Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nghệ nhân quan họ tại Hội Lim nhận “nghiêm lệnh” tuyệt đối không cầm tiền từ du khách. Nhưng xem ra, điều này rất khó khả thi trên thực tế.
1. “Chúng tôi đã phổ biến rõ, và yêu cầu các trưởng đoàn quan họ kí biên bản cam kết. Cán bộ của Ban tổ chức có mặt ở khắp các điểm hát để theo dõi, ai vi phạm xin mời... nghỉ biểu diễn ở các mùa hội sau” - ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Du, thành viên BTC Hội Lim, trao đổi với TT&VH về “nghiêm lệnh” nói trên.
Thực tế, cụm từ “ngả nón xin tiền” đã gắn liền với Hội Lim suốt nhiều năm qua, khi dư luận liên tục nhắc tới cảnh các liền chị tại đây mời trầu và... ngả lòng nón nhận “mở hàng” của du khách. Bởi vậy, từ một tháng trước, BTC Hội Lim 2013 đã đưa ra quyết định này. Tất nhiên, không chỉ với quan họ trên thuyền, các liền anh liền chị biểu diễn trên... đất liền cũng không được phép nhận tiền như thông lệ. Bù lại, BTC sẽ xem xét trích thêm một khoản kinh phí ngoài kế hoạch để trả thù lao cho các nghệ nhân biểu diễn.
Du khách cố gắng đưa tiền cho các nghệ nhân tại Hội Lim 2013 (Ảnh chụp sáng 21/2)
Thậm chí, sau khi từng tổ chức thành công cuộc thi Mầm non quan họ cho các thiếu nhi đất Kinh Bắc, Đoàn TNCS HCM tỉnh Bắc Ninh có ý định xin được dựng một trại riêng để các bé trai, bé gái biểu diễn tại Hội Lim 2013 nhưng cũng lập tức bị từ chối. Lí do, theo kinh nghiệm hàng năm, những bé gái lũn cũn cầm micro hát quan họ luôn được du khách cưng chiều nhất khi mừng tuổi lấy may.
Thế nhưng, theo quan sát của TT&VH trong ngày khai hội hôm qua 21/2, việc đưa tiền cho các nghệ nhân đất quan họ vẫn xuất hiện với mật độ khá dày đặc. Dù nghệ nhân rụt rè từ chối, nhiều du khách vẫn nhiệt tình “cưỡng chế” họ bằng cách ấn tiền vào tay cho được mới thôi. Kết quả là khi biểu diễn hoặc mời trầu, các nghệ nhân phải dùng tờ rơi quảng cáo Hội Lim để che bàn tay cầm tiền, hoặc cố gắng giấu dưới đáy khay trầu một cách rất tội nghiệp.
Thậm chí, cảnh đùn đẩy đã diễn ra khi thuyền quan họ biểu diễn tại ao đình Lim. Tới chơi hội, một đoàn cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc khi hát giao duyên đã bằng mọi giá chặn thuyền lại để đề nghị cầm vài tờ 100.000 đồng bồi dưỡng. Ngoài ra, đứng quanh ao, rất nhiều khán giả đành gấp tiền, thậm chí kẹp vào lon bia để ném xuống lòng thuyền - khi các nghệ nhân không dám ghé lại sát bờ.
“Tiền chẳng đáng bao nhiêu. Họ biểu diễn phục vụ, mình quý nên muốn ủng hộ, vậy thôi. Đi vào tít sâu trong đình Lim để tìm hòm công đức thì xa, mà lại không... thân mật và tình cảm” - một khán giả vừa ném tiền vào thuyền, vừa trả lời TT&VH.
2. “Chúng tôi cũng rất đau đầu về điều này. Lãnh đạo tỉnh có nghiêm lệnh như vậy, không mấy nghệ nhân dám cầm. Nhưng, chẳng lẽ lại dừng canh hát để xô đẩy, trả tiền bằng được cho du khách” - ông Nguyễn Quốc Tuấn nói thêm. Theo lời ông Tuấn, trước Hội Lim 2013, một số cán bộ tổ chức đã nghĩ tới việc dựng các hòm nhận tiền tại Hội Lim với dòng chữ Quỹ bảo tồn và phát triển văn hóa quan họ tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng này không được triển khai.
Cũng chẳng biết trách ai, khi từ một nét đẹp thể hiện chút lòng tri ân, việc “cám ơn” nghệ nhân quan họ đã biến dạng lệch lạc trong những năm qua và để lại sự lúng túng cho cả du khách, người biểu diễn lẫn những cơ quan quản lý khi tìm cách khắc phục. Giống như một câu chuyện khác: được yêu cầu không biểu diễn qua micro, các nghệ nhân tại Hội Lim cho tới chiều qua 21/2 hầu hết đã khản giọng, và BTC bắt đầu tính tới phương án đành cho phép họ sử dụng lại, với điều kiện giữ âm lượng ở mức nhỏ.
Hội Lim 2013 bắt đầu cho thấy sự quy củ và lịch sự hơn, nhưng chắc chắn sẽ phải mất thêm vài năm để tìm cách hoàn thiện cả hai chữ “lý” và “tình”.
Theo Thể thao & Văn hóa