- Không chỉ gặt hái nhiều giải thưởng và hốt bạc ngoài phòng vé, bộ phim về cuộc truy tìm trùm khủng bố Bin Laden còn “gặt hái” luôn cả những tranh cãi.


Dường như những tranh cãi về bộ phim, mà lúc đầu xuất phát từ xung đột giữa sự thật lịch sử và quyền tự do thể hiện chính kiến trên phim ảnh, nay đã biến thành cuộc chiến giữa các phe phái trên chính trường Mỹ. Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Tình báo thuộc Thượng viện Hoa Kỳ tiếp tục yêu cầu được cung cấp thông tin về thỏa thuận giữa CIA và các nhà làm phim “Zero Dark Thirty”. Ba thành viên của ủy ban này, gồm các thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Carl Levin và cựu ứng viên tổng thống John McCain vừa gửi thêm lá thư yêu cầu tới Quyền giám đốc CIA Michael Morell.

“Zero Dark Thirty” xoay quanh cuộc truy nã kéo dài một thập niên của Mỹ đối với trùm khủng bố Bin Laden, tính từ thời điểm 11/9/2001

Ba thượng nghị sĩ này cho rằng: các nhà làm phim đã hiểu sai những thông tin mà CIA cung cấp. Họ yêu cầu được xem bản sao của các tài liệu mà CIA đã cung cấp cho những người làm phim. Các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại bộ phim đã có một “ám chỉ rõ ràng” rằng những kỹ thuật tra tấn dã man đã là chìa khóa giúp xác định được chỗ ẩn náu của Bin Laden. Sự hiểu lầm này có thể xuất phát từ những thông tin mà CIA đã cung cấp và những cựu quan chức CIA mà nhà làm phim được phép tiếp xúc phỏng vấn.

Bức thư nói thêm, cách tường thuật của bộ phim mâu thuẫn với những phát ngôn chính thức cho rằng CIA không lần ra được manh mối về Bin Laden thông qua “kỹ thuật thẩm vấn cưỡng bức” đối với một nghi can bị tạm giam.

Theo BBC, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và biên kịch Mark Boal trả lời hồi tháng trước rằng bộ phim mô tả “hàng loạt phương pháp tình báo và hành động gây tranh cãi”. Nó cho thấy không chỉ có một phương pháp duy nhất được thực thi trong cuộc truy nã, mà còn có thể thấy trong bất cứ những cảnh riêng biệt nào của toàn bộ nỗ lực dàn dựng bộ phim.


Tranh cãi về bộ phim hiện tập trung vào các cảnh nhân viên CIA tra tấn nghi can bằng cách nhúng nước, làm mất ngủ…để lấy được thông tin

Biên kịch Mark Boal còn giải thích thêm về bộ phim trên trang mạng TheWrap: “Tôi không nói bộ phim là một tài liệu về mọi thứ đã xảy ra, nhưng đó đã bị hiểu sai. Bộ phim có cảnh một gã bị nhúng vào nước, gã không nói gì và có một cuộc tấn công. Phim cũng cho thấy một đồng nghi phạm cung cấp cho họ vài thông tin mới đối với họ trong một bữa ăn trưa lịch sự. Và sau đó, nhân vật (do Jessica Chastain thủ diễn) trở lại phòng nghiên cứu, và tất cả những thông tin này đã có sẵn ở đó, từ số nghi can không bị tra tấn. Đó là những gì diễn ra trên phim, nếu bạn thực sự xem nó như một bộ phim và không để tâm đến những công kích chính trị”.

Nguồn tin từ hãng tin Reuters cho hay cuộc điều tra đối với CIA về thỏa thuận hợp tác cung cấp thông tin cho nhà làm phim đã được tiến hành. Tuy nhiên, đây không phải là tranh cãi đầu tiên xung quanh bộ phim được tới 4 đề cử Quả cầu vàng và đang trên đà gặt hái nhiều giải thưởng để trở thành ứng viên nặng ký nhất ở giải Oscar.

Trước đó, khi cuộc bầu cử tại Mỹ bước vào cao điểm, “Zero Dark Thirty” đã phải dời lại ngày phát hành vì những cáo buộc cho rằng nó tuyên truyền có lợi cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Barack Obama. Những người từ đảng Cộng Hòa cho rằng chính phủ của tổng thống Obama đã cố tình cung cấp những thông tin mật cho các nhà làm phim ca ngợi chiến dịch truy sát Bin Laden mà họ vừa tiến hành.

Mặc dù vậy, hãng phát hành Sony từ chối thừa nhận việc dời ngày ra mắt bộ phim từ tháng 10 sang tháng 12 là vì lý do chính trị.


Năm 2009, với phim “The Hurt Locker”, Kathryn Bigelow đã đi vào lịch sử như người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất

Giải thích về tên phim, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow – người từng đoạt giải Oscar cho phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc với phim “The Hurt Locker” (2008) chia sẻ, “Zero Dark Thirty” là một thuật ngữ trong quân đội chỉ thời điểm xuất kích chiến dịch lúc sau nửa đêm, nhưng nó cũng ngụ ý về bóng tối và bí mật phủ lên cuộc truy nã lớn nhất lịch sử kéo dài suốt hơn một thập niên.

Với kinh phí sản xuất được nói là khoảng 40 triệu USD, phần lớn bộ phim được quay ở Đại học công nghệ PEC ở Chandigarh, Ấn Độ. Tất cả được thiết kế lại cho giống Lahore và Abbottabad, Pakistan, nơi mà Bin Laden đã ẩn náu suốt 5 năm trước khi bị tình báo Mỹ phát hiện và bắt chết.

Kể từ ngày ra mắt 19/12 đến nay, bộ phim đã thu về gần 1,7 triệu USD dù chỉ được chiếu hạn chế tại 5 rạp ở Bắc Mỹ. Phải đến ngày 11/1 tới đây, bộ phim mới chính thức đổ bộ tới hàng ngàn rạp chiếu trên khắp thế giới.

Minh Chánh