- “Tôi chưa nhận thấy ai ghét mình, ai thù mình hay có ý định làm hại mình, nhưng cảm giác cô đơn giữa con người vẫn tồn tại”.

Nhân dịp hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” do Viện Văn học tổ chức, phóng viên VietNamNet đã trò chuyện với ông - một trong những nhà thơ quan trọng nhất của lớp nhà thơ thời hậu chiến tại Việt Nam. Nguyễn Quang Thiều thường được bạn văn nhắc đến như một người cầm bút đa tài, có tâm hồn nhạy cảm - với một giọng thơ đẹp, hoang hoải và cũng khó lòng nắm bắt. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được biết đến với tập thơ Sự mất ngủ của lửa (1992), Châu thổ (2011) và nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký…

Ông thường sáng tác vào khoảng thời gian nào trong ngày?

- Trong gần 20 năm nay, giờ làm việc, giờ sáng tạo của tôi là từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Đó là lúc cuộc sống mưu sinh đã lùi lại đằng sau, mọi âm thanh ồn ào đã biến mất, khoảng thời gian này sẽ hợp lý cho việc sáng tạo thơ, đối với riêng tôi.

Trong suốt quãng thời gian làm thơ hơn 20 năm, đối tượng ám ảnh trong thơ ông có thay đổi không?

- Hình như không. Đó là sự sợ hãi về một điều gì đó: những vẻ đẹp mong manh, những vẻ đẹp có nguy cơ bị giết chết và bị tàn lụi. Trong một thế giới thực sự không bền vững, thì khát vọng của một thi sĩ nói riêng hay một người nào đó, là sự trở lại của những gì đẹp đẽ và trong sáng nhất.

Điều này có thể được bắt gặp trong văn xuôi, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca hay tiểu luận, trong những bài báo liên quan đến vấn đề văn hóa hay đời sống...; vấn đề xuyên suốt thường là làm sao phục hồi lại được những vẻ đẹp đó - những vẻ đẹp đang có nguy cơ bị giết chết.

Ông có tin vào sự hồi sinh của những giá trị và vẻ đẹp đó?

- Chắc chắn là như vậy. Bởi vì chúng ta học được muôn vàn điều tốt trên thế gian này, đủ để cho dù có gặp nhiều điều tồi tệ (mà những điều này luôn ít hơn) - thì con người trong mọi diễn đàn, mọi công việc, mọi cơ quan, từ cộng đồng bé nhỏ nhất đến cộng đồng rộng lớn nhất - người ta luôn nói với nhau rằng: phải tốt lên, hướng thiện.

Trong nỗ lực đó, không chỉ có những nhà thơ dùng cách thức của thơ ca để bày tỏ, mà một nhà văn, nhà chính trị, nhà kinh tế học, nhà báo, người bảo vệ môi trường... trong công việc của mình đều cùng 1 mục đích cứu lại vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, văn hóa.

Có khi nào ông cảm thấy xa lạ với con người?

- Có chứ! Có nhiều lúc tôi cảm thấy nỗi cô đơn khủng khiếp.

Tôi chưa nhận thấy ai ghét mình, ai thù mình hay có ý định làm hại mình, nhưng cảm giác cô đơn giữa con người vẫn tồn tại. Có lẽ bởi ý nghĩ của mình khác biệt. Trong đêm, khi đã ra khỏi đời sống hàng ngày, cảm giác này đôi khi càng rõ ràng hơn.

Ông có trút bỏ được cảm giác cô đơn đó khi cầm bút viết?

- Khi cầm bút viết, tôi lại trở lại với con người, trở lại với những gì đẹp đẽ nhất trong đời sống con người, những điều mình đã được hưởng từ khi sinh ra, và vẫn còn đang sống trong nó.

Với một con người, đâu là điều tốt đẹp nhất anh ta có được với sự tồn tại của mình?

- Đó là khi tôi được sinh ra cùng với những tạo vật khác trên thế gian này. Cùng với một bông hoa, một ngọn núi, một dòng sông. Đã sinh ra thì có quyền sống, có quyền ước mơ.

Là một nhà thơ thành công và được biết tiếng rộng rãi, ông có nghĩ về những tác phẩm của mình như một di sản để lại?

- Chúng ta đang sống và vẫn hình dung về thế giới bên kia, đó có thể là một thế giới khác, hoặc sẽ như một hạt cát.

Tôi chỉ mong hậu duệ của mình sau này đọc những bài thơ tôi viết ngày nay có thể nghĩ về năm tháng trong gia đình ấy, mọi người đã sống như thế nào. Mọi thứ rồi sẽ có thể bị quên lãng. Nhưng ở hiện tại, mình đang sống, được chia sẻ, được sáng tạo, được tận hưởng... tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc.

Tôi không xem những điều mình viết như một di sản để lại. Thực tế cho thấy rằng, thứ để lại nhiều nhất là tình cảm trong lòng bạn bè, kí ức đẹp về những ngày họ sống. Còn những tác phẩm? Thật khó có thể trường tồn. Tôi không dám nghĩ điều gì cả.

Ông là một người sống nhiều ở quá khứ, hiện tại hay tương lai?

- Tôi sống tất cả. Tôi luôn hồi tưởng trong kí ức, sống trong hiện tại và mơ giấc mơ về một thế giới trong tương lai sẽ khác. Những bài thơ của tôi dường như dành phần cho tương lai rất nhiều, dù nó xuất phát từ hiện thực đời sống, nhưng lại hướng về tương lai. Tôi cũng hồi tưởng lại những kí ức với những dày vò, suy tưởng về những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Xin cảm ơn thi sĩ!

Tôn trọng tính độc lập, tự do của tác phẩm

Ngày 28/06 tại Viện văn học VN đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học ‘Thơ VN hiện đại và Nguyễn Quang Thiều’ với sự tham gia của nhiều gương mặt cốt cán trong làng thơ và giới phê bình văn học VN, như: Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Quần Phương, Mai Văn Phấn, Văn Giá, Nguyễn Chí Hoan, Phạm Xuân Nguyên, Phan Hoàng, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến...

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện văn học đã chủ trì và dẫn dắt buổi tọa đàm khá khúc triết và hợp lý, đề cao tinh thần tranh luận và cọ xát các quan điểm bằng phát biểu trực tiếp chứ không thông qua văn bản. Ông cũng nhắc nhở các diễn giả chú ý phân tích về thủ pháp, ý tưởng và ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều bên cạnh những cảm nhận riêng.

Một số phát biểu đáng chú ý thuộc về nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp - với quan niệm nhà thơ lớn phải là một nhà tư tưởng; nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: "Thơ đã tìm cho mình một đời sống riêng bằng giá trị riêng. Tư duy xếp chiếu là một tư duy cũ. Không nên bằng phê bình mà kéo thơ trở lại với sự dung tục bằng sự liên đới"; nhà thơ Hữu Thỉnh - người đã đưa ra được một số nhận xét về yếu điểm trong thơ Nguyễn Quang Thiều, như: còn kể lể và đôi khi thiếu khoảng trống.

Sau nhiều giờ tranh luận và bình luận thiếu thống nhất, từ sau phát biểu của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, dường như một tâm lý đồng thuận tích cực đã được tìm thấy - có lẽ là rất quan trọng cho các nhà phê bình văn chương hiện tại ở Việt Nam.

Đó là việc tôn trọng đời sống tự do và tính độc lập của tác phẩm: phê bình và phân tích tác phẩm dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của chính nó - không phụ thuộc vào những "liên đới", không buộc tác phẩm phải được phân loại hay buộc phải lôi kéo nó liên quan đến những đối tượng và đề tài khác.

• Hồ Hương Giang (thực hiện)