- Là phụ huynh học sinh, chúng tôi thực lòng mong mỏi Việt Nam sẽ có đầy đủ các bảng xếp hạng đại học chuyên nghiệp, hiệu quả, giúp chúng tôi cũng như các con mình đỡ lúng túng trước một lựa chọn mang tính bước ngoặt của cuộc đời, thay vì chỉ thấy rối thêm.
Nghe thông tin có bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam đầu tiên được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu độc lập (gồm 6 người tham gia), ban đầu tôi thấy mừng. Bởi vì ít ra thì giờ đây người Việt cũng đã có riêng một bảng xếp hạng đại học – điều mà thế giới đã tiến hành nhiều năm nay.
Và càng mừng hơn khi nhóm nghiên cứu độc lập có tham vọng lớn khi đặt ra mục tiêu xây dựng một bảng xếp hạng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mang tính định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế, coi đây như một bảng xếp hạng để chính phủ, phụ huynh, học sinh tham khảo cũng như các trường nhìn lại chính mình.
Tuy nhiên, khi đọc kỹ Bảng xếp hạng, dù không phải một nhà nghiên cứu giáo dục, nhưng với tư cách một phụ huynh, từng đau đầu tìm kiếm thông tin để tư vấn cho con chọn trường đại học và lọ mọ với các bảng xếp hạng đại học của nước ngoài khi cho con đi du học, tôi lại thấy rất nhiều băn khoăn. Có thể các nhà nghiên cứu độc lập tìm ra các tiêu chí đánh giá, dựa trên những số liệu nào thì không rõ, song áp vào thực tế thì lại quá nhiều tréo ngoe với những gì được xã hội và người dân xưa nay đánh giá.
Ví dụ, trong Top 10, lọt vào 2 đại học chưa mấy tiếng tăm là Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân. Thứ hạng của Đại học Vinh thì cao hơn Đại học Ngoại thương, hay trường Y Hà Nội lại đứng sau cả Đại học Thái Nguyên lẫn đại học Mỏ- Địa chất. Khối các trường đại học khối kinh tế có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng này. Cụ thể trường ĐH Ngoại thương xếp thứ 23, ĐH Thương mại xếp thứ 29, ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30, Học viện Tài chính xếp thứ 40 và Học viện Ngân hàng xếp thứ 47.
Lựa chọn trường đại học là một quyết định quan trọng đối với mỗi học sinh. Ảnh minh họa: VOV |
Như vậy, gia đình tôi khó có thể sử dụng Bảng xếp hạng đại học này để làm kim chỉ nam cho việc cho con em vào đại học với cả hai tiêu chí. Một là để các cháu dễ dàng có việc làm ngay sau khi ra trường. Hai là để các cháu dễ dàng học lên cao hơn và tham gia nghiên cứu khoa học.
Với tiêu chí thứ nhất, giả định chúng tôi có ưu ái và ủng hộ Bảng xếp hạng này, thì điều đó cũng sẽ khác xa với thực tế cuộc sống. Bởi ai cũng rõ, các trường TOP hiện nay ở Việt Nam là Đại học Y, Kinh tế, Ngoại thương, Bách khoa…, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, luôn “đắt khách” khi thu hút sinh viên đầu vào giỏi, cũng như được các nhà tuyển dụng ưa chuộng. Trong khi rất nhiều trường mà Bảng xếp hạng ưu ái lại rơi vào nhóm chỉ có các học sinh hạng tầm tầm mới chịu vào, mà nhà tuyển dụng cũng không mặn mà cho lắm khi tuyển dụng.
Còn tiêu chí thứ 2, tôi thực lòng không tin rằng Đại học Mỏ lại có khả năng nghiên cứu khoa học cao hơn Đại học Y Hà Nội và cũng không hiểu căn cứ nào để xếp hạng như vậy. Vì vậy nếu quyết cho con em trong nhà theo đuổi việc nghiên cứu khoa học, chúng tôi không thấy đủ tin tưởng vào Bảng xếp hạng này.
Trong khi đó, nếu cho con em du học, chúng tôi lại dễ dàng tìm ra các bảng xếp hạng rất hiệu quả. Ví như du học Mỹ, ngoài bảng xếp hạng các trường đại học có khả năng cao về nghiên cứu của USNews khá phổ biến, có hàng trăm bảng xếp hạng khác nhau. Ví như xếp hạng trong cùng một ngành học, chẳng hạn xếp hạng các trường Y khoa tốt nhất nước Mỹ hay các trường Kỹ sư tốt nhất nước Mỹ.
Đi sâu hơn còn có bảng xếp hạng từng ngành nhỏ, ví dụ đâu là 10 - 50 trường tốt nhất trong đào tạo kỹ sư hóa học, đâu là 10-50 trường tốt nhất dạy về bảo hiểm. Một bảng xếp hạng khá hữu ích là bảng xếp hạng lương của từng ngành sau khi sinh viên ra trường. Căn cứ vào bảng này có thể biết mình nên học ở đâu để nhận được bao nhiêu tiền lương.
Một bảng khác lại xếp hạng về khả năng sinh lợi khi đầu tư cho con em vào đại học, đơn giản là họ sẽ tính tỷ lệ giữa nguồn tiền học phí và các chi phí khác phải đóng cho một sinh viên và so với mức thu nhập của chính sinh viên đó sau khi ra trường. Nếu thu nhiều, mau trả hết nợ đã chi thì là trường tốt nên vào. Còn nếu bỏ cả núi tiền ra học mà ra trường không tìm ra việc làm, hay làm được chả bao nhiêu lương thì trường đó không nên chọn.
Một số website khác lại cho chính sinh viên theo học ở Mỹ bầu chọn, họ sẽ tính điểm cho từng hạng mục được liệt kê để biết nên chọn đại học thế nào thì phù hợp với mình. Ví như một trường đại học có điểm số về khả năng an toàn của ký túc xá thế nào, hoặc trang thiết bị cho học tập và giảng dạy ra sao, lớp học có đông không, thức ăn có ngon hay không, có phải là nơi thả cửa ăn chơi hay rất nghiêm khắc về nề nếp…
Với các cách thức đa dạng và phong phú như vậy, rõ ràng bất cứ ai cần sử dụng các Bảng xếp hạng đại học tại Mỹ cũng có thể tìm ra ngay tiêu chí mà mình cần nhất, từ các tiêu chí chỉ dành cho việc nghiên cứu, đánh giá ở tầm vĩ mô cho tới việc các sinh viên, học sinh và phụ huynh toan tính cho những quyết định ở tầm vi mô.
Là phụ huynh học sinh, chúng tôi thực lòng mong mỏi Việt Nam sẽ có đầy đủ các bảng xếp hạng chuyên nghiệp, hiệu quả như vậy, giúp chúng tôi cũng như các con mình đỡ lúng túng trước một lựa chọn mang tính bước ngoặt của cuộc đời, thay vì chỉ thấy rối thêm.
Nguyễn Anh Thi
Trao đổi về "chất lượng dữ liệu" của báo cáo, TS. Lưu Quang Hưng trong phần giới thiệu về bảng xếp hạng cũng đã thừa nhận, đây là một khó khăn lớn của nhóm nghiên cứu. Khó khăn đầu tiên chính là hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có nhiều phần khác với thông lệ chung của thế giới. Khó khăn thứ hai chính là về sự minh bạch của dữ liệu - cho dù có số liệu nhưng lại 3 không: Không thống nhất, không đáng tin cậy và không cập nhật. Nhóm nghiên cứu cho biết, dữ liệu mà họ thu thập được phần nhiều từ việc các trường thực hiện chính sách "3 công khai". Ngân hàng Thế giới đã có một nghiên cứu về "Minh bạch và công khai thông tin trong giáo dục đại học của Việt Nam", thực hiện với 123 trường ĐH trong cả nước. Chẳng hạn, chỉ số về "kết quả việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng của trường", nhóm chỉ thu thập được thông tin của 15 cơ sở đào tạo. Do đó, đây không phải là một tiêu chí dùng để đánh giá trong bảng xếp hạng này. TS Nguyễn Ngọc Anh, một trong 6 tác giả cho biết, dữ liệu báo cáo sử dụng từ báo cáo "3 công khai" được đăng tải trên chính website của trường. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng thừa nhận, chất lượng báo cáo "3 công khai" tại Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Phần chìm sau bảng xếp hạng đại học đầu tiên ở Việt Nam, VietNamNet, 07/09/2017. |