- Khi một nhạc sĩ kiêm ca sĩ tự làm nên tên tuổi trên bảng xếp hạng lớn, người nghe có quyền hy vọng vào một thứ âm nhạc mới mẻ.

TIN BÀI KHÁC


“The A Team” đã từng liên tục trụ trong top 10, nhưng đã hơn hai tháng kể từ khi ra mắt, đĩa đơn “Give Me Love” chưa bao giờ lên quá thứ hạng 18 trên bảng xếp hạng UK. Dường như chàng hoàng tử lang thang tóc đỏ Ed Sheeran - người ưa thích các thiên thần và tự hào mình không đi theo những dòng nhạc chính chuyên – đang mất dần vòng hào quang mới chớm lóe sáng từ đầu năm 2011. 


Khi Ed Sheeran mới bước vào chiến trường âm nhạc thảm bại đang bị đè nát bởi âm nhạc Mỹ của Anh Quốc, giới yêu nhạc thấp thỏm mừng thầm bởi một chút độc lập, một chút sáng tạo, và sự đơn mộc của The A Team hứa hẹn một tài năng âm nhạc nguyên bản không bị ảnh hưởng bởi nền âm nhạc đại chúng. Chơi hơn 300 gig trong một năm, miệt mài viết nhạc và ôm cây đàn trong phòng ngủ qua tuổi niên thiếu, tự ra mắt 6 đĩa đơn và ba album trong vòng 6 năm trước khi được các hãng thu âm để mắt tới, Ed hiện lên như một hình mẫu lý tưởng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ: chăm chỉ, độc lập và biết tìm tòi.

Thế nhưng khi những đĩa đơn tiếp theo lần lượt phát hành, người ta bắt đầu ngờ ngợ, cho tới lúc album ‘’+” nằm trên kệ, thì những kẻ mơ mộng về cái gọi là âm nhạc ẩn dật đành ngậm ngùi quay gót. Âm nhạc của Ed Sheeran cũng giống giống như nhạc của những nghệ sĩ được hỗ trợ bởi dàn kỹ sư âm thanh và các ông hoàng thu âm. Đơn giản, bởi chính Ed Sheeran cũng nghe và chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc đại chúng.


Nói một cách công bằng, “+” không hề dở. Nó đầy sự dịu dàng của những âm thanh thô mộc, chút ngây thơ của những câu hát bâng quơ, ít da diết của yêu thương, pha lẫn cái láu táu non trẻ của anh chàng mới lớn. Ed Sheeran hát về những người trẻ đầy mơ mộng, yêu đương hồn nhiên nhưng đồng thời phải vật lộn với cuộc sống tự lập còn quá mới mẻ. Các bài hát tương đối đơn giản, giống như một câu chuyện nhỏ, hay một đoạn đối thoại lộn xộn; xen giữa những câu tỏ tình còn rất sến và đáng yêu có le lói chút triết gia thông minh: “…Để có những thứ tồi tệ nhất của cuộc sống lại luôn dễ dàng…”, “…Một phần trong anh trở thành một phần bờ biển, rồi sẽ rơi vào nơi anh thuộc về để bình yên…”.

Ed Sheeran chịu ảnh hưởng rõ ràng bởi hai nghệ sĩ mà anh thậm chí còn nhắc tới trong “You Need Me, I Don’t Need You”: Just Jack và Damien Rice. Lối bắn chữ đầy nhịp điệu pop-rapping, những nốt bass chạy giai điệu kết hợp với cái da diết ám ảnh mộc mạc của guitar thùng và violin ẩn hiện làm cho “+” có chút khác lạ so với nhiều album khác cùng thời. Đáng tiếc thay, sự kết hợp lạ lùng ấy không hề độc nhất vô nhị.

Những chất liệu làm nên album đầu tay của Ed Sheeran không thể không gợi nhắc cho người nghe về Jason Mraz những ngày đầu khi anh còn ít được biết tới và “Mr A-Z” chỉ được tạp chí Rolling Stone đánh giá đúng một sao rưỡi. Có điều “Mr A-Z” ra mắt ở Mỹ từ 2005. Sáu năm sau, âm nhạc Anh Quốc vẫn nín thở trông chờ một tài năng nam (Adele đã chiếm vị trí nữ hoàng các nhạc sĩ/ca sĩ nữ), các nhà phê bình âm nhạc thở dài thất vọng mặc kệ những cô gái hâm mộ vẫn kêu gào tên Ed Sheeran trong những buổi diễn cháy vé. Có lẽ sự thất vọng lớn nhất là cái họ kỳ vọng ở một nghệ sĩ độc lập cuối cùng cũng không quá khác so với những thứ được sản xuất công nghiệp.

Give Me Love - Ca khúc rất được yêu thích của Ed Sheeran

Thế nhưng Ed Sheeran mới có 22 tuổi, và mặc dù có đôi chút ngạo mạn (dù rằng anh chàng hoàn toàn có quyền được ngạo mạn sau những kết quả đạt được bằng đôi chân của chính mình), anh không phải là kẻ đi copy của người khác. Ed Sheeran có tài. Anh muốn sự khác biệt, muốn được khẳng định bản thân và dùng âm nhạc như một phản chiếu chân thực của lăng kính thô mộc nhìn cuộc đời. Hy vọng rằng tài năng và sự khát khao ấy sẽ bị chính Ed Sheeran thử thách và phê phán, biết đâu anh chàng sẽ nhận được những tiếng vỗ tay tán thưởng ngay cả khi các cô nàng hâm mộ tuổi teen đã thôi gào thét.

Phương Phương