-"Bảo tồn ca trù hiện nay theo kiểu truyền miệng, kiểu người sống, chẳng may các nghệ nhân mất đi, ai sẽ là người truyền lại các điệu ca trù cổ, điều này rất nguy hiểm", PGS TS Vũ Nhật Thăng bày tỏ.

“Nếu không quan tâm đến các nghệ nhân còn lại của Ca trù thì khi các cụ ra đi, ca trù sẽ mất”. Đó là nhận định của các đại biểu, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm về “Giải pháp bảo tồn nghệ thuật Ca trù trên địa bàn Hà Nội” diễn ra chiều 21/12 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong khuôn khổ Liên hoan ca trù Hà Nội lần thứ 2. 

Đừng vinh danh suông Ca trù

“Mặc dù ca trù đã được vinh danh nhưng sau vinh danh nó vẫn chưa được quan tâm đúng như những gì nó đáng được nhận, có hai cụ được nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian nhưng cho đến nay, chẳng có lãnh đạo nào thăm hỏi, bảo hiểm y tế cũng không có. Thêm nữa, bảo bảo tồn ca trù, các cụ truyền dạy cho con cháu nhưng không có cơ hội biểu diễn thì bảo tồn cái gì? đừng vinh danh suông ca trù”, bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội phát biểu trong buổi tọa đàm. 

Cùng quan điểm với bà Ngoan, ca nương Bạch Vân (CLB Ca trù Hà Nội) cho rằng, từ trước tới nay, CLB của bà luôn chăm lo tới đời sống, sức khỏe của các nghệ nhân ca trù cao tuổi chứ lãnh đạo thì chưa. Điều mong muốn của CLB là các cấp quản lý quan tâm về đời sống tinh thần và vật chất cho các nghệ nhân, phải có một giáo trình bài bản, nghiên cứu, thống kê một cách đầy đủ làn điệu Ca trù để thế hệ sau có thể tiếp thu được.


“Tôi đề nghị có quỹ đào tạo thế hệ trẻ, có kinh phí cho nghiên cứu. Phải đào tạo người nghe để người ta biết hát thế đúng hay chưa. Tôi cũng đề nghị đào tạo chuyên nghiệp, có kinh phí để trả tiền cho họ. Các liên hoan, hội nghị nên mời ca trù đến, phải có sân chơi cho ca trù. Tại sao các loại hình nghệ thuật khác như chèo, tuồng thì có nhà hát trong khi ca trù lại không có được một nhà di sản?” là thắc mắc của ca nương Bạch Vân. 

Bảo tồn ca trù hiện nay theo kiểu truyền miệng, kiểu người sống, chẳng may các nghệ nhân mất đi, ai sẽ là người truyền lại các điệu ca trù cổ? Cần phải quay phim, chụp ảnh các buổi diễn của Ca trù, có một kho lưu giữ cẩn thận để vài năm có thể xem lại, có thể thấy được Ca trù thay đổi như thế nào với sự phát triển của xã hội,  PGS TS Vũ Nhật Thăng bày tỏ.

Cần có người đứng mũi chịu sào

Giáo sư Tô Ngọc  Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bức xúc: 20 năm nay, ông đã liên tục xin các cấp lãnh đạo làm bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân nhưng vẫn chưa được. Muốn Ca trù tồn tại, cần kiểm kê xem còn bao nhiêu làn điệu ca trù, bao nhiêu cái đã mất, phải vinh danh các nghệ nhân bằng những hình thức cụ thể. Phải có người đứng mũi chịu sào,  “Để được là nghệ nhân dân gian, các cụ phải  có 3 HCV, mà Ca trù thì lấy đâu ra liên hoan nhiều đến thế để các cụ có cơ hội nhận HCV.”, GS Tô Ngọc Thanh nói. 

Trước những ý kiến của các nhà nghiên cứu, đại diện của Sở VHTT&DL Hà Nội, PGĐ Nguyễn Khắc Lợi cho biết, sắp tới, trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ khóa 8, Sở sẽ đề xuất thêm về góc độ ca trù. Sở VHTT&DL cách đây 3 năm cũng đã thành lập được phòng quản lý di sản văn hóa nên đây cũng sẽ là địa chỉ liên hệ của các CLB Ca trù Hà Nội. Ông Lợi cũng cho biết thêm, hiện tại quỹ văn hóa của Sở đã đồng ý sang năm 2013 sẽ cấp bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân, quỹ đã nhận được đóng góp của một đơn vị hảo tâm số tiền hai mươi triệu đồng và đang kêu gọi đóng góp thêm.

Ông Lợi cũng khẳng định, Liên hoan Ca trù sẽ tổ chức 2 năm một lần để điều kiện cho hoạt động biểu diễn ca trù gắn liền với du lịch - mũi nhọn kinh tế thủ đô. 

Tình Lê