- Liên quan đến đấu thầu thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, dư luận cho rằng “con voi ở trong phòng” lớn đến nỗi ai cũng nhận ra, nhưng lờ đi vì hoặc không đủ khả năng xử lý, hoặc sợ động chạm đến quyền lợi của bản thân.

* Vụ VN Pharma: Không cải cách thì có cầu trời khấn phật cũng khó hoàn thành nhiệm vụ
* Phiên tòa "thuốc ung thư dởm" và nỗi đau thật
* Đấu thầu thuốc: Lỗ hổng của thị trường dược

Trong các loại dịch vụ công, giáo dục và y tế - một đầu tư cho tương lai và một để đảm bảo sự sống - là hai khoản chi mà người dân không tiếc tiền thuế và tiền túi cá nhân để có chất lượng như ý. Vì thế, những vi phạm trong lĩnh vực này đều sẽ phải đối diện với phản ứng rất dữ dội từ công luận.

Đây là câu chuyện diễn ra với vụ án VN Pharma “buôn lậu thuốc” vừa kết thúc mới đây. Nhưng vượt qua khuôn khổ phiên toà, tôi cho rằng đây là cơ hội để cơ quan chức năng xử lý rốt ráo nguyên nhân cốt lõi của vụ án ngay từ đầu: lợi ích nhóm thao túng dịch vụ y tế.

 

{keywords}
Vụ VN Pharma là cơ hội để xử lý rốt ráo nhóm lợi ích thao túng thị trường dược phẩm và thiết bị y tế.

Không có một hệ thống nào tự nhiên miễn nhiễm với tham nhũng và lợi ích nhóm. Ngành Y (Dược), do đặc thù của ngành với tính độc quyền cao và minh bạch thấp, là một trong mảnh đất màu mỡ hơn tất cả. Ngay ở Mỹ, ngành dược và các sản phẩm y tế luôn đứng đầu danh sách chi tiều cho các hoạt động vận động hành lang chính sách (lobby), có giá trị ước tính gần 250 triệu đô la vào năm 2016, gấp đôi so với ngành đứng thứ hai (bảo hiểm). Tính trong vòng 20 năm trở lại (1998 – 2017), con số này lên đến 3.5 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, một hệ thống y tế minh bạch, có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, cùng với quyền lực quản lý nhà nước được hạn chế, sẽ chịu ít tác động tiêu cực của vấn nạn trên so với hệ thống khác. Đó là những thiếu sót lý giải vì sao ở nước ta, câu chuyện “lợi ích nhóm” trong mối quan hệ đan xen giữa việc công và việc tư trong ngành y không còn quá xa lạ. Đặc biệt là kể từ khi Việt Nam có chủ trương xã hội hoá một số dịch vụ công, trong đó có y tế, xu hướng lợi dụng chính sách để trục lợi ngày càng diễn tiến đáng lo ngại.

Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh rằng công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh chưa minh bạch, tồn tại nhóm lợi ích gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước.

Thực vậy, có không ít những ví dụ cho thấy những vấn đề tồn tại trong các hoạt động đấu thầu, quản lý liên quan đến trang, thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh.

Năm 2011, 8 công ty dược phía nam cùng ký đơn để tố cáo cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), có những ưu đãi cho “sân sau” của mình và gây khó dễ cho những doanh nghiệp khác. Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước phát hiện gói thầu trang thiết bị y tế sai quy định gây thiệt hại đến 10,77 tỷ đồng.

Đến năm nay, VN Pharma có là cái tên nổi bật nhất ngành y, theo cách mà không ai muốn, khi là trung tâm của vụ án “buôn lậu” thuốc chữa ung thư. Không chỉ vậy, những bị cáo trong vụ án còn thú nhận, để bán được thuốc, họ đã chi những khoản tiền khổng lồ cho các bệnh viện. Đây là câu chuyện “con voi ở trong phòng” – lớn đến nỗi ai cũng nhận ra, nhưng lờ đi vì hoặc không đủ khả năng xử lý, hoặc sợ động chạm đến quyền lợi của bản thân.

Chỉ đến khi vụ án VN Pharma được phanh phui, chúng ta mới có điều kiện để nhìn nhận rõ “con voi” lợi ích nhóm trong thị trường y tế.

Chỉ riêng một công ty tư nhân nhỏ và vô danh trong ngành, như lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đã phải chi hoa hồng lên đến 7.5 tỷ đồng cho các bệnh viện chỉ để bán các loại thuốc nhập khẩu, vậy nếu vấn đề xảy ra ở những công ty lớn hơn thì thiệt hại cho người dân và nhà nước sẽ lên đến mức nào?

Chỉ là một công ty nhỏ và vô danh, VN Pharma đã có đủ khả năng trúng thầu cung ứng thuốc tập trung cho nhà nước có giá trị đến hàng trăm tỷ đồng, vậy bài toán trách nhiệm sẽ thuộc về ai nếu có sai phạm?

Trong vụ việc này, trách nhiệm của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế là không nhỏ. Theo đó, dù không bị xử lý hình sự, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Y tế rà xem xét xử lý hành chính đối với những cán bộ trong Cục Quản lý dược khi để xảy ra những sai sót đáng ngờ và nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh.

Đây là một phần những vấn đề mà Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trên cơ sở trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng trước ngày 31/8/2017 sau vụ án VN Pharma. Tôi tin là với tính chất nghiêm trọng của nó, việc xử lý sai phạm sẽ không chỉ dừng lại ở đây.

Vụ án VN Pharma cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống xã hội hoá dịch vụ y tế mà chúng ta đang triển khai. Để không xảy ra những VN Pharma khác, nhiệm vụ rõ ràng là phải lấp đầy những lỗ hổng đó, đặc biệt liên quan đến công tác đấu thầu cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế.

Tham nhũng trong ngành nào cũng là tội ác, nhưng tội ác đó trong ngành y tế còn đáng kinh sợ hơn, bởi nó có thể đẩy người bệnh qua ranh giới giữa sự sống và cái chết. Khung pháp lý “cứng”về điều kiện kinh doanh dịch vụ y tế ở nước ta là khá chặt chẽ, tuy nhiên khung “mềm” – bao gồm việc minh bạch hoá các hoạt động đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát còn chưa được như mong muốn. Nếu không thực hiện được hai nhiệm vụ trên, cùng với việc áp dụng chế tài nặng hơn cho các sai phạm, thì việc phá bỏ nhóm lợi ích lũng đoạn thị trường y tế sẽ còn nhiều gian nan.

Nguyễn Khắc - Duy Hậu