- Tôi biết ông từ độ mượn được cuốn 2 Hồi ký, bản photo đã sờn lên vì tay người đọc, để rồi chăm chú tìm kiếm ông trên Internet của một thời chập chững đại học và viết lách…


Ba người Nhạc sĩ

Ba người nhạc sĩ đã ảnh hưởng và định hình thế nào là âm nhạc trong đầu tôi là Văn Cao – Phạm Duy – Trịnh Công Sơn. Mỗi người một phận đời tài hoa nhưng ít nhiều bi kịch. Nếu như vào một ngày hè thập niên 1990 đó, tôi không lục lọi để rồi mượn được cuốn Hồi ký photo của ông (cuốn 2 - Thời Cách mạng - Kháng chiến), chắc tôi không thể mù mờ biết về một nhạc sĩ lớn như ông. Thế hệ 1980 chúng tôi biết rất ít thông tin về ông… cho đến thời đại của Internet.

Văng vẳng trong tiềm thức tôi câu hát như thơ “Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời, người ơi”, tôi đi tìm, như thể tìm chim và bóng chim tăm cá. Có điều gì như đồng cảm với tuyên ngôn của Cụ Phạm Quỳnh mà Hoài Thanh, Hòai Chân dẫn lại trong “Thi nhân Việt Nam”: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Cho đến ngày tôi mới vỡ lẽ ra đó là câu hát trong bản TÌNH CA bất hủ của ông, dài dằng dặc tình yêu nước thương nòi, tình yêu trai gái, long đong lận đận để mà “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Trong mệnh nước thì có phận ĐỜI, phận mình, lẻ loi sao được giữa thế sự ưu tư. Vần nhạc thơ giăng lên trong ấy tiếng khóc, tiếng cười, ngắt vào chìm đắm nhân gian những giọt buồn.

Tôi đã khóc khi nghe “Bà mẹ Gio Linh”. Ở nơi đâu trên thế gian này có những người mẹ anh dũng, yêu con đến vậy. Bài ca như một câu chuyện đắng cay về chiến tranh, về tình mẫu tử, và cả về căm thù nữa, tôi nghe giọng ca Duy Quang như nghẹn lại khi hát đến trường đoạn tang thương đó, bà mẹ gói đầu con mang về. Để rồi cung nhạc bừng nở khi bà mẹ, tưởng những người chiến sĩ như là con mình mà rưng rưng “ngày một, ngày hai, con hãy ghé chơi đây…”.

Ngày trở về

Tôi từng tâm niệm “Nếu mở mắt, ta chỉ nhìn được những gì trước mắt, Nhắm mắt lại ta sẽ nhìn thấy tất cả”. Phải chăng nhạc Phạm Duy cũng vậy, tôi nghe ông có điều gì đó bi nhưng không lụy, hoan nhưng không lạc, trong nhưng ít sáng, chỉ bừng lên như chấm lửa đêm đen. Lần giở những trang viết ấu thơ đã đọc, đã học, gieo vào tôi hai câu thoại đã trở thành bất hủ “Ù, Thông tôm/Chi chi nảy/ Điếu, mày!” trong “Sống chết mặc bay” của Nhà văn Phạm Duy Tốn – thân phụ Nhạc sĩ Phạm Duy. Phận nước đã vận vào lời ca, dòng nhạc ông có nhiều điều để suy để ngẫm, phải chăng là như vậy?

Đi và về, thơ nhạc Trịnh Công Sơn đã bao điều bày tỏ. Nhưng với ông, là bằng hành động. “Ai cũng phải về cát bụi, một lần thôi…” phải không ông?.

Nhưng “tôi không đi qua, tôi để lại gì” (Văn Cao). Người trở về cho ngày trở về nhiều suy niệm, hoài vọng, cho thế hệ tôi ngân lên những dòng ca ấy, có vui có buồn của “phận nước nổi trôi”.

Như một lời nguyện cầu

Nghe ông bệnh sau tin ca sĩ Duy Quang từ trần, tôi thương mà biết làm gì đây, chỉ biết viết đôi dòng tâm cảm, mong gửi tới ông những điều chúc tốt lành nhất. Có những điều cần phải được tỏ bày giữa thế hệ này với thế hệ khác, nối kết nhau bởi nhạc, bởi thơ. Có những điều cần viết ra cho kịp chuyến đò đời nhiều phiêu dạt, âu cũng là cái duyên chữ nghĩa vậy?!

Một lần nữa, cầu chúc ông được bằng an!

Hàn Sĩ Huy