- Trong những ngày qua, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả xung quanh vấn đề văn hóa lễ hội.

Lớn tiếng đòi cấm lễ hội Đền Trần

Xuất hiện nhiều nhất là những phản hồi của độc giả xung quanh vấn đề có nên hay không cho tiếp tục tổ chức các lễ hội biến tướng. Tập trung nhiều nhất là về lễ hội khai ấn Đền Trần ở Nam Định.

Độc giả Đỗ Văn Toàn (Nam Định) chia sẻ: “Tôi là người dân sống gần khu di tích đền Trần, những năm gần đây mỗi dịp tới lễ khai ấn tôi đã không còn dự lễ vì quá sợ cảnh chen lấn. Đa phần những người sống tại khu đền Trần như chúng tôi thường chọn cách tới lễ trước ngày khai hội vì lúc đó Đền vắng vẻ và thật yên bình. Chỉ nghĩ đến cảnh người người đổ về phá hỏng tính tôn nghiêm và linh thiêng của khu di tích  đã thấy thật xót xa, đừng nói là phải chen lấn trong đó…”

Độc giả Nguyen Tin Thanh ở Hà Nội cho rằng nên dẹp bỏ việc phát ấn ở lễ hội đền Trần, chỉ khai ấn mỗi năm một bản ấn duy nhất để kỷ niệm ở trong đền. Như vậy mới đảm bảo sự linh thiêng của ấn và xóa bỏ được tình trạng lộn xộn mua thần bán thánh ở lễ hội này.

Những cánh tay tới tấp chìa tiền mua ấn ở Đền Trần (ảnh: Nguyễn Hoàng)
Độc giả Trần Quang Nghĩa ở Hà Nam góp ý: “Tình trạng dẫm đạp lộn xộn tại các lễ hội không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân thiếu ý thức. Họ chưa hiểu hết về nét đẹp và văn hóa lễ hội phải nói đến trách nhiệm của các ngành như giáo dục, quản lý văn hóa… Việc cải thiện ý thức đó không thể một sớm một chiều mà cần phải có thời gian và từng bước. Và bước đầu tiên là phải dẹp bỏ ngay những lễ hội này”.

Với thái độ thẳng thắn, một độc giả ở địa chỉ email  Tranduc…@gmail lên tiếng: “Không biết tiền bán ấn và kinh doanh ki ốt, gửi xe tại các nơi diễn ra lễ hội về đâu. Nếu BTC là nơi nhận những khoản thu này thì có phải là tiếp tục tạo điều kiện cho tình trạng phản văn hóa tại các lễ hội? Còn nếu khoản thu này góp vào quỹ ngân sách nhà nước, tôi mong những người có quyền hạn hãy từ chối những khoản này và cấm luôn những lễ hội kiểu như thế”.

Hão huyền hy vọng chức tước bỗng dưng rơi vào đầu

Đầy tâm sự, bạn Hương sinh viên đến từ trường ĐH Văn hóa gửi cho chúng tôi một bức thư dài: “Năm nay, lần đầu tiên mình tham dự lễ hội đền Trần. Ban đầu mình cũng chen lấn nên vào được vào vòng trong nhưng khi toát mồ hôi giữa biển người, chứng kiến cảnh tượng các anh công an phải vừa vất vả giữ hàng rào, vừa luýnh quýnh nhấc từng người bị ngất vì chen lấn mới thấy thông cảm cho các anh và lo lắng cho “thảm họa” lễ hội Việt.

Trong số rất đông người chen lấn có nhiều người cùng thế hệ, lứa tuổi với mình. Thấy các bạn cuồng si chen lấn thậm chí văng tục, ném đá vào trong chỉ vì muốn lao vào đó kiếm một chiếc ấn lộc khiến mình phải nghĩ lại về mục đích đến đây.

Những người hy vọng thăng quan tiến chức thì còn có lý do để dẫm đạp lên người khác mà mong thần thánh để ý, chứ giới trẻ bọn mình thì cướp ấn về để làm gì? Không học hành tử tế, lăn lộn tìm việc làm, cố gắng phấn đấu cật lực mà thần thánh bỗng dưng thả chức tước rơi bụp vào đầu mình à? Mình vừa mới ra trường chưa có cống hiến gì cũng tự nhiên làm “lãnh đạo” à? Các bạn trẻ trong đám đông kia liệu có quá nông nổi, a dua? Và đêm ấy mình đã quyết định chỉ vái lễ rồi ra về, trong tay không hề có chiếc ấn lộc như nhiều người khác”.

Lễ hội biến tướng, quyền lợi thuộc về ai?

“Theo tôi thực trạng các lễ hội văn hóa đang diễn ra trong thời gian gần đây đang phản ánh một mặt nào đó của xã hội hiện tại khi “giá trị ảo” lên ngôi. Quá nhiều người dân tin vào chuyện có những ông quan bằng cấp dởm, do chạy quyền chạy chức mà leo lên được những vị trí cao sang. Thế hệ trẻ thì ảo tưởng khi tin rằng hiện nay không cần phải có kiến thức cũng có thể làm giàu để khoác lên mình những bộ cánh hào nhoáng. Nếu chính phủ không dẹp ngay những lễ hội này tôi sợ chúng sẽ trở thành một ý thức hệ lệch lạc gây nguy hiểm tới xã hội một cách lâu dài” –  Bạn đọc để lại bút danh Đức Dũng (Hà Nội) đóng góp ý kiến của mình.

Dẹp bỏ mê tín phải bắt đầu từ những người có địa vị và quyền lợi? (ảnh: Nguyễn Hoàng)

Độc giả Văn Thanh (Nghệ An) bức xúc: “Thật buồn lòng trước tình cảnh rất nhiều người có địa vị trong xã hội đổ về những lễ hội đậm chất mê tín cầu tài như hiện nay. Điều này tạo nên một phản ứng dây chuyền khi những người dân có địa vị và hoàn cảnh thấp hơn trong xã hội nhìn vào và a dua theo. Thật đáng sợ khi mà địa vị xã hội bên ngoài lại quyết định tới địa vị tâm linh. Cứ như thế này, tín ngưỡng liệu có còn linh thiêng? Để dẹp bỏ thực trạng này theo tôi cần phải bắt đầu từ những người có trách nhiệm và quyền lợi liên quan tới lễ hội đó”.

Xin cám ơn ý kiến đóng góp của độc giả và mong nhận được những trao đổi tâm huyết để góp ý cho văn hóa lễ hội. Độc giả có thể phản hồi bên dưới bài viết hoặc gửi email về Banvanhoa@vietnamnet.vn

Ban Văn hóa

TIN LIÊN QUAN:
Đừng cực đoan với lễ hội
Lễ hội thời nay đang được thả nổi?
Người dân lên tiếng về văn hóa lễ hội
Thảm hại lễ hội và giấc mộng Tâm hương
Buồn cho văn hóa lễ hội đền Trần
"Đừng giết lễ hội bằng cách đổ tiền thiếu văn hóa"