-Biên đạo múa Tấn Lộc tiết lộ chuyện nghệ sĩ múa một bài nhận ngàn đô là thường tình.

Lông mi cong vút, nói nhanh như điện nhưng cử chỉ thì thân thiện, biên đạo múa Tấn Lộc tạo một cảm giác rất dễ chịu cho người đối diện - dù là người xa lạ và lần đầu anh tiếp cận. Tấn Lộc bảo rất ngại gặp phóng viên để trò chuyện vì nhiều lẽ.

Tôi đâu có dám "nổ" như thế!

Anh luôn "né tránh" báo chí, vì sao vậy?

- Đơn giản là vì tôi sợ mình bị biến thành người nổi tiếng, mà như vậy thì không có cuộc sống riêng tư. Thú thực với bạn, khi tôi mới vào nghề, có một nhà báo đến phỏng vấn về viết bài ghê quá. Đến nỗi khi tôi cầm tờ báo đọc thấy đây không phải là mình. Bạn tôi đọc bài báo cũng bảo không phải là tôi. Tôi đâu có dám "nổ" như thế.

Biên đạo múa Tấn Lộc
Anh có tên tuổi và tạo dựng được thương hiệu trong lĩnh vực múa và biên đạo múa ở TP.HCM là chủ yếu. Nhưng khán giả Hà Nội vốn khó tính, đem cả một vở múa ra trình diễn rồi bán vé có "mạo hiểm" quá không?

- Một người bạn từng nói với tôi rằng: "Cái nghề múa của tụi bay tâm huyết làm chi cho cực". Nhưng nếu ai cũng có ý nghĩ ấy thì múa, hội họa,... lấy ai là người theo đuổi. Ông Trời đưa tôi đến với nghiệp múa, bỏ sao được. Còn vấn đề khán giả đến đông hay ít thực lòng tôi không bận tâm lắm.

Điều tôi lo ngại nhất là thời tiết của Hà Nội đang lạnh tê tái như này mà nhân vật trong vở múa "Sương sớm" của chúng tôi lại có cảnh mặc áo may ô và áo bà ba thì tính sao đây?! Có lẽ tôi sẽ phải bàn với đạo diễn Việt Tú mua các máy sưởi gắn xung quanh rạp vào ngày 22/1 tới.

Những "đạo cụ" như vách bằng tán lá dừa, gạo, vòng hương cuốn mang đậm chất Nam Bộ, cùng âm thanh, tiếng của hơn 60 loài vật được thu trực tiếp và mua trên mạng sẽ được đoàn múa Arabesque của chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng và mang ra Hà Nội.

Với mong muốn duy nhất là đưa nghệ thuật múa đương đại tới gần khán giả chứ không phải với mục đích kinh doanh cộng cùng việc thể hiện hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù chăm chỉ thông qua ngôn ngữ múa đương đại, chúng tôi hy vọng sẽ để lại những xúc cảm mạnh mẽ cho khán giả thủ đô.


Giả sử họ có chửi thì tôi cũng cảm ơn

Thu nhập của nghệ sĩ múa, các vũ công phụ họa luôn bị than là "bèo bọt", thực hư điều này ra sao, thưa anh?

- Một nghệ sĩ múa nếu học bài bản thì mất 7 năm sau đó mới ra trường làm nghề. Ở Sài Gòn, có hai dạng: đoàn múa và nhóm múa. Nhóm múa thì chạy sô đám cưới, event, phụ họa cho ca sĩ là chính. Còn đoàn múa vẫn chạy sô ở ngoài nhưng còn theo đuổi những vở diễn dài hơi, dự án khác...

Chuyện nghệ sĩ múa một bài nhận ngàn đô là thường tình. Tôi được biết có nghệ sĩ múa được mời diễn chừng 5 phút nhận 30 triệu. Thông thường các nghệ sĩ múa mà chăm chạy sô thì cũng đủ sống bởi ở Sài Gòn cứ 10 đám cưới thì có tới 9 đám là mời đoàn múa. Chưa kể việc họ đi múa cho những sự kiện khác.

Nhiều người than phiền rằng làng giải trí ngày càng mọc ra những nhóm múa nhưng những động tác thì na ná giống nhau, kiếm tìm những bài múa ăn nhập thậm chí để tôn các tiết mục ca nhạc là quá khó, để có những vở múa ghi dấu ấn thì hiếm hoi, anh nói gì về điều này?

- Đây là vấn đề tế nhị. Tiêu chí của tôi là không đem mình so sánh với người khác. Cũng không thích phán xét công việc của người khác khi mà mình không phải là người trong cuộc. Với tôi, khi tham gia biểu diễn hay làm biên đạo cho bất kể tiết mục nào thì điều quan tâm nhất là dư luận sau đó phản ứng ra sao.

Nếu người ta khen tôi cũng cảm ơn - vì đó là niềm động viên lớn lao để tôi tiếp tục rèn luyện, thử sức và dấn thân với nghề múa, nghề biên đạo. Còn giả sử họ có chửi thì tôi cũng cảm ơn - vì có thể cái mà họ "chửi" ấy lại là cái mà tôi chưa nhìn thấy.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà