Một tuần trước, báo chí Ba Lan đồng loạt đưa tin nghi ngờ người Việt Nam kinh doanh thịt chó trên đất nước này. 

Clip dài vài phút, ghi cảnh Biên phòng Ba Lan vào kiểm tra bốn cửa hàng thực phẩm do người Việt làm chủ ở gần thủ đô Vacsava, cận cảnh những bịch nilon đen (chuyên dùng đựng rác) đựng thịt gà, thịt heo và thịt con gì đó có đuôi ngắn, thân mình giống chó nhưng không còn đầu, đặt trong những cái thùng dưới đất. Những thùng cua bò lổn nhổn và máy xay cua tươi đặt gần cây lau nhà, những miếng gỗ dùng làm thớt bẩn thỉu dính máu cũng đặt thẳng dưới sàn.

Do các chủ quán không xuất trình được hóa đơn mua thịt, cộng với một số "tiền án" trước kia nên người phát ngôn của Chỉ huy trưởng Biên phòng phát biểu với báo chí Ba Lan rằng bà nghi  "con gì đó" chính là... con chó! 

Một số người Việt đang sống ở Ba Lan chia sẻ, rất nhanh chóng tin và clip trên đã được 120 trang mạng của Ba Lan đăng lại, gây nên một làn sóng hãi hùng thực phẩm Việt. 

Trên mạng xã hội, một người Việt có quán ăn tại Vacsava cho biết doanh thu đã sụt giảm tới 25% mỗi ngày. Một người khác cho biết sụt tới 40%.

Tội nhất là các trẻ em Việt Nam. Khi đến trường, chúng bị bạn bè nhạo báng hỏi "Mày có ăn thịt chó không?" 

{keywords}
Không phải người Việt nào cũng ủng hộ ăn thịt chó. Ảnh minh họa: Kênh 14.

Tuy nhiên, khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng thì đã có kết quả kiểm tra. Theo Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động cho nhân quyền người Việt ở Ba Lan, Phòng vệ sinh dịch tễ của quận Piaseczno đã kiểm tra và xác minh tuy "con gì đó" nom rất giống con chó nhưng thực chất lại là con dê. Báo chí Ba Lan vài ngày qua cũng đã đưa lại tin "đính chính" này. May quá!

Sau khi có kết quả kiểm tra từ dịch tễ, cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan vào cuộc đã gửi một bức thư ngỏ đến bà Bộ trưởng Nội vụ Teresa Piotrowska đòi hỏi phải xin lỗi và đính chính những thông tin sai lệch. 

May quá là may vì tuy không vẻ vang lắm (thực chất là có thực phẩm bảo quản kém vệ sinh, không có hóa đơn chứng từ) nhưng cuối cùng người Việt tại Ba Lan cũng đã thoát được cái vạ từ chuyện "thịt chó”.

Nhưng có câu hỏi phải đặt ra, chắc gì tương lai một vụ việc tương tự không lặp lại?

Bởi vì theo chia sẻ của những người Việt đang sống tại Đức, cách đây gần chục năm chị đã được một người đồng hương mời đến nhà ăn thịt chó, lại còn cẩn thận giải thích đấy là chó Tây, hình như dân ta bắt trộm. Đến tận bây giờ chị vẫn thỉnh thoảng nghe tin có thịt chó tuồn sang Đức.

Cách đây hơn chục năm, vào tháng 1/2003, báo chí và truyền hình Ba Lan theo chân cảnh sát, từng phanh phui một lò mổ chui của người Việt tại Ba Lan. Lò mổ này giấu trong một ngôi nhà bỏ hoang, mổ chó hoang, mèo hoang. 

Trước đó năm năm, có ít nhất 3 người Việt bị cảnh sát Nga bắt vì tội bắt chim bồ câu. Vào giữa tháng 2/2008, những người dân sống trên phố Novoslabodskaya (Matxcova) bắt quả tang một người Việt đang bắt rất nhiều chim bồ câu. Cảnh sát đã đến hiện trường và bắt quả tang “kẻ đi săn” cùng tang vật.

Một trường hợp khác, đích thân những người dân trên đại lộ Chongarsky đã tóm một người đàn ông khác và giao nộp cho cảnh sát cũng với nguyên nhân tương tự. Tang vật thu được là  ba lô chứa đầy chim đã chết.

Báo chí bấy giờ cho biết hành vi trên vi phạm điều 245 Bộ luật Hình sự LB Nga. Điều luật này qui định cụ thể về hành vi “đối xử tàn nhẫn với động vật”, và mức phạt cao nhất cho việc bắt trộm chim bồ câu chỉ là phạt vi cảnh. Nhưng mức phạt mà luật pháp phương Tây đưa ra không tai hại bằng cách dư luận đánh giá cộng đồng người Việt.

Một trường hợp khác, đích thân những người dân trên đại lộ Chongarsky đã “tóm cổ” một người đàn ông khác và giao nộp cho cảnh sát cũng với nguyên nhân tương tự. Tang vật thu được là một chiếc ba lô chứa đầy chim bồ câu đã chết.

Bà Irina Novozhilova, Chủ tịch Hội bảo vệ động vật thành phố Matxcova đã phát biểu: “Người Nga không bao giờ giết thịt chim câu, ngược lại đối xử với chúng như sứ giả của hòa bình, thiên sứ của tình yêu. Chúng tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố, đem lại cho chúng tôi cảm giác yên bình, hạnh phúc”.

Và dĩ nhiên, kẻ bắt trộm các thiên sứ hòa bình đem về nấu cháo bị dân Nga nhìn như bọn đói ăn, như những hung thần.

Mới cuối tháng 9 vừa qua, một người Việt sống ở Đức đã bị cảnh sát bắt vì tội ăn thịt mèo. Ông ta bị nghi ngờ đã bắt đến 30 con mèo trong khu vực, kể cả mèo nuôi của hàng xóm...  "Vì nhớ hương vị quê hương quá"-sau đó ông giải thích với cảnh sát và báo chí. Truyền thông đã đưa tin này đi khắp thế giới.

Luật pháp nhiều nước xem việc ăn và mua bán thịt thú nuôi là phạm pháp, có thể đối mặt với án tù. Chưa tính đến chuyện đó thì việc bảo quản, tồn trữ thực phẩm đúng cách và vệ sinh luôn luôn là yêu cầu cao nhất của nghề chế biến và kinh doanh thực phẩm tươi sống. Đây cũng là nghề nghiệp nuôi sống nhiều người Việt Nam ở nước ngoài.

Nghĩ lan man, chả hiểu vì sao sống lâu năm ở những đất nước văn minh và có nền tư pháp chặt chẽ mà vẫn có người Việt vẫn bất chấp luật pháp đến như vậy.

  • Hoàng Xuân