họ phủ nhận rằng họ nhắm đến Trung Quốc và chỉ đơn thuần nói về "châu Á" như một sân khấu trung tâm mới. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ rằng Trung Quốc là mục tiêu thực sự của họ.
Trái lại, không ít ý kiến cho rằng Mỹ có thể giải quyết những khác biệt với Trung Quốc, và việc coi nước này là một mối đe dọa toàn cầu là một sai lầm nghiêm trọng. Như Joe Nye Jr. đã nói: "Nếu chúng ta đối xử với Trung Quốc như thù thì chúng ta đang đảm bảo có một kẻ thù trong tương lai. Nếu chúng ta đối xử với Trung Quốc như bạn, chúng ta không thể bảo đảm tình bạn nhưng ít nhất chúng ta có thể giữ ngỏ khả năng về những tác động ôn hòa hơn".
Vậy lập trường của Hagel về vấn đề này thế nào? Câu trả lời rõ ràng nhất có trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Robert Nolan trên PBS. Hagel không đứng về phía những người hốt hoảng trước thực tế nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng. Ông nói:
"Trung Quốc sẽ nổi lên và phát triển. Nước này nên như thế; chúng ta nên hoan nghênh điều đó. Họ sẽ là những người cạnh tranh, giờ họ đang như vậy, cũng như Ấn Độ, Brazil và các nước khác. Tốt thôi. Thương mại, các trao đổi, các mối quan hệ, các lợi ích chung; tất cả những nước, những nền kinh tế và những sức mạnh đang nổi lên này đều gắn với những điều giống nhau cơ bản: ổn định, an ninh, các nguồn năng lượng, các nguồn lực, con người. Mọi thứ mà chúng ta cần phải có trong đất nước chúng ta để trở nên phồn vinh, thì người Trung Quốc cũng cần".
Hagel đã nhận ra Trung Quốc đang đương đầu với những thách thức nội tại lớn mà sẽ hạn chế những gì nước này có thể thực hiện được ở bên ngoài. Ông chỉ ra:
"Mặc dù vậy Trung Quốc có những vấn đề to lớn hơn. Họ đã có những vấn đề lớn, trước hết là thực tế họ có 1,3 tỷ dân, và hàng trăm triệu người đang sống trong nghèo khổ. Điều đó có nghĩa là việc làm, điều đó có nghĩa là những mặt còn lại. Họ có các vấn đề về năng lượng mà họ sẽ phải sống chung với... Họ là một cường quốc ngày nay, và họ sẽ tiếp tục là một cường quốc - và tốt thôi. Nhưng chúng ta không nên co rúm người lại sau đó, hoặc chúng ta không nên lo lắng rằng họ sẽ chiếm chỗ của chúng ta trên thế giới".
Trên tất cả, Hagel cảm thấy tốt đẹp về nước Mỹ:
"Tôi không lo lắng cho đất nước này nếu chúng ta tiếp tục làm những điều khôn ngoan, những điều sáng suốt. Chúng ta dẫn đầu thế giới; chúng ta không ra lệnh cho thế giới, chúng ta không áp đặt cho thế giới, chúng ta không can thiệp ở khắp chốn khắp nơi, và chúng ta không chiếm đóng và xâm lược. Chúng ta hợp tác với các đồng minh. Chúng ta làm đúng như những gì Eisenhower, Truman, và Marshall, và cả các nhà lãnh đạo thông thái khác sau Thế chiến II đã làm".
Do vậy, không có chỗ cho nghi ngờ về quan điểm của Hagel đối với vấn đề then chốt này. Ông là một người chủ trương hòa bình với Trung Quốc, và một người có thể cho rằng Hagel sẽ giúp Tổng thống Obama kiềm chế những người ở Lầu Năm Góc coi Trung Quốc là một kẻ thù đáng sợ và đang có những hành động, dù không hữu ý, đẩy nước Mỹ tới một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc.
Amitai Etzioni từng là một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng thời Tổng thống Carter, đã giảng dạy tại các trường Đại học Columbia, Harvard và Đại học California ở Berkeley. Ông hiện là một giáo sư đại học và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học George Washington. Tác phẩm mới nhất của ông là Hot Spots: American Foreign Policy in a Post-Human-Rights World (Tạm dịch là "Các điểm nóng: Chính sách Đối ngoại của Mỹ trong một Thế giới Hậu-Nhân-Quyền").
Sam Nguyễn theo National Interest