- “Tôi không biết rằng một đất nước mà trẻ con có thể truy cập được tất cả mọi thứ trên internet, chứng kiến mọi câu chuyện... thì tương lai đất nước ấy sẽ như thế nào.” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

TIN BÀI KHÁC

Nhìn lại một năm cũ đã qua dưới đôi mắt quan sát của một người làm văn hóa, chăm lo cho văn hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trò chuyện với báo VietNamNet bằng những âu lo và trăn trở. Con người và văn hóa đang đứng trước những thử thách lớn lao khi sự suy thoái tràn ngập, trộn lẫn vào mọi mặt trong đời sống.

Giải trí hay nghệ thuật? Có văn hóa hay phi văn hóa?

Thưa ông, dường như trong năm qua, mức độ scandal trong làng giải trí đã "vượt ngưỡng". Ngoài chuyện hình thức ăn mặc bên ngoài, còn có những vụ việc lớn hơn (như hôn môi nhà sư), khiến báo chí nước ngoài phải nhắc đến. Nhiều người phải tự hỏi, họ có còn quan tâm đến đạo đức nữa hay không?

- Showbiz là nơi mà công việc dễ bộc lộ sự phi văn hóa nhất, nếu nghệ sĩ không có một nền tảng văn hóa cơ bản bên trong. Nhưng nếu gạt đi giới showbiz, nếu ta đi sâu vào các ngõ ngách đời sống văn hóa, sẽ thấy  hiện nay, giới công chức, người buôn bán hay cả giới tri thức cũng gặp những điều như vậy. Trong ứng xử, bày tỏ quan điểm, họ tranh luận kém văn hóa; trong đời sống họ xả rác ra môi trường; trong gia đình, họ không tôn trọng người trên kẻ dưới... Câu chuyện không còn thuộc về riêng giới showbiz nữa, mà là cảnh báo cho toàn xã hội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong buổi trò chuyện đầu năm

Những người làm nghệ thuật đang nhìn showbiz Việt như thế nào?

- Showbiz là một phần đời sống mà bất cứ xã hội nào cũng có. Nếu nó tốt, nó tác động xã hội rất nhanh. Nhưng nếu dở, tác động cũng nhanh vô cùng.

Đôi khi người làm nghệ thuật nghiêm túc vẫn nhìn các sao showbiz như một điều lạc ra khỏi đời sống chung của cộng đồng. Từ cách ăn mặc, lối sống đến chuyện ái tình. Họ cho rằng đây là giới sống phi kỉ luật nhất, ngạo mạn nhất, không ý thức về mình và ít hiểu biết về bản thân nhất. Chính họ là người đang làm một cái gì đó như là những hoạt động của văn hóa - nhưng đôi khi lại trở thành những nhân tố phi văn hóa nhất.

Càng ngày truyền thông càng phát triển, người ta tiếp xúc với showbiz nhiều hơn (sân khấu trực tiếp, truyền hình, báo chí, blog, video, mạng xã hội...). Từ đó showbiz lộ ra ngày càng nhiều những điều phản cảm, khiến xã hội cảm thấy lo sợ rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến con cái, đến thế hệ trẻ.

Ngày càng có nhiều người tự xưng là nghệ sĩ với những cống hiến nghệ thuật rất bé mọn, thậm chí phi văn hóa, phi nghệ thuật. Mọi chức danh đều bị tung hô bừa bãi, từ người đẹp, nghệ sĩ đến tài năng.... Tôi cứ nghĩ người đẹp là phải đẹp cả nhan sắc lẫn tâm hồn cơ. Tại sao không gọi họ đơn giản là ca sĩ, diễn viên, người mẫu... cho đúng với chức năng nghề nghiệp của họ?

- Giới showbiz là một trong vài nhóm lạm dụng danh xưng nhiều nhất. Sau đó đến truyền thông tung hô. Và thứ 3 là những fan hâm mộ quá mức. Showbiz được đón nhận bởi những người hâm mộ còn quá non trẻ và ấu trĩ, chưa trải nghiệm sống và chưa hiểu biết về các tầng văn hóa, nên cứ nghĩ ngôi sao của mình ở rất cao.

Trong Showbiz, hầu hết là những người còn rất trẻ. Tuổi đời chưa nhiều, va vấp chưa nhiều, kinh nghiệm sống chưa có, trước những sự tung hô như thế - ngay cả bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy lúng túng - cũng nghĩ mình là một điều gì đó khiến xã hội phải theo dõi từng bước chân, phải quan tâm từng kiểu tóc, trang phục, người tình hay phòng ngủ.

Tri thức còn ít, cộng với sự tung hô vô lối từ người khác rất nguy hiểm cho họ. Đứng trước xã hội, họ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.

Làm sao để xã hội phân biệt được khái niệm nghệ sĩ (artist) và người làm giải trí (entertainer)? Ở VN, ai cũng xưng là nghệ sĩ hết, chẳng ai nói mình là người làm giải trí.

- Chúng ta phải định danh lại việc đó. Chính bạn là người đầu tiên đi, và những người khác nữa. Một hệ thống dây chuyền các nhà báo phải làm điều này. Không ít người đã lên tiếng phê phán, nhưng chúng ta phải định danh lại họ. Đâu là một người làm giải trí, đâu là một nghệ sĩ? Đâu là một sự kiện giải trí và đâu là một sự kiện văn hóa?

Ai cũng muốn trở thành nghệ sĩ, kể cả một người mẫu mới vào nghề. Thế nên báo chí cứ tung hô thì họ sẽ nhận.

Nghệ sĩ là một từ rất tốt đẹp. Ở đó có sự sáng tạo và cống hiến, mang lại vẻ đẹp cho con người. Nhưng bởi vì chúng ta đã không định danh rõ, nên những người tham gia vào các chương trình giải trí đã không nhận ra vị trí của mình, danh tính của mình. Chứ ở nước ngoài, dù báo chí có gọi thế nào thì họ vẫn phải cải chính. Họ phải xưng danh đúng họ. Và việc đó không có gì phải hổ thẹn. Một người nông dân phải xưng danh là một người nông dân. Như thế mới định rõ tính cao quý, tôn trọng nghề nghiệp của mình. Ở xã hội ta, rất nhiều chuyện phải định danh lại. Ngay cả trong giới văn học của tôi cũng vậy, không chỉ trong giới showbiz.

Quan sát đời sống văn hóa nghệ thuật gần đây, ông thấy chất lượng của chúng đi lên hay đi xuống?

- Đứng về mặt số lượng, phong trào, nó đang đi lên, đang lan tỏa rộng. Nhưng đó là một nguy cơ. Khi  mở rộng bình diện hoạt động văn hóa, mà lại không văn hóa thì tác dụng sẽ ngược lại. Tôi có thể nói, chất lượng đang giảm đi. Những thứ mang tính quảng bá, PR, hoạt động văn hóa như một mục đích kinh doanh mỗi ngày một nhiều lên. Đây là một sự thật. Từ lễ hội truyền thống đến các phong trào đã bắt đầu mất đi bản chất thật của nó - những yếu tố quan trọng tạo nên một sự kiện văn hóa hay nhân vật văn hóa.

Chúng ta còn phải nói nhiều về việc này. Kể cả nói thẳng, có những sự kiện lớn, bỏ ra số tiền lớn, đạt Guiness về số lượng người tham gia, nhưng tác động tích cực vào vẻ đẹp của đời sống văn hóa thì không có.

Nguyễn Quang Thiều bên cuốn sách mới của ông.

Bức tường “hàn lâm” đã ngăn công chúng và tri thức

Với người dân hiện nay, văn hóa tác động thế nào với họ? Họ có được biết nhiều về các hình thức văn hóa - trước đây rất quen thuộc nhưng bây giờ ta lại gọi là hàn lâm - như các tác phẩm văn học kinh điển hay một chương trình âm nhạc cổ điển?

- Tôi là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Những năm tháng của tuổi thơ, tôi được đón nhận những tác phẩm văn học kinh điển (do người Hà Nội sơ tán mang về) mà bây giờ người ta liệt vào hai chữ "hàn lâm". Ở quê tôi, những đơn vị bộ đội học tiếng Anh đóng quân ở đó, có trường ĐH Ngoại giao, ĐH Sư phạm. Họ đã mang về những sản phẩm mà bây giờ ta gọi là văn hóa hàn lâm - nghĩa là thứ chỉ để cho một số những người nào đó trong xã hội - một tầng lớp elite thưởng thức.

Nhưng ngày xưa, những cậu bé nông thôn như tôi đã đọc những thứ đó. Chúng tôi đọc Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình... Mặc dù có thể không hiểu bao nhiêu, nhưng nó đã dội vào trong trái tim mình những điều gì đó, rất mơ hồ. Nó từng bước gây dựng.

Tại sao lúc đó chúng tôi có thể rung động? Mà nếu bây giờ mang Ruồi trâu cho một người ở nông thôn đọc, họ sẽ bảo "Không, đây là một thứ hàn lâm". Nhưng ngày xưa nó phổ cập ở nông thôn.

Không phải cái đó hàn lâm, mà chúng ta đã đánh mất những vẻ đẹp mang tính uyên bác. Chúng ta thu nạp về phim truyền hình Hàn Quốc khóc sướt mướt; phim truyền hình VN tình ba tình tư. Chúng ta đang hủy hoại sự cảm thụ đẹp đẽ với văn hóa. Chúng ta đang đi lùi lại.

Đó là chỉ số cực kì quan trọng cho thấy dân trí đang đi đến đâu. Chúng ta có nhiều rạp phim, nhiều máy tính hơn, nhưng máy tính chỉ để làm những chuyện thật buồn bã. Xem phim không lành mạnh, viết những thứ này nọ chứ không đi tìm tri thức.

Dù nhân loại có tiến đến đâu, mà đời sống của sách tàn lụi thì có nghĩa là chúng ta có nguy cơ tàn lụi. Không phải tôi là nhà văn mà nói vậy, những dấu hiệu bất bình thường trong đời sống văn hóa của con người nói lên điều đó.

Như vậy, việc đặt ra hình thức hàn lâm cho văn hóa, vô tình đã xây một bức tường ngăn cách với đại chúng?

- Có 2 điều. Thứ nhất, tự số đông dân chúng ngăn chặn bản thân mình, cho rằng nó là thứ thuộc về người khác, thuộc về các ông giáo sư tiến sĩ ở đâu đó. Thứ hai, những nhà quản lý văn hóa cũng không bao giờ sử dụng những thứ đó để truyền bá rộng khắp trong nhà trường, trong cộng đồng, trong đời sống văn hóa chung. Đó là một sai lầm rất lớn.

Lâu nay chính mình không để ý. Nhưng tôi cho rằng câu hỏi của chị đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng. Các nhà quản lý cũng như tất cả mọi người phải biết điều này. Chúng ta đã tạo ra một hàng rào cách trở, đẩy lùi một bộ phận lớn dân chúng, xã hội về phía sau. Mà nhẽ ra họ phải được đẩy lên phía trước.

Chúng ta đã co cụm lại  với những người mang danh giáo sư, tiến sĩ, tri thức, tầng lớp cao trong xã hội. Chúng ta đã để lại những người khác hưởng thụ một thứ mà tôi cho không biết có phải văn hóa hay không? Hay đó là thứ giải trí vô bổ, mất thời gian, tốn tiền và đẻ ra những cảm xúc tệ hại.

Ngôn ngữ thực dụng xâm lấn con trẻ, gia đình

Từ đó, ông thấy nền tảng văn hóa của người Việt có sự thay đổi nào không trong những năm gần đây? Cách cư xử giữa người với người ra sao?

- Hãy thử trở lại chính ngôi nhà của chúng ta. Ở khắp nơi trên thế giới, ngôi nhà là nơi nảy nở những điều tốt đẹp và cũng là thành trì cuối cùng trong tâm hồn mỗi con người. Ở đó, sự gắn kết con người mạnh mẽ nhất. Khi thành trì đó vỡ, xã hội sẽ vỡ thành từng mảng.

Ở VN hiện nay, văn hóa trong mỗi gia đình đã bắt đầu bị phá vỡ rất ghê gớm.

Có mấy điều đang mất đi. Thứ nhất là quan hệ tứ đại đồng đường, ba hay bốn thế hệ trong một ngôi nhà không còn nữa. Mâm cơm gia đình bị chia sẻ. Trong một bữa tối quần tụ, đó không chỉ là việc cùng ăn thực phẩm, mà là một cuộc hội ngộ trong ngày, cùng chia sẻ một ngày mệt nhọc.

Bây giờ ông bà ăn một nơi, bố mẹ ăn một kiểu, con cái ăn một kiểu khác. Sự phân tán gia đình đã được nhìn thấy.

Thứ hai, ngôn ngữ được sử dụng trong gia đình đã thay đổi. Nếu đặt máy ghi âm trong một gia đình, sẽ thấy người ta không phải đang thì thầm những câu chuyện về tình yêu, về điều tốt đẹp, về hướng thiện cho con cái - mà họ đang nói một thứ ngôn ngữ thực dụng. Đứa trẻ nghe cha mẹ đang bàn cách làm sao cho có lợi, có lời nhất, bán nhà này mua nhà kia, bao nhiêu tiền cho vụ này, với cô này bao nhiêu tiền, với thầy kia bao nhiêu tiền.... Đứa trẻ bị sinh ra trong một đời sống ngôn ngữ thực dụng đầy tính toán. Không có gì cho nó mở rộng tâm hồn, làm sâu tâm hồn.

Tội phạm ở tuổi vị thành niên hiện nay, có cả việc giết cha giết mẹ, giết ông, giết bà, giết em giết vợ, thậm chí giết cả con. Thành trì cuối cùng, nơi cưu mang che chở, dạy dỗ và dẫn đường... đang bị phá vỡ. Chúng ta nghe thấy đấy, nhưng lại mỉm cười và bước đi.

Vị trí của người làm cha làm mẹ rất quan trọng. Trên họ có ông bà, dưới họ có trẻ nhỏ, nhưng dường như họ không ý thức được trách nhiệm của mình. Trên mạng thấy nhan nhản những chuyện ngoại tình công sở, những vụ nhậu trưa, làm việc không nghiêm túc... Họ sẽ phải nhìn lại mình như thế nào, để giữ gìn chính gia đình của mình? Họ có ý thức rằng ngoài trụ cột về tài chính, họ sẽ còn phải là trụ cột về văn hóa?

- Tôi vẫn nói với bạn bè rằng, thành công hay thất bại lớn nhất của chúng ta là con cái. Chúng ta sinh ra một thế hệ mới thì phải tạo dựng cho chúng cả về trí tuệ và tâm hồn. Có một triết lý "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Khi cha mẹ không gương mẫu, sống tùy tiện, bất hiếu và vô cảm, thì những đứa con sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Không phải chỉ có những ông bố bà mẹ tồi mới khiến con cái bị ảnh hưởng. Có những người rất tốt, nhưng không biết cảm nhận được con để dẫn đường cho nó thì những đứa con cũng mất mát, lạc lối trong xã hội. Tôi đã viết trên VietNamNet, chúng ta hiện nay đang chăm sóc quá kĩ lưỡng thân xác của những đứa trẻ mà không nuôi dưỡng tâm hồn chúng nó. Đứa trẻ được ăn những thức ăn cao cấp, bổ dưỡng nhất; nhưng về tinh thần thì lại cho chúng những thứ tệ hại và nghèo nàn nhất. Chắc chắn là như vậy.

Bây giờ mỗi phụ huynh hãy viết một bản kiểm điểm, xem trong năm qua, họ đã nói gì với con họ. Họ đã cho con họ "ăn" những gì, thực phẩm cho tâm hồn là gì? Họ sẽ thấy họ đã cho con cái của mình những thứ thật tệ hại.

Đã đến lúc, nhận thức về những điều này phải chia đều cho tất cả mọi người.

Trẻ em Việt Nam đang được tiếp xúc với mọi thứ văn hóa, truyền hình, phim ảnh, internet y như người lớn, thưa ông.

- Tôi đã từng nói chuyện với một giáo sư Mỹ. Trong gia đình ông, việc cho con xem chương trình truyền hình nào là rất quan trọng, đồng thời chúng được khơi gợi sự độc lập và tự chủ - chứ không phải "thả nổi" như ta. Chúng ta đã quên mất những đứa trẻ đang ở bên cạnh chúng ta. Tôi không biết rằng một đất nước mà trẻ con có thể truy cập được tất cả mọi thứ trên internet, nghe mọi thứ chuyện, chứng kiến mọi thứ chuyện ..... đất nước ấy sẽ như thế nào.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thấu đáo!

Hồ Hương Giang
Ảnh: An Sa