- Điện ảnh Việt được lợi gì từ đề án có tham vọng đem lại cho thị trường chiếu bóng 106 rạp quốc doanh, vốn là mô hình gần như đã chết?

Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9.1. Theo đó, chỉ trong 8 năm từ 2012 – 2020, Nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 6.500 tỷ đồng cộng với 4.300 tỷ đồng từ các nguồn vốn huy động khác để xây dựng và nâng cấp một loạt nhà hát, rạp chiếu phim và nhà triển lãm.

Fafilm Thái Văn Lung, một rạp quốc doanh nay đã được cổ phần hóa và có khả năng bị giải tỏa cho một dự án giao thông.

Dù biết đầu tư cho văn hóa luôn luôn cần thiết và không thể đong đếm nặng nhẹ, nhưng quả thật, con số dự kiến 10.800 tỷ khiến không ít người quan ngại về sự lãng phí vì chi tiêu không đúng chỗ, hoặc có nguy cơ thất thoát như vụ “42 tỷ” ở Cục điện ảnh trong năm qua. Mà trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đề cập đến một trong ba mục tiêu lớn của đề án, đó là việc xây dựng mới 57 rạp chiếu bóng và nâng cấp 49 rạp cũ.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, sự có mặt của 106 rạp chiếu quốc doanh hoặc liên kết với các nguồn lực khác trong vòng 8 năm tới, gần như đồng nghĩa với việc tái cấu trúc thị trường chiếu bóng, thuần túy từ ý chí của Nhà nước hơn là chuyển động tự nhiên theo quy luật của thị trường.

Bởi trong chừng ấy thời gian, khu vực tư nhân và nước ngoài, hiện đang nắm giữ trên 30 cụm rạp hiện đại ở các thành phố lớn và chiếm gần hết doanh thu toàn thị trường, khó có đủ nguồn lực phát triển số lượng rạp vượt qua con số 106, để tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh thị trường như hiện nay.

Nếu nhìn một cách lạc quan, câu hỏi đặt ra là có những điểm sáng nào trên bức tranh mà người ta có thể dự cảm được từ đề án đầy tham vọng ấy? Câu trả lời xem chừng thật vui vẻ. Rằng Cục điện ảnh tới đây sẽ không còn tức giận vì bị các rạp tư nhân và nước ngoài từ chối nữa, mà đã có nơi hoành tráng riêng để tổ chức liên hoan phim hay các lễ kỷ niệm.

Rằng 49 rạp quốc doanh không còn được bao cấp hoàn toàn giữa lúc cơ sở vật chất cũ kỹ, hư hỏng và đối diện nguy cơ bị trưng dụng cho những mục đích kinh tế, nay có cơ hội được “sống” trở lại. Rằng sẽ có nhiều người vui vì “có chân” trong 57 dự án xây rạp mới, tương đương với 57 bộ máy điều hành sau này.

 Cục Điện ảnh thường gặp khó khăn khi đi tìm địa điểm tổ chức các liên hoan phim và lễ kỷ niệm
Và quan trọng hơn, số lượng rạp chiếu mà đề án đặt mục tiêu gây dựng đủ để phủ tràn tất cả các tỉnh, thành đang trống vắng rạp phim, và người dân đã mất thói quen ra rạp xem phim vì nhiều lý do khác nhau. Lâu nay, đi xem những bộ phim “bom tấn” nóng hổi gần như là đặc quyền của người dân ở những đô thị lớn.

Theo bà Trịnh Thanh Tâm, giám đốc phát hành của Galaxy Studio thì “toàn bộ thị trường VN đang có khoảng 300 rạp chiếu phim, trong đó số lượng rạp tính riêng hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM là 40 rạp. Mặc dù về mặt số lượng rạp chỉ chiếm khoảng 14% trên tổng lượng rạp toàn thị trường nhưng tỉ trọng doanh thu của các rạp tại hai thành phố lớn đang chiếm tới 80% doanh thu của toàn thị trường”.

Tuy nhiên, bức tranh về sự trỗi dậy của khu vực quốc doanh trên thị trường chiếu bóng liệu có hoàn toàn mang điểm sáng như mục tiêu của đề án? Rạp chiếu cũ kỹ, chậm đổi mới công nghệ, bộ máy điều hành quan liêu, trình chiếu những bộ phim kém chất lượng…đã từng là những nguyên nhân nội tại khiến mô hình rạp quốc doanh bị khán giả chối bỏ cách nay 2 thập niên, để lại khung cảnh chiếu bóng điêu tàn trong suốt nửa cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000.

Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước lại chính là động lực xây dựng lại ngành chiếu bóng, tiếp cận gần hơn với thế giới qua bước đầu xây dựng mô hình cụm rạp trong những khu mua sắm, giải trí phức hợp. Kết quả là sau một thập niên đi từ con số 0, đến hôm nay, doanh thu phòng vé của toàn thị trường được nói là ước đạt 47,8 triệu USD trong năm 2012, tăng 35% so với năm 2011.

 “12 con giáp”, một phim của Thành Long, đang thống lĩnh phòng vé Việt với doanh thu ước khoảng 1,35 triệu USD
“Chiếc bánh” doanh thu phòng vé bùng nổ qua mỗi năm hấp dẫn đối với bất cứ phía nào tham gia thị trường. Thế nên, thật khó tin là các “rạp nhà nước kiểu mới” đi theo mô hình cụm rạp hiện đại sẽ không nhảy vào cạnh tranh ở khu vực mà tư nhân và nước ngoài đã gây dựng, làm phá vỡ cấu trúc thị trường cạnh tranh. Trừ phi có một văn bản pháp lý buộc chúng hoạt động trong phạm vi phục vụ lợi ích công cộng (phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim cho người nghèo đô thị, phim cho vùng sâu vùng xa…) để những đồng tiền thuế do dân đóng được xài đúng nơi, đúng ý nghĩa.

Sự sống lại của một mô hình cũ tưởng đã chết sẽ làm bức tranh điện ảnh Việt trong 10 năm sắp tới sáng hơn hay chỉ lộn xộn hơn, do vậy, nằm ở những quyết định mang tính nhìn xa trông rộng ngay từ hôm nay. Và quy trình nhà nước xắn tay làm những gì vì lợi ích chung mà tư nhân không làm là không thể đi ngược.

Mặt khác, chiếu bóng chỉ là khâu cuối cùng trong ngành công nghiệp điện ảnh, trong khi một nền điện ảnh phát triển luôn được nhìn nhận trên ngành công nghiệp sản xuất phim. Nhưng đây lại là khu vực gần như…tự phát, khiến diện mạo điện ảnh Việt đầy những “thảm họa”, từ cả túi tiền của tư nhân lẫn ngân sách Nhà nước.

 Sự phát triển rầm rộ các rạp chiếu quốc doanh, nếu không khéo, chỉ làm giàu thêm cho… Hollywood trong bối cảnh phim Việt yếu cả chất lượng lẫn số lượng. Và ngành phát hành – vốn đang hoàn toàn nằm trong tay tư nhân và nước ngoài – xem như có đủ lý do “chính đáng” để nhập ồ ạt phim nuôi sống rạp chiếu và nuôi dưỡng sự lớn mạnh của chính nó.

Kỳ tiếp: Chuyện xây nhà hát ngược đời chỉ có ở Việt Nam

Minh Chánh