- "Căng thẳng đối đầu với láng giềng chẳng bao giờ là thượng sách", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi.

LTS: Trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sáng 4.12.2013, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quan hệ đối ngoại của nước ta trong năm 2013 tiếp tục được mở rộng và phát triển, đi vào chiều sâu, nhất là với các nước lớn.

Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về chính sách ngoại giao với các nước lớn, và vai trò của nó với sự phát triển của Việt Nam.

Muốn vội cũng không được

Năm 2013 được coi là năm "ngoại giao nước lớn" của Việt Nam với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới các nước lớn, và lãnh đạo các lớn tới Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2013 Việt Nam đã hoàn tất quá trình thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược", hoặc "đối tác toàn diện", với cả 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng các nước nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản, CHLB Đức...

Xin ông cho biết chính sách ngoại giao với các nước lớn trong đường lối ngoại giao của Việt Nam có từ lúc nào, có phải sau "đổi mới" không?

Mặc dù trên thế giới các nước lớn nhỏ đều có vai trò bình đẳng, nhưng có một thực tế không thể lẩn tránh được là các nước lớn có vai trò lớn hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến cục diện thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các nước, trong chính sách đối ngoại của mình, đều dành sự quan tâm thích đáng tới mối quan hệ với các nước lớn.

Nói riêng về Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1945 đến nay, luôn phải xử thế mối quan hệ khá phức tạp với các nước lớn. Ngay từ Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) vào tháng 8.1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã phân tích rất sâu sắc, toàn diện mối quan hệ giữa các nước lớn để hoạch định chiến lược, sách lược của ta trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho nước nhà.

Lần lại các văn kiện ngoại giao sau Cách mạng tháng Tám thành công, đặc biệt là những bức thưcủa Bác Hồ giao dịch với lãnh đạo các nước, chúng ta có thể thấy chủ yếu là với các nước lớn và các nước Đông Nam Á phản ánh hai ưu tiên lớn của ta là các nước láng giềng và các nước lớn.

Riêng trong năm 1945-1946, ngoài thư điện gửi cho lãnh đạo Liên xô, Trung quốc, Pháp...12 lần Bác gửi thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ theo tinh thần sẵn sàng thiết lập quan hệ hợp tác. Tiếc rằng thiện chí của ta không được đáp ứng, hơn thế nữa một số nước lớn đã tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta.

Toàn bộ điều đó cho thấy ngay từ rất sớm ta luôn coi trọng quan hệ với các nước lớn, vì mối quan hệ ấy ảnh hưởng rất nhiều đến sự bình yên và sự phát triển của các nước trên thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Nếu điểm lại tình hình trên hai thập kỷ gần đây chúng ta cũng thấy điều đó. Chắc mọi người đều biết, sau khi quân tình nguyện ta sang giúp nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi khỏi nạn diệt chủng, nước ta đã phải đối mặt với chính sách bao vây cô lập của các nước lớn, trừ Liên Xô. Và khi phát động công cuộc đổi mới về mọi mặt năm 1986, một trong những mối quan tâm của ta là làm sao tháo gỡ quan hệ với các nước lớn và các nước trong khu vực. Theo hướng đó, chúng ta đã chính thức bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực, với Trung Quốc, Nhật bản, EU và, cuối cùng là với Mỹ vào năm 1995, đồng thời với việc gia nhập ASEAN.

Vậy chúng ta lấy cái mốc 1995 chúng ta bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước lớn. Nhưng để đi đến quan hệ đối tác chiến lược, hay đối tác toàn diện, Việt Nam còn phải trải qua bước tiến dài tới gần hai chục năm?

Một trong những đặc điểm của ngoại giao Việt Nam là thắng lợi từng bước! Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì quan hệ với các nước có sự khác biệt trong quá khứ cũng như hiện tại, và không chỉ tùy thuộc vào ta mà còn chịu ảnh hưởng nội tình, tính toán của các đối tác, cũng như cục diện thế giới và khu vực.

Vả lại, cũng cần có thời gian thì mối quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước khác, nhất là với các nước lớn, mới có đủ độ chín để có thể tiến dần lên từng bậc thang, và tới nay đạt tới tầm cao chiến lược với hàm ý: rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, sâu sắc về tính chất, lâu dài về thời gian. Ta có vội cũng không được đâu!

{keywords}
Ông Vũ Khoan. Ảnh: Tiền Phong

Phong phú và thực chất

Quan hệ ngày càng sâu sắc với các nước lớn mang lại cho Việt Nam những gì?

Thứ nhất, nó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, nay Việt Nam ta mới có quan hệ đối tác đàng hoàng với rất nhiều quốc gia, trong đó với tất cả các nước lớn.

Thứ hai, quan hệ với các nước lớn góp phần nâng cao vị trí của nước ta tại các tổ chức quốc tế, vì dù sao đi nữa họ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong các tổ chức này.

Thứ ba, thế giới ngày nay là "thế giới mạng" (network), trong đó quan hệ giữa các quốc gia đan xen nhau, hình thành một mạng quan hệ tương tác nhau, tùy thuộc lẫn nhau. Với việc nâng cao quan hệ với các nước lớn, Việt Nam có được chỗ đứng và có thể cơ động linh hoạt, thuận lợi cho việc tiến hành chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc duy trì độc lập, chủ quyền, củng cố môi trường quốc tế phát triển đất nước.

{keywords}

Có thể nói, trong việc này có một "triết lý ngược đời": càng tạo dựng được mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau nhiều, thì càng dễ duy trì được độc lập, tự chủ. Cây trúc xinh đứng một mình thì dễ bị đổ, mọc thành từng bụi, từng khóm lớn thì đứng vững hơn.

Thứ tư, các nước lớn đồng thời là các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Việc nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược, hay toàn diện, với họ góp phần thiết thực cho việc mở rộng sự hợp tác kinh tế - một yêu cầu tối quan trọng đối với chúng ta. Đó là chưa kể mối quan hệ đó giúp chúng ta hội nhập quốc tế thuận lợi hơn.

Xem như vậy có thể nói quan hệ đối tác chiến lược, hay toàn diện, với các nước lớn mang lại mối lợi nhãn tiền rồi, thiết tưởng không có gì phải bàn cãi. Vấn đề ở đây là làm sao cho quan hệ đối tác chiến lược, hay đối tác toàn diện, trở nên phong phú và thực chất hơn.

Xin ông giải thích rõ hơn nghĩa của "phong phú" và "thực chất".

Phong phú tức là đa dạng hơn. Trước đây, ta thường chỉ có quan hệ chính trị ở mức nào đó với các nước lớn và quan hệ kinh tế, văn hóa... Với việc thiết lập quan hệ đói tác chiến lược, hay toàn diện, thì mối quan hệ ấy càng mở rộng, đa dạng, bao gồm cả quan hệ trong các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh - quốc phòng, cả trên bình diện song phương, lẫn đa phương. Đó là chưa kể hình thực tiến hành quan hệ trong từng lĩnh vực cũng phông phú hơn, ví dụ trong lĩnh vực kinh tế nay bao gồm cả việc thiết lập các khu vực thương mại tự do.

Thực chất hơn tức là nội dung hợp tác đi vào chiều sâu hơn, mức độ tin cậy được nâng lên. Ví dụ, hợp tác an ninh - quốc phòng lúc đầu chỉ là trao đổi đoàn thôi, nay được nâng lên mức cao hơn tiến hành hiệp thương, tham vấn thường kỳ ở cấp bộ, tiến hành tuần tra chung, lập dường dây nóng, diễn tập chung, trước mắt là trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, hợp tác đào tạo...

Ngoài ra là các cơ chế chung như ARF, ADMM+ (cơ chế hợp tác quốc phòng cấp bộ trưởng ASEAN mở rộng) với sự có mặt của tất cả các nước lớn. Nay mai ta còn tham gia cả lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nữa!

Trong khi tỏa rộng và đi sâu quan hệ như vậy, ta luôn luôn kiên trì tinh thần độc lập, tự chủ, tức là  chủ động việc chọn "bạn chơi" và "cách chơi", trong đó có việc quyết không rơi vào các liên minh chống đối nhau, chẳng hạn.

Trong mối quan hệ với các nước lớn, dường như Việt Nam chú trọng vào các mối quan hệ với Nga, Trung Quốc và Mỹ, đúng không ạ?

Theo tôi, không hẳn như vậy mà ta cũng "đa dạng hóa" quan hệ với tất cả các nước lớn. Nhưng như tôi nói ở trên, có một thực tế quan hệ với từng nước có khác nhau cho nên với nươc này thì "bận bịu" hơn, với nước kia "thanh thản" hơn. Cái cảm tưởng của bạn có lẽ phản ánh thực tế đó.

Khoanh lại năm nay thì quan hệ với Pháp và Đức cũng có thay đổi vượt bậc đấy chứ, bởi Việt Nam với Pháp và Đức đã xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Hay với Nhật chẳng hạn, Thủ tướng Abe khi mới trở lại cương vị Thủ tướng đã thăm Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm lại, nay đang sang Nhật vừa dự hội nghị Nhật bản -  ASEAN vừa thăm song phương. Với Ấn độ thì chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng cũng là mốc mới...

Với ba nước bạn vừa nêu, năm nay cũng có những sự kiện đặc biệt. Với Nga, tuy quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ lâu, nhưng nội hàm của nó rõ ràng mạnh lên rất nhiều từ năm nay qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin. Những thỏa thuận nâng kim ngạch buôn bán lên, thúc đẩy đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA), hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử, cung cấp vũ khí, hay hợp tác về lọc hóa dầu Dung Quất, sửa chữa tàu ở Cam Ranh...cho thấy đúng là quan hệ hai nước được nang lên tầm cao mới.

Quan hệ với Trung Quốc, kể từ khi được bình thường hóa, về cơ bản ngày càng phát triển, theo cách nói của Trung Quốc là hợp tác vẫn là "dòng chủ lưu". Nhưng cũng có một thực tế khách quan là giữa hai bên nhận thức về Biển Đông có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này gây ra những phức tạp trong quan hệ, và trong năm 2010 lại rộ lên những sự kiện làm nóng vấn đề lên, phủ bóng lên quan hệ giữa hai bên.

Năm nay Ngoại trưởng Vương Nghị, rồi  Thủ Lý Khắc Cường, sang thăm ta, và hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung và hàng loạt thỏa thuận hợp tác. Riêng vấn đề Biển Đông hai bên cũng thỏa thuận thúc đẩy trao đổi thương lượng, kể cả về vấn đè hợp tác khai thác.

Với Mỹ, ta đã chính thức xác lập quan hệ đối tác toàn diện, và chuyến đi của ông John Kerry sang Việt Nam với tư cách Ngoại trưởng hồi đầu tuần là để bàn những giải pháp thực thi quan hệ đối tác toàn diện, kể cả kinh tế lẫn an ninh - quốc phòng.

Việt Nam với Mỹ, kể từ năm 2010, khi bà Hilary Clinton tuyên bố xây dựng đối tác chiến lược, hai bên đã có nhiều cố gắng trong xu hướng này. Nhưng tại sao hai nước chỉ mới dừng lại ở quan hệ đối tác toàn diện?

Với mỗi nước nó có hoàn cảnh riêng. Mọi người đều biết, lịch sử Việt Nam với Mỹ không đơn giản, hiện nay vẫn tồn tại những khác biệt nhất định cần có thời gian để trang trải, tăng cường lòng tin. Điều quan trọng là tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Những nhận thức khác nhau về dân chủ, nhân quyền có phải là trở ngại chính khiến hai nước chưa tiến tới được đối tác chiến lược?

Tôi không nghĩ nó là nguyên nhân chính, mà chỉ là một trong các nguyên nhân. Hai nước có những lợi ích song trùng quan trọng hơn, rộng lớn hơn.

Trong mối quan hệ với Trung Quốc, trong năm nay Chủ tịch nước Việt Nam thăm Trung Quốc, rồi Thủ tướng Trung Quốc, một số năm gián đoạn, đã thăm Việt Nam. Dường như đó cũng là sự khác biệt trong năm nay?

Về phía Trung Quốc, có lẽ do vừa qua xẩy ra một số sự kiện trên biển Đông và ở Trung quốc có sự chuyển giao thế hệ, nên các chuyến viếng thăm cấp cao không duy trì đều đặn như trước. Tuy vậy, trước khi lên làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ông Tập Cận Bình cũng thăm Việt Nam. Rồi gần đây là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tức tiếp xúc cấp cao vẫn được duy trì, trong đó hai bên đã đi đến không ít thỏa thuận quan trọng mà báo chí đã đăng hết rồi, tôi xin không nhắc lại.

Thế vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp Quốc cũng khiến cho Trung Quốc phải nhìn nhận lại thái độ đối với Đông Nam Á, và vì vậy đã chấp nhận cùng ASEAN đàm phán COC?

Tôi không phải người Trung Quốc, nên tôi không thể thay mặt được họ trả lời được. Nhưng theo thiển nghĩ của tôi, nước nào cũng cần hòa hiếu với láng giềng, và vừa qua Trung Quốc đã thông qua cả một chiến lược quan hệ với láng giềng. Căng thẳng đối đầu với láng giềng chẳng bao giờ là thượng sách.

Có thể nhìn nhận đây là một điểm mới trong cách cư xử của thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc không?

Tôi cũng chưa có cơ sở để nhận xét như vậy. Nhưng tôi thấy gần đây, Trung Quốc có nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN, trong đó có việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán về Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Còn bàn như thế nào, bao giờ xong lại là câu chuyện khác. Nhưng so với thời kỳ 2010-2011 có nét mới.

Trong cuộc phỏng vấn ông hai năm trước, ông có nói rằng quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trên biển có vấn đề ngư dân, tuy nhỏ nhưng gây bức xúc lớn. Trong năm nay, giữa Trung Quốc và Việt Nam dường như vấn đề ngư dân yên ắng hơn?

Nói chung, sóng gió chẳng có lợi cho ai cả, nhất là liên quan tới cuộc sống của người dân. Tôi hy vọng các bạn Trung Quốc cũng hiểu rõ điều đó.

Cám ơn ông.

Huỳnh Phan (Thực hiện)