Khi thế giới tập trung và các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, gã khổng lồ châu Á này đang thực thi một loại quyền lực khác dọc bờ sông Mekong.

Khu vực này luôn được coi là một vùng nước giao nhau, nơi các địa hình vật chất và con người va chạm. Myanmar, Lào và Thái Lan luôn gặp nhau ở đây, cũng như sông Mekong lớn và các dòng sông "chư hầu" như Ruak bắt nguồn từ cao nguyên Shan ở giữa Myanmar và Thái Lan.

Chỗ hợp dòng này cũng được coi như căn cứ hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á, vì lý do là không nơi nào tầm ảnh hưởng tăng cường của nước này trong khu vực lại rõ nét như ở đây. Tờ GlobalPost đã có bài nghiên cứu Trung Quốc đang thực thi quyền lực của mình ở đây như thế nào, họ đang thử nghiệm một loại "sức mạnh mềm" mới, từ mà Giáo sư Đại học Harvard, cựu Đô đố hải quân Mỹ Joseph Nye đã dùng.

Khái niệm "sức mạnh mềm" mô tả khả năng một quốc gia thu hút, hơn là ép buộc, sử dụng sức mạnh hoặc cung cấp tiền bạc như một công cụ để thuyết phục. Các đế chế đã sử dụng sức mạnh này từ thời kỳ đầu của lịch sử, và ở đây, trong khu vực Tam giác Vàng, Trung Quốc cũng đang sử dụng "sức mạnh mềm" ấy một cách hiệu quả. Điều này là rất rõ nếu nhìn vào cách Trung Quốc kiểm soát dòng sông, năng lượng, ngành công nghiệp đánh bắt và giao thương - một cách hợp pháp hay bất hợp pháp - đang phát triển dọc hai bờ sông Mekong.

Ảnh minh họa

Và có thể không nơi nào dọc sông Mekong chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục nhờ vào gã khổng lồ khu vực này như ở Myanmar, khu vực bờ sông Mekong ở nước này hiện gắn với những nhà máy cưa, nhà chứa, phòng pha chế methamphetamine và các sòng bạc bất hợp pháp.

Nhiếp ảnh gia Gary Knight và tôi, được GlobalPost giao nhiệm vụ, đã tìm cách thâm nhập vào Myanmar nhằm hiểu hơn một đất nước bắt đầu một chương mới về dân chủ và tràn ngập những thay đổi bất ngờ.

Trong đa số thời gian của thế kỷ trước, khu vực này đã sản xuất hầu hết lượng thuốc phiện trên thế giới, nhưng những năm gần đây, hoạt động buôn bán heroin đã giảm bớt, và thay thế bằng các hoạt động buôn bán đủ loại nhưng cũng bất hợp pháp, từ buôn người đến buôn gỗ, ma túy, sừng tê giác. Nhưng khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách "hướng ngoại" (hay "hướng ra toàn cầu") vào cuối những năm 1990, hoạt động buôn bán hợp pháp đã bắt đầu bùng nổ dọc khu vực trung lưu sông Mekong, tăng gấp ba lần từ năm 2004 (theo Ủy ban sông Mekong).

Trước đây, các con tàu dài sặc sỡ sắc màu là điểm nhấn trong hoạt động thương mại này, mang theo nào tỏi, nào táo và cả thuốc phiện trao đổi giữa các ngôi làng dọc hai bờ sông. Giờ chúng rẽ nước với hành lý nặng 100 tấn hàng hóa xuất xứ từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đi về phía Bắc, một biểu tượng mạnh về sự thịnh vượng, tầm với và sự ảnh hưởng của Trung Quốc xuyên suốt Đông Nam Á.

Nhiều điều đã thay đổi tại Tam giác Vàng kể từ khi Trung Quốc mở cửa biên giới của mình vào những năm 1980, và bắt đầu cam kết với các nước láng giềng. Bắt đầu bằng thương mại giữa các địa phương ở Vân Nam với các đối tác dân tộc của mình (người Dai ở miền Tây Nam Trung Quốc có quan hệ mật thiết với người Thái, người Lào và người Shan ở Đông Myanmar) ở bên kia bờ sông, nhưng quan hệ này đã phát triển phức tạp hơn cùng với đà thịnh vượng nhanh chóng của Trung Quốc.

Các khoản vay mềm, buôn bán vũ khí, và các hình thức hỗ trợ quốc tế mà chỉ một thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới có thể đem đến đã bắt đầu nở rộ. Kết quả là các nước như Myanmar, Lào và Campuchia trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc so với trước đó. Trong những năm gần đây, người Trung Quốc có xu hướng đối xử với biển Đông như cái ao nhà của mình, họ cũng đã nhanh chóng biến Mekong thành con sông nhà mình, với 5 con đập được xây dựng mới và nhiều hơn thế những con đập đang trong kế hoạch thi công. Các nước ở hạ nguồn - Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam - phụ thuộc vào ý muốn của Trung Quốc trong việc duy trì dòng chảy mà khoảng 60 triệu dân sống dựa vào đó bằng nghề đánh cá, buôn bán và sử dụng nước tưới tiêu.

Bounmy, một người Lào 42 tuổi từ làng Banmom, một ngôi làng nhỏ ở bờ sông, đứng trên một trong các bến đầy tàu cỡ lớn, chỉ vào một ngọn núi trên một bước tường cao hơn đầu người và nói: "Con sông thường lên tới tận đây vào mùa mưa. Giờ thì hãy nhìn xem".

Trên thực tế, theo Cục hải quan Chiang Saen (Thái Lan), hồi tháng 2/2010, rất nhiều tàu bè đã phải mắc cạn ở cảng phía Bắc Thái Lan, để lại khoảng 4,6 triệu USD hàng hóa. Các nước hạ nguồn và các nhóm hoạt động vì môi trường đổ lỗi cho các con đập đã gây ra tình trạng thiếu nước trên sông, trong khi Chính phủ Trung Quốc nói là do tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi mùa hè năm 2012 chứng kiến những trận mưa kỷ lục (và các kỷ lục về thương mại), dự báo thời tiết về lâu dài nhắc tới những đợt hạn hán nghiêm trọng hơn. Trung Quốc đang thể hiện cái mà các chuyên gia gọi là một "sự bá chủ về nước" đối với Đông Nam Á.

Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson (có trụ sở tại Mỹ) nhận định: "Đông Nam Á đang bị rơi vào một cuộc tấn công gọng kìm khi Trung Quốc đưa ra các yêu sách hung hăng về lãnh thổ tại biển Đông đồng thời thắt chặt gọng kìm trên sông Mekong ở phía Bắc".

Chính phủ Trung Quốc nói rằng các con đập sẽ có lợi cho tất cả các nước láng giềng trên sông Mekong khi cho phép họ tích nước về mùa khô và trong thời hạn hán. Nhưng các nhà hoạt động và các thương gia như Bounmy thì hoài nghi điều đó.

Các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực thể hiện ở mọi nơi trong Tam giác Vàng này, từ các con tàu du lịch đậu ở gần đó đến các khu phức hợp sòng bạc do nước này sở hữu và vận hành, mang tên Kings Roman, nằm cách nơi Bounmy đứng khoảng gần trăm mét.

Bounmy cho biết khi sòng bạc này được xây dựng, các quan chức Lào đã tới và nói với anh hãy bán đất cho người Trung Quốc - gia đình anh sở hữu 16 ha đất trồng lúa từ nhiều thế hệ. Sau đó người mua - tức là nhà đầu tư có liên hệ với sòng bạc - lại bán đất của anh cho các nhà đầu tư khác người Trung Quốc với giá gần cao gấp đôi mức họ đã trả cho anh.

Những câu chuyện như thế rất phổ biến trên khắp Đông Nam Á. Cronin nói. Và có rất ít công bằng vì các nước như Myanmar, Campuchia và Lào nhận được hàng triệu USD tiền cho vay giá rẻ và đầu tư các loại.

Cronin cho biết: "Trung Quốc sẽ nói rằng họ giúp phát triển các nước này, và làm tăng GDP của họ. Đúng là như vậy. GDP đang tăng trưởng. Nhưng nó rơi vào túi những nhà thiết kế và những người sống ở thành phố. Còn người dân làng đang mất đi quyền thừa kế". Cronin muốn nói tới đất đai của họ, và tình trạng nghề đánh cá ở sông Mekong - kế sinh nhai của họ - đang bị thu hẹp.

Mekong chảy qua Myanmar trên đường tới Tam giác Vàng, qua các khu vực bị chiếm đóng bởi người Trung Quốc từ năm 1961. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc được cảm thấy rõ rệt trong khu vực này, nơi vẫn có đa số là người Hoa sinh sống. Nhưng như chúng ta đã biết, một người du lịch không thể vào Tam giác Vàng từ Myanmar. Myanmar ngăn cách với Trung Quốc bởi cao nguyên Shan, một khu vực với những quả đồi tuyệt đẹp, giàu văn hóa và đáng tự hào, nơi trồng loại chè - và cả thuốc phiện - ngon nhất thế giới, nhưng lại là nơi bị chiến tranh hoành hành. Thực vậy, một người không thể đi qua thị trấn buôn bán Tachilek của Shan, vì đến gần đây vẫn có những cuộc đột kích nhằm tiêu diệt những người Trung Quốc buôn lậu các phần động vật để làm các loại "thuốc tiên". Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn được duy trì.

Thay vì tiến thêm, chúng tôi đã phải đi vòng. Chúng tôi trước tiên phải trở lại Bangkok, sau đó bay sang Rangon, trước đi hạ cánh xuống trung tâm Myanmar là Mandalay. Và, đến lượt nó, đây cũng là trung tâm câu chuyện của chúng tôi: một con đập thủy điện mới do Trung Quốc xây dựng và đường ống dẫn khí Trung Quốc - Myanmar, hai dự án lớn cấp quốc gia cho thấy sức mạnh mềm của Trung Quốc trong khu vực này, nơi họ đang khai thác một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và phàm ăn của mình./.

Châu Giang theo GlobalPost

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt