"Những chân trời có người bay" là một triển lãm sống thực sự tại Hà Nội, diễn ra trong suốt tháng 12/2012. 

Kiến trúc sư nổi tiếng tại Nhật Bản về cải tạo không gian - Tsuneo Noda - đã làm thay đổi một cách đáng kinh ngạc hơn 100 mét vuông tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản. Trong 2 tuần, anh dùng hàng nghìn tấm pallet gỗ để che phủ toàn bộ khuôn viên trung tâm văn hóa này, tạo nên một không gian kết nối giữa các studio của nghệ sĩ và khán giả. 





Không gian triển lãm

BTC khuyến cáo: Giày cao gót không thuận tiện khi tham gia triển lãm, bởi toàn bộ mặt bằng đã được bao phủ bởi các pallet gỗ. 

Cái tên "Những chân trời có người bay" lấy cảm hứng từ 2 câu thơ của Trần Dần - "Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc cho những người bay không có chân trời" (Tập thơ Trần Dần, xuất bản năm 2007) - cho thấy bối cảnh lịch sử đã bắt đầu thay đổi. Các nghệ sĩ trẻ từ Nhật Bản, Đức và Việt Nam muốn khẳng định về một giấc mơ bay đã có thể khác so với thời của Trần Dần.

Họ khẳng khái lấy cái tên "Những chân trời có người bay" cho mùa đông Hà Nội. Trong khi đó, chỉ hơn 1 năm trước tại mùa hè London, một triển lãm video sắp đặt, tranh và ảnh của 8 nghệ sĩ Việt (Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Huy An, Tuấn Mami, Nguyễn Trinh Thi...) đã dùng một cái tên bi quan hơn "Những chân trời không có người bay".



Hình ảnh về những người bay

Khung cảnh của triển lãm sẽ thay đổi liên tục trong 1 tháng bởi hơn 10 nghệ sĩ đến từ 3 quốc gia. Đó là phương pháp "Studio-mở" - một trong những cách thức thực hành nghệ thuật được biết đến rộng rãi trên thế giới.

"Những chân trời có người bay" bao gồm các "gói" nghệ thuật lớn: Cải tạo không gian, Mở chân trời, Studio mở, Triển lãm, Trình diễn và các Buổi nói chuyện với nghệ sĩ. 


 
"Xin chào, Việt Nam

Tôi đang ở miền Tây Nhật Bản, rất xa thành phố quê hương tôi khi trận động đất xảy ra. Bởi vậy, tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào về nó. Trên màn hình, tôi nhìn thấy sân bay bị quét đi bởi sóng thần và những cột lửa bốc cháy giữa đêm. 

Tôi bắt một chuyến tàu hỏa và đi xa hết mức có thể. Tôi mua một chiếc xe đạp và đạp 200 km về thành phố của tôi. May mắn thay, tôi tìm thấy ngôi nhà của mình với cả gia đình vẫn còn nguyên vẹn. 

Sau trận động đất, có nhiều điều đã thay đổi, nhưng cũng có rất nhiều điều không thay đổi.

Trong bộ phim âm nhạc này tôi đã ghi lại một hiện tượng bất chợt "ganbarou". "Ganbarou" có nghĩa là "Đừng từ bỏ" (Don't give up). Đỉnh điểm của tinh thần này là tháng 7 và tháng 8/2011. Mọi người nói về việc họ sẽ không bao giờ từ bỏ, trên đường phố. Nó như thể một nghĩa vụ hay một điều gì đó tương tự. Một người đàn ông nói rằng, từ đó như thể là "Chết" (Die) với ông ta. Một năm và 8 tháng đã trôi qua và giờ đây tôi không còn nhìn thấy "Đừng từ bỏ" nữa. Chúng đã đi đâu rồi?"

(Nghệ sĩ Nhật Bản)

Kết thúc giai đoạn Studio mở, được trông chờ nhất là 3 triển lãm sẽ diễn ra vào những ngày tới. Đo thế giới (11/12), Utopia (11/12) và Những chân trời bay (21/12). Bộ ba triển lãm này được trông đợi sẽ gợi mở những suy nghĩ mới về thế giới. Tất cả các nghệ sĩ tham gia sẽ trưng bày sản phẩm hoàn thiện của họ tại các studio vào ngày cuối cùng của triển lãm, mở ra "Những chân trời bay". Và nghệ sĩ Nhật Bản sẽ trình chiếu "Đêm không ngủ" - đoạn phim ngắn dành giải thưởng nghệ thuật đương đại. 

Hình ảnh các studio mở và sản phẩm trong quá trình hoàn thiện





 Studio "Bếp gia đình" 



Studio "Xưởng may"





"Phòng thí nghiệm phim ảnh"

Nhà thônng tin - Búp bê của Trần Thu Hằng



Các sản phẩm sáng tạo Nhật Bản

Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellitlefire