- "Hiếm có triển lãm nào lôi cuốn đến mức bắt buộc mình phải đến xem. Bối cảnh đã thoái trào với thời nghệ thuật đương đại thịnh trị ở Việt Nam từ 2000 đến 2005" - dịch giả Nguyễn Đình Thành nói về nghệ thuật đương đại VN.


TIN BÀI KHÁC

Nghệ thuật đương đại Việt thoái trào?

Năm 2008, anh từng có một bài phỏng vấn nói nghệ sĩ của nghệ thuật đương đại Việt bị rẻ rúng. Đến giờ anh còn cảm thấy như vậy không? Sự rẻ rúng cụ thể từ phía nào và như thế nào?

- Sự chú ý của công chúng với nghệ thuật đương đại bắt đầu đi vào sự ổn định. Có một phần rất nhỏ những người thường xuyên theo dõi nó. Hơi giống nhạc cổ điển. Thực ra trình độ thưởng thức của người xem cũng đã tăng lên. Họ không còn dễ dàng bị shock nữa. Báo chí văn hóa cũng tỉnh táo hơn, không bị cuốn theo hình thức bên ngoài.

Ví dụ gần đây, NS Lại Diệu Hà Hà làm một tác phẩm ngậm chú chim trong miệng và khỏa thân với lớp lông. Báo chí bắt đầu nói đến mặt nghệ thuật của tác phẩm...chứ không phải là ngực, mông của nghệ sĩ. Nhận thức đã tốt lên, không còn bị vướng bận vào hình thức. Xã hội cũng bình tĩnh hơn.

Nhưng từ đó đến câu hỏi: 1. có mở rộng người xem được không và 2. có nhiều cái để xem không? Thì câu trả lời vẫn là Không.

Nguyễn Đình Thành, dịch giả, thạc sĩ Quản trị Văn hoá, ĐH Paris 9 (Pháp)

Tôi không còn nhớ khi đó tôi cảm thấy thế nào về sự rẻ rúng ấy. Nhưng bây giờ, tôi vẫn thấy đó là một thực trạng buồn. Nghệ thuật không được sự chú ý của công chúng - mà đó lại là cái người nghệ sĩ khao khát nhất, cần nhất. Nghệ thuật đương đại Việt từ năm 2007 đến giờ, tôi nghĩ là dậm chân tại chỗ. Sau đó mọi thứ đi xuống dần, các nghệ sĩ đương đại VN ít làm được cái gì đó mới, không có những triển lãm đủ lớn, đủ thú vị để xã hội phải chú ý nữa. Đó là một điều đáng tiếc.

Anh nghĩ điều này sẽ tiếp tục trong bao lâu?

- Tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục chìm trong vòng 5 đến 10 năm nữa. Chừng nào kinh tế còn khó khăn, chừng đó nó sẽ ít có cơ hội thu hút thêm người xem, người mua. Hơn nữa các scandal trên mọi lĩnh vực đã thu hút hết tâm trí mọi người, họ ít có nhu cầu tìm thêm các loại hình nghệ thuật mới - nhất là những thứ phải suy nghĩ.

Xã hội đang "lên đồng"

Theo anh, thói quen không ủng hộ hàng trong nước có lan sang cả vấn đề nghệ thuật và kìm hãm sự phát triển?

- Hàng tiêu dùng có xu hướng sính ngoại thật, nhưng sản phẩm nghệ thuật có hơi khác một chút. Đúng là mọi người thích xem điện ảnh Hollywood, nhưng phim Việt mà tốt thì người ta cũng xem nhiều. Họ không quay lưng lại. Vấn đề là người ta không quan tâm đến nghệ thuật, nên nó không có yếu tố sính ngoại.

Bây giờ nghệ sĩ cần nhất báo giới đi cùng họ. Trong bối cảnh thông tin ngập tràn, nếu các nhà báo không đến với các triển lãm nghệ thuật đương đại thì chúng sẽ bị chìm lấp, không đến được với công chúng. Người ta sẽ bị thiệt thòi.

Bối cảnh xã hội hiện đại này có làm hạn chế đề tài của các nghệ sĩ?

Không. Khi xã hội đang "lên đồng", chạy theo giá trị vật chất, ảo tưởng, theo các giá trị bề ngoài.... thì lại rất cần có những người bảo "hãy dừng lại, hãy suy nghĩ một chút đi".

Có nghệ sĩ nói: "Tôi phải du nhập công nghệ mới nhất trên thế giới về cho tác phẩm của tôi". Nhưng đó không phải là đương đại. Đương đại là trong chủ đề, thông điệp. Cải tiến về kỹ thuật cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là nói lên thông điệp gì?

Vậy nếu như bối cảnh này không làm hạn chế đề tài, thì tại sao chưa có những tác phẩm hay? Có phải là do các nghệ sĩ chưa thực sự chuyển mình?

Không phải là tất cả. Có những người 5 - 10 năm mới có một triển lãm. Họ vẫn đang làm việc nhưng chưa công bố tác phẩm, và đang làm 1 nghề tay trái để kiếm sống. Chừng nào họ còn có máu nghệ sĩ trong người, còn đau đáu.... thì vẫn còn tác phẩm.

Phông văn hóa, phông triết học của các nghệ sĩ Việt Nam còn chưa được dày dặn lắm. Điều này ai cũng biết rồi. Nó sẽ không được điều chỉnh nhiều đâu. Nhưng cơ hội để đọc bây giờ có rất nhiều, như bạn nói chuyện với tôi lúc trước về một dòng sách triết học mới ra đời ở VN. Nếu ai đó muốn tìm hiểu về lịch sử mỹ thuật, về nghệ thuật đương đại... thì cũng không còn khó khăn nữa. Dù sao ở mọi ngành nghề, bao giờ cũng có những người sâu sắc hơn người khác. Ta không đổ đồng được.


Slide: Tác phẩm của nghệ sĩ gốc Việt đoạt giải Hugo Boss (2012)

"Nghệ thuật khó sống với kinh tế thị trường"

Anh có nói về sự mất mát các tác phẩm nghệ thuật đương đại VN? Cụ thể chúng bị mất mát như thế nào?

- Bị hỏng, bị thất lạc, bị nhà sưu tập nước ngoài mua. Có 2 kênh để giữ lại tác phẩm nghệ thuật là bảo tàng đương đại và nhà sưu tập. Nhưng cả 2 kênh này ở VN đều không có.

Các nghệ sĩ VN chưa nhận được sự trân trọng từ trong nước như ở các trung tâm văn hóa nước ngoài. Nghệ sĩ Đào Anh Khánh từng nói với tôi, các nghệ sĩ VN đến với các TT văn hóa đó không phải vì kinh phí, mà vì họ cảm thấy được tôn trọng. Đó không phải là những người thầy chỉ bài cho nghệ sĩ, mà là nơi để nghệ sĩ được trọng tài, được làm cái mình muốn, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được thoải mái sáng tác Hiệu quả có được do chính bản thân các nghệ sĩ chứ không phải do các TT văn hóa nước ngoài là những người thầy giỏi.

Những hội đồng Anh, viện Goethe, trung tâm văn hóa Pháp, quỹ Đan Mạch.... chưa bao giờ có được sự công nhận thẳng thắn và chính thức, mặc dù hỗ trợ của họ với các nghệ sĩ Việt Nam rất lớn. Đã đến lúc chúng ta phải tự nuôi dưỡng lấy các giá trị văn hóa nghệ thuật của mình.

Nếu khán giả muốn xem, thì các loại hình nghệ thuật đương đại ở VN đã phong phú chưa?

- Đã có rồi đấy! Nghệ thuật đương đại không chỉ là triển lãm, mĩ thuật.... mà còn là điện ảnh, âm nhạc, múa, thơ, video art, sắp đặt, trình diễn, graffiti. Phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, múa của Lê Vũ Long, nhạc của Trí Minh, các chương trình nghệ thuật đa ngành... Phổ của nó rất rộng...

Nói điều này sẽ có nhiều nhà báo tự ái

Làm thế nào để nghệ thuật đương đại được hiểu và không bị nhìn với con mắt nghi kị, định kiến?

- Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại vì muốn khiến người xem phải suy nghĩ, nên chọn 1 ngôn ngữ khác thường. Điều đó có thể gây shock (nặng hoặc nhẹ), gây ra sự ngạc nhiên và có thể cả sự chối bỏ, thậm chí ghê tởm. Nhưng sự khác thường đó đều nằm trong sự tính toán của người nghệ sĩ.

Muốn hiểu được nó, chỉ có cách là tiếp xúc với nó, đi xem thường xuyên hơn ở các TTVH nước ngoài, bổ sung kiến thức, tự học và đầu tư thời gian cho nó. Trước khi đi xem thì cần đọc. Ví dụ, khán giả chỉ cần đọc trang SOI một năm thôi, là kiến thức sẽ khác hẳn.

Về phía nghệ sĩ cũng phải chìa tay với khán giả, có những tuyên ngôn giải thích ý tưởng chủ đạo cho tác phẩm của mình, như một cánh cửa mở ra cho công chúng bước vào. Việc còn lại là của các nhà bình luận, các chuyên gia về mỹ thuật, trong đó có các nhà báo văn hóa, có hiểu biết về mỹ thuật. Tiếc rằng ở VN không có nhiều nhà báo làm được điều đó. Điều này cũng xảy ra tương tự ở lĩnh vực âm nhạc.

Tôi nói điều này sẽ có nhiều nhà báo tự ái, nhưng đó là một thực tế. Cái đó đang thiếu. Hãy chỉ cho tôi 10 nhà báo có thể viết về mỹ thuật một cách sâu sắc ở VN? Hãy chỉ cho tôi 10 nhà báo viết sâu sắc về nghệ thuật hàn lâm, về âm nhạc cổ điển? Khó đấy!.... Nhưng nếu hỏi về 10 nhà viết scandal, lộ hàng giỏi nhất? Có ngay!


Slide: Một số tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam gần đây

Bài sau: Nghệ sĩ mệt mỏi, cơ quan quản lý thờ ơ

Hồ Hương Giang